(ĐSPL) - Mỗi khi nhắc đến Biển Đông, nhiều người thường nhắc đến một nhân vật đã có nhiều đóng góp không nhỏ, được gọi với danh xưng thân mật "ông Biển Đông" - đó là tiến sỹ Trần Công Trục (SN 1943), nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ.
Cả cuộc đời ông Trần Công Trục gần như dành trọn tâm huyết về chủ quyền, biên giới Quốc gia, đặc biệt là nghiên cứu những dấu ấn của người Việt Nam trên Biển Đông. Năm qua, "ông Biển Đông" rất bận rộn. Ông tham gia tích cực vào nhiều hoạt động liên quan đến khoa học, pháp lý, giáo dục, tuyên truyền về Biển Đông.
Tiến sỹ Trần Công Trục. |
Một đời vì biển đảo quê hương
Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Nhật Lệ, phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, như một định mệnh của cuộc đời, ông đã gắn liền với Biển và Biển đã trở thành lẽ sống với ông. Đến nay, khi nhắc đến Biển Đông, nhiều người đã nhắc đến tiến sỹ Trần Công Trục bằng danh xưng thân mật "ông Biển Đông". Một cách để ghi nhận những đóng góp của ông đối với biển đảo quê hương. Có lẽ, thời điểm khi tốt nghiệp trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương (tiền thân đại học Ngoại giao và Ngoại thương) năm 1968, chắc ông cũng không thể ngờ được, cuộc đời mình có hướng rẽ như bây giờ. Bước ngoặt đưa ông sang một ngã rẽ khác đầy bất ngờ, đó là vào năm 1971, khi ông đang công tác ở tổng công ty Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm thuộc Bộ Ngoại thương thì được lệnh nhập ngũ. Tổ chức điều ông về Bộ Tư lệnh Hải quân, đóng tại Hải Phòng. Tại đây, ông được nhận một công việc đặc thù là nghiên cứu về biển đảo.
Cái ngã rẽ bất ngờ đó đã trở thành nghiệp và nó gắn vào đời ông khi nào không biết. Đến năm 1976, vì có nhiều thành tích, ông Trần Công Trục đã được cơ quan cử đi công tác biệt phái tại Ban Biên giới của Chính phủ với tư cách sỹ quan Hải quân. Đến năm 1982, ông chính thức chuyển ngành về công tác tại Ban Biên giới của Chính phủ. Hơn 30 năm công tác và hoạt động liên quan đến biên giới và biển, hải đảo, ông đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Trong thời gian công tác tại Ban Biên giới Chính phủ, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về Biển Đông, đặc biệt công trình, Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông xuất bản 2013 là công trình khoa học, tâm huyết của cuộc đời ông với chủ quyền biên giới quốc gia.
Đây là công trình đồ sộ nghiên cứu về Biển Đông trên các góc độ địa lý, lịch sử, pháp lý, đã khẳng định Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ít nhất từ thế kỷ XVII. Việc thực thi chủ quyền này thực sự liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Và, ông cũng đưa ra các giải pháp xung quanh vấn đề tranh chấp Biển Đông. Cuốn sách trên được đánh giá rất cao và nhận giải Bạc sách hay Việt Nam năm 2013.
Toàn dân tộc nhất tâm, đoàn kết
Nói về bản thân thì "ông Biển Đông" rất kiệm lời, nhưng khi hỏi ông về những vấn đề liên quan đến Biển Đông, ông nhiệt tình lạ thường. Theo ông Trần Công Trục, năm 2014, Biển Đông đã có những diễn biến phức tạp, căng thẳng. Chủ yếu tính phức tạp và căng thẳng do Trung Quốc gây ra. Điển hình nhất, hoạt động của giàn khoan Hải Dương- 981 vào tháng 5/2014, đã gây ra phản ứng rất mạnh mẽ của dư luận trong nước và quốc tế và cũng bộc lộ rõ nhất những gì mà Trung Quốc đã làm trước đó và hiện nay. Đó chính là hiện thực hóa đường lưỡi bò bằng một cuộc xâm lăng, bằng một cuộc xâm lược mềm. Điều này cho thấy, Trung Quốc đang hiện thực hóa nhiều hơn nữa, rõ rệt hơn nữa yêu sách phi lý của mình.
