+Aa-
    Zalo

    Ông Đặng Lê Nguyên Vũ mất quyền điều hành cà phê Trung Nguyên hòa tan

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Quyết định hủy bỏ quyền đại diện pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên đã kết thúc cuộc chiến pháp lý...

    (ĐSPL) - Quyết định hủy bỏ quyền đại diện pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên đã kết thúc cuộc chiến pháp lý giữa hai vợ chồng ông bấy lâu nay...

    Thông tin trên báo Kiến thức, theo quyết định của tòa án, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đã bị tước quyền điều hành Trung Nguyên hòa tan và khôi phục lại quyền này cho vợ ông là bà Lê Hoàng Diệp.

    Quyết định hủy bỏ quyền đại diện pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên đã kết thúc cuộc chiến pháp lý giữa hai vợ chồng ông bấy lâu nay.

    Cụ thể, ngày 13/7, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương đã có quyết định hủy bỏ quyền đại diện pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) tại Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên có trụ sở ở KCN Tân Đông Hiệp, Thị xã Dĩ An và khôi phục quyền điều hành công ty cho vợ ông là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

    Theo đó, Quyết định này hủy bỏ giá trị Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 8 ngày 21/4, thông báo mẫu con dấu ngày 25/4 và Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh ngày 5/5 của Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên thể hiện ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người đại diện pháp luật.

    Đồng thời, với quyết định này của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cũng khôi phục giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7 ngày 28/11/2013 của Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên với người đại diện pháp luật là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

    Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đã bị tước quyền điều hành Trung Nguyên hòa tan và khôi phục lại quyền này cho vợ ông là bà Lê Hoàng Diệp.

    Căn cứ để ra các quyết định trên là theo Công văn số 426/CV-TANDCC ngày 13/5/2016 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP HCM, thông báo rõ ràng về quyền điều hành hợp pháp của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên.

    Cuộc chiến pháp lý của hai vợ chồng ông chủ Trung Nguyên gần đây nhất là vào tháng 5/2016, khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên ngày 21/4/2016 (thay đổi lần thứ 8). Giấy chứng nhận kinh doanh này đã thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao tại TP HCM, yêu cầu của bà Thảo đã được chấp thuận.

    Thông tin trên báo VnExpress, vụ việc tranh chấp quyền kiểm soát doanh nghiệp này kéo dài từ cuối năm ngoái khi Trung Nguyên thông báo việc tạm dừng cung cấp cà phê hòa tan với lý do bảo trì máy móc. Tuy nhiên, sau đó bà Thảo có văn bản gửi các đối tác, cơ quan quản lý cho biết, nguyên nhân chính là đang có sự tranh chấp giữa 2 vợ chồng bà. Theo bà, trong thời gian chờ tòa án giải quyết việc ly hôn, ông Vũ đã tự ý miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên đối với bà Thảo.

    Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, việc làm của ông Vũ là “không đảm bảo tính pháp lý" bởi HĐQT công ty có 3 thành viên. Tuy nhiên, các lần họp để miễn nhiệm chức danh trên thì chỉ có một mình ông Vũ họp và tự ra quyết định.

    Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên đã “tố” chồng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, thành viên HĐQT Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên “thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín” của bà.

    Ông Nguyên Vũ đã ký ban hành các văn bản liên quan đến việc chấm dứt tư cách người đại diện pháp luật, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của bà Thảo đối với Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên. Theo bà Diệp Thảo, điều này khiến mọi người hiểu sai bản chất vụ việc tranh chấp thành viên công ty, mà còn bộc lộ dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bà tuyên bố bác bỏ tất cả các văn bản này. Đó là lý do để cuộc chiến pháp lý của hai vợ chồng đại gia này kéo dài tới hôm nay.

    Tập đoàn Trung Nguyên là một doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất, chế biến, Kinh doanh cà phê; nhượng quyền thương hiệu; dịch vụ phân phối, bán lẻ hiện đại và du lịch. Cà phê Trung Nguyên là một trong những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam và đang có mặt tại hơn 60 quốc gia trên thế giới.

