"Tôi đã bán chiếc xe Mercedes S500 đi rồi. Tôi không muốn đi cái xe đó nữa. Tôi chỉ muốn lái xe cứu thương", ông Đoàn Ngọc Hải nói.
Hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải với đôi dép tổ ong giản dị bên xe cứu thương chở bệnh nhân nghèo của mình - Ảnh: VNN |
Những ngày qua, hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải với đôi dép tổ ong giản dị cùng chiếc áo sơ mi trắng lái xe cứu thương mang dòng chữ "Xe chở bệnh nhân nghèo về quê miễn phí" trên các cung đường ở miền Tây, miền Trung và cả miền Bắc khiến nhiều người xúc động và cảm phục trước hành động của nguyên Phó chủ tịch UBND quận 1, TP HCM.
Chia sẻ trên báo Thanh Niên về hành động ý nghĩa này, ông Hải cho biết, chuyện lái xe cứu thương xuất phát từ việc ông lái chiếc Mercedes S500 đi từ Sài Gòn ra Hà Nội khi đã nghỉ việc. Trên đường, ông Hải thấy xe cứu thương biển trắng TP.HCM chạy qua chạy lại rất nhiều. Lúc ấy, tôi nghĩ: “Tại sao mình không lái xe cứu thương để chở người mà lại lái xe Mercedes S500 này?”.
"Từ đó về nhà tôi nung nấu ý định và đã bán chiếc xe Mercedes S500 đi rồi (giá một chiếc Mercedes S500 mới hiện khoảng hơn 7 tỷ đồng – PV), tôi không muốn đi cái xe đó nữa. Tôi chỉ muốn lái xe cứu thương", ông Hải nói.
Ông Hải chia sẻ thêm, ông muốn chở bệnh nhân và chở hàng hóa, ưu tiên cho những huyện như Mèo Vạc là huyện khó khăn nhất của Tây Bắc và một số huyện ở Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu…
Trước đó, ông Đoàn Ngọc Hải cho biết chiếc xe chở bệnh nhân được nhập từ Hàn Quốc do ông tự bỏ tiền túi mua với giá hơn 700 triệu đồng rồi trang bị thêm các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết, đăng ký là xe cứu thương chuyên dùng. Ông Hải tự tay lái xe đưa bệnh nhân nghèo về quê miễn phí, bất kể quãng đường di chuyển xa đến đâu.
“Một chuyến xe chở bệnh nhân từ TP HCM về Hà Nội chi phí khoảng 21 triệu đồng, về miền Trung khoảng 15 triệu, về miền Tây khoảng 10 triệu đồng….Số tiền trên là quá lớn đối với nhiều bà con nghèo. Tôi chỉ phục vụ bệnh nhân nghèo miễn phí, để phần nào giúp gia đình họ bớt khó khăn”, Tiền Phong dẫn lời ông Đoàn Ngọc Hải nói và chia sẻ thêm, dọc đường đi, ông sẽ lo cơm, nước và phòng nghỉ cho bà con trên xe.
Trước đó, ngày 11/10, ông Đoàn Ngọc Hải đã hoàn thành thành chặng đường marathon dài 42 km được tổ chức ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ông Đoàn Ngọc Hải cho biết, đây không phải là giải Marathon đầu tiên ông tham dự. Đây là giải thứ 6 ông tham dự ở Việt Nam và Myanma. Tại giải lần này ở Hà Giang ông về thứ 27/61 VĐV nam. Ông phải rất vất vả mới có thể cán đích trong thời gian cho phép để giành được huy chương. Ông Đoàn Ngọc Hải cho biết, ông là một trong số 60 vận động viên đăng ký cự ly dài nhất này. Hơn 300 vận động viên khác tới với giải Marathon ở Hà Giang chỉ đăng ký các cự ly ngắn hơn như 21,12 và 6 km. "Tôi đã phải dậy từ rất sớm để cùng những vận động viên khác di chuyển đến điểm xuất phát ở đỉnh đèo Mã Pí Lèng", ông Đoàn Ngọc Hải chia sẻ. Theo ông Đoàn Ngọc Hải, đây là đường chạy rất khó nhằn ngay cả đối với ông, một người từng dự nhiều giải Marathon. Để làm được việc này phải thường xuyên dậy sớm để chạy bộ hàng chục km mỗi ngày, đó cũng là cách để có đủ sức khỏe tham gia các giải marathon trước đây. |
Cự Giải(T/h)