Ngồi trò chuyện với "ông Biển Đông", tôi cảm nhận được những tình cảm ông dành cho biển đảo là vô cùng lớn lao. Ông trăn trở nhiều về những mũi công, thủ của Trung Quốc. Ông cho rằng, Trung Quốc đang hiện thực hóa, pháp điển hóa, yêu sách bằng những thủ thuật và cách làm của mình. Nói về Biển Đông, ông cũng thể hiện sự lạc quan hiếm có của một học giả am hiểu tường tận về vấn đề này. Việc Trung Quốc có hành động leo thang trên Biển Đông, lần đầu tiên chúng ta đã phân tích ra một cách ngọn ngành bản chất âm mưu của Trung Quốc trên cơ sở vị trí giàn khoan Hải Dương-981. Chúng ta đã nhằm đúng và đấu tranh đúng trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta sử dụng hình thức đấu tranh đúng, dùng biện pháp hoà bình. Chúng ta không mắc vào cái bẫy của Trung Quốc và đưa công khai các hình thức đấu tranh pháp lý, ngoại giao...
Lập trường của chúng ta dựa trên những căn cứ pháp lý là công khai, minh bạch. Điểm mà "ông Biển Đông" tâm đắc nhất chính là việc chúng ta công khai bộc lộ dư luận, đã rất sòng phẳng trên mặt trận truyền thông. Với lực lượng truyền thông, báo chí đông đảo đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trong dư luận xã hội; đã ghi nhận được sự nhất tâm, đoàn kết, tạo thành một mặt trận rộng rãi của toàn dân tộc. Công tác giáo dục biển đảo cũng được tiến hành thường xuyên và thu hút mạnh mẽ sự chú ý của dư luận. Điều này đã nâng cao được nhận thức của nhân dân về vấn đề Biển Đông thêm sâu sắc, đặc biệt là các bạn trẻ để họ có ý thức và trách nhiệm đối với biển đảo quê hương.
Những người quan tâm đến Biển Đông trong năm qua đều nhận thấy sự xuất hiện của "ông Biển Đông" một cách đều đặn liên tục trên các trang báo Việt Nam và nhiều tờ báo nổi tiếng quốc tế đến từ phương Tây, Nhật Bản. Đã có hàng trăm bài báo, bài phỏng vấn, trả lời trên truyền hình của ông chỉ ra những tham vọng đầy phí lý của Trung Quốc đối với biển, đảo Việt Nam và trên Biển Đông. Ngoài ra, ông tham gia nhiều cuộc hội thảo khoa học do Bộ Ngoại giao, Hội Luật gia Việt Nam... tổ chức và tham gia giảng dạy hàng chục lớp tập huấn, giáo dục pháp luật biển đảo. Để dành thời gian cho Biển Đông, ông đã cố gắng thu xếp công việc dịch vụ pháp lý thường nhật mà ông đang đảm trách và cả trách nhiệm đối với gia đình, để vì những chuyến công tác xa nhà kéo dài từ Bắc chí Nam...
Cảnh giác với thủ đoạn mới của Trung Quốc "Ông Biển Đông" cho rằng, năm tới tình hình Biển Đông trên thực tế cuộc xâm lược mềm của Trung Quốc không thay đổi mà các mũi tấn công có thể chuyển hướng, trong đó đặc biệt chú ý là hướng Gạc Ma, Chữ Thập. Họ xây dựng đường bay, tàu ngầm để khống chế Biển Đông. Phải nhìn vào sự thực, đấu tranh trên thực địa, thực tế, để thấy rõ những bước đi của Trung Quốc. Tính nguy hiểm của nó khi các quyền và lợi ích của chúng ta bị xâm phạm. |