    Hiện Tập đoàn Trung Nguyên có 4 nhà máy tại Đắk Lắk, TP HCM, Bình Dương và Bắc Giang. Trong đó, Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên là đơn vị vận hành nhà máy tại Bình Dương, có trụ sở tại Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An. Đây là đơn vị sản xuất và Kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu G7 gồm cà phê sữa hòa tan, cà phê đen hòa tan và cà phê đặc chế hòa tan. Ngoài Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên, hiện bà Thảo cũng điều hành Công ty TNHH TNI có trụ sở chính tại Singapore - đơn vị có mục tiêu mở rộng thị trường quốc tế của thương hiệu Cà phê Trung Nguyên.

    Khối tài sản kếch xù của Đặng Lê Nguyên Vũ

    Tin tức trên báo Trí thức trẻ, từ cuối năm 2015 đến nay, rất nhiều vấn đề của Trung Nguyên đã được mang ra “mổ xẻ”, từ việc tạm dừng cung cấp cà phê hòa tan G7 đến mâu thuẫn gia đình của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

    Tuy nhiên, có một vấn đề khá thú vị chưa hề được đề cập đến đó là tình hình tài chính của Trung Nguyên.

    Theo một báo cáo do công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố đầu năm nay thì Vinacafe Biên Hòa dẫn đầu với 41\% thi phần, bằng cả Nescafe và Trung Nguyên cộng lại.

    Trong năm 2014, Vinacafe Biên Hòa đạt 3.000 tỷ doanh thu và 420 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

    Mặc dù theo Nielsen thì thị phần của Trung Nguyên thua xa so với Vinacafe Biên Hòa nhưng điều bất ngờ là kết quả kinh doanh của Trung Nguyên lại vượt trội so với Vinacafe Biên Hòa.

    Trong năm 2014, công ty mẹ Trung Nguyên đạt trên 4.000 tỷ doanh thu và gần 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Khoảng cách doanh thu giữa Trung Nguyên và Vinacafe Biên Hòa rất phù hợp với bảng xếp hạng VNR500 vừa được công bố khi Trung Nguyên xếp ở vị trí 217 trong khi Vinacafe Biên Hòa kém gần 100 bậc, ở vị trí 311.

    Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ, bà Lê Hoàng Diệp

    Đối với Vinacafe Biên Hòa, các sản phẩm cà phê chiếm 85\% nguồn thu, phần còn lại đến từ ngũ cốc. Còn trong 4.000 tỷ doanh thu của Trung Nguyên gồm những sản phẩm nào thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

    Còn về nguyên nhân lợi nhuận của Trung Nguyên tăng đột biến lên 1.300 tỷ thì đây cũng không phải hoàn toàn là số “lợi nhuận được tạo ra trong năm 2014”.

    Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm 2014, các công ty con chủ chốt của Trung Nguyên như CTCP Cà phê Trung Nguyên, CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên đã kết chuyển hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận tích lũy được trong giai đoạn 2012-2014 về cho công ty mẹ.

    Đây là nguyên nhân khiến cho doanh thu tài chính cũng như lợi nhuận của công ty mẹ Trung Nguyên tăng đột biến.

    Kết quả kinh doanh của Trung Nguyên cho thấy mặc dù ông Đặng Lê Nguyên Vũ có nhiều phát ngôn gây sốc, thậm chí có phần khoa trương nhưng nó cũng phản ánh đúng kết quả đã tạo ra.

    Chỉ mới thành lập từ năm 1996, Tập đoàn Trung Nguyên do ông Đặng Lê Nguyên Vũ sáng lập đã mau chóng khẳng định tên tuổi và trở thành “ông lớn” trong ngành cà phê Việt Nam. Hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên có 3 mảng chính gồm Kinh doanh - chế biến cà phê, bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu (franchising).

    Mảng kinh doanh – chế biến cà phê của Trung Nguyên bao gồm CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group), CTCP Cà phê Trung Nguyên tại Đăk Lăk và CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên.

