Tháng 11/2021, vợ chồng anh Dattatray Chaudhari ở bang Maharashtrachào đón con trai thứ hai. Hy vọng cậu bé có thể làm rạng danh gia tộc, người bố đã đến trung tâm y tế quận Solapur làm giấy khai sinh với cái tên Pantpradhan (tiếng Hindi có nghĩa là "Thủ tướng").
Khi tiếp nhận yêu cầu đặc biệt từ người bố các quan chức địa phương đã đi từ ngạc nhiên đến lo lắng khi anh Dattatray kiên quyết giữ tên muốn đặt.
"Tại sao ông/bà lại đánh giá thấp những người như chúng tôi? Tại sao những người bình thường như chúng tôi lại không thể có tham vọng? Và tại sao không thể có một thủ tướng xuất thân từ gia đình nông dân đã phải bán đất và đấu tranh sinh tồn?", anh Dattatray cố gắng thuyết phục cán bộ địa phương.
Sau 3 tháng ròng rã gõ cửa từng nhà và tiếp cận các quan chức y tế tại bang, anh Dattatray đã thành công có được giấy khai sinh cho con trai với cái tên Pantpradhan vào ngày 15/2.
Theo lời Dattatray, việc thôi thúc đặt tên con nghe "kêu như chuông" xuất phát từ quá khứ nghèo khó của anh. Dattatray đã chứng kiến người cha nông dân Kashinath của mình vật lộn để kiếm cái ăn nên anh tự hứa với bản thân rằng không được nghèo.
Dù cuộc sống chưa được dư dả nhưng anh Dattatray vẫn cố gắng đi học và lấy được bằng cử nhân thương mại rồi mở các lớp gia sư. Sau khi lập gia đình, anh và vợ quyết định sẽ dạy con phải có hoài bão từ nhỏ và không khuất phục trước cái nghèo hay thử thách trong cuộc sống.
Trước Pantpradhan, cậu con trai đầu của Chaudhari cũng được anh đặt một cái tên đặc biệt không lém là Rashtrapati (có nghĩa là "Tổng thống"). "Tôi không gặp vấn đề gì khi đăng ký tên cho con trai cả, sinh năm 2020. Tuy nhiên, cái tên của người con thứ hai khiến tôi gặp chút khó khăn. Tôi chắc chắn rằng các con tôi sẽ sống xứng đáng với tên của mình", ông bố chia sẻ.
Trong hệ thống chính trị tại Ấn Độ vừa có Tổng thống và Thủ tướng. Tuy nhiên, Thủ tướng giữ quyền hành pháp nhiều hơn, còn Tổng thống giữ vai trò mang tính biểu tượng và là nguyên thủ quốc gia.
Linh Chi(T/h)