    Trong đó, Trung Nguyên Group đóng vai trò là công ty trung tâm của cả hệ thống Trung Nguyên, chịu trách nhiệm chính đối với việc sản xuất cũng như phân phối đối với hoạt động kinh doanh.

    Công ty Cà phê Trung Nguyên tại Đăk Lăk có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, quản lý Nhà máy cà phê Buôn Ma Thuột chuyên về chế biến hạt cà phê, cà phê rang xay.

    Các sản phẩm cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên được sản xuất tại 1 trong 3 nhà máy, bao gồm nhà máy tại Dĩ An (Bình Dương) và Bắc Giang thuộc quản lý của CTCP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên và nhà máy Cà phê Sài Gòn tại Mỹ Phước (Bình Dương) thuộc sở hữu của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên.

    Nhà máy Cà phê Sài Gòn được Trung Nguyên mua lại từ Vinamilk năm 2010 và hiện là nhà máy sản xuất chính của Trung Nguyên.

    CTCP Trung Nguyên Franchising với vốn điều lệ 100 tỷ đồng và cũng được điều hành bởi ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Trung Nguyên Franchising có vai trò quản lý hoạt động nhượng quyền chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên.

    Theo website của Trung Nguyên, hệ thống nhượng quyền hiện gồm hơn 50 cửa hàng tại 7 tỉnh thành trên cà nước và 1 cửa hàng tại Singapore.

    Ngoài những lĩnh vực chính liên quan trực tiếp tới cà phê, Trung Nguyên còn có một số khoản đầu tư ra những lĩnh vực khác như bán lẻ, du lịch…

    Trung Nguyên đã rất nhiều lần thử sức với lĩnh vực bán lẻ nhưng chưa đạt được kết quả khả quan. Năm 2006, Trung Nguyên ra mắt hệ thống bán lẻ G7 Mart với 500 cửa hàng. Mục tiêu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là gắn thương hiệu G7 Mart lên 10.000 cửa hàng – đưa Trung Nguyên trở thành thế lực lớn nhất trong ngành bán lẻ.

    Tuy nhiên, những khó khăn bủa vây đã khiến G7 Mart gần như “mất tích” khỏi thị trường. Sau khi nhận thấy G7 Mart khó lòng cạnh tranh trên thị trường, vào năm 2010, Trung Nguyên đã hợp tác với Ministop (thành viên cua Aeon- Nhật Bản) thành lập CTCP Thương mại và dịch vụ G7- Ministop với mục tiêu mở 500 cửa hàng trong vòng 5 năm.

    Tuy vậy, kết cục trong lần hợp tác này vẫn là sự thất bại. Mới đây, Ministop đã chấm dứt hợp đồng hợp tác với Trung Nguyên, đồng thời tiến hành bắt tay với Sojitz, nâng mục tiêu lên 800 cửa hàng bán lẻ trong vòng 10 năm tiếp theo.

    Bên cạnh những khoản đầu tư thất bại vào lĩnh vực bán lẻ, Trung Nguyên còn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực du lịch khi thành lập Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê với vốn điều lệ 98 tỷ đồng. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành và hiện đang sở hữu khu nghỉ dưỡng Coffee Tour Resort đạt tiêu chuẩn 3 sao đầu tiên tại Buôn Ma Thuột.

    Cổ đông chính của công ty Đặng Lê là Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, doanh nghiệp có quy mô vốn lên đến gần 3.200 tỷ đồng. Theo số liệu chúng tôi có được, toàn bộ hơn 3.200 tỷ đồng tài sản của Đầu tư Trung Nguyên đều được đầu tư vào các công ty con của doanh nghiệp này.

    Và không loại trừ khả năng Đầu tư Trung Nguyên được thành lập để trở thành công ty mẹ của Trung Nguyên Group.

    Tuyết Mai (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-dang-le-nguyen-vu-mat-quyen-dieu-hanh-ca-phe-trung-nguyen-hoa-tan-a139878.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan