Hãng tin Reuters dẫn thông tin mới nhất từ Nhà Trắng cho biết, ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật một dự luật chi tiêu tạm thời để ngăn chặn việc chính phủ phải đóng cửa mà không bao gồm các khoản viên trợ dành cho Israel và Ukraine.
Dự luật chi tiêu này do tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đề xuất nhằm ngăn chính phủ đóng cửa sau 23h59 ngày 17/11 (theo giờ địa phương) và được Hạ viện Mỹ thông qua với với 336 phiếu ủng hộ từ lưỡng đảng. Kế hoạch ngân sách sau đó tiếp tục được trình lên Thượng viện Mỹ bỏ phiếu vào hôm 15/11 (giờ địa phương) với tỷ lệ ủng hộ áp đảo gồm 87 phiếu thuận và 11 phiếu chống.
Như vậy, việc Tổng thống Biden ký duyệt dự luật chi tiêu mới đã đánh dấu sự kết thúc của lần bế tắc tài chính lần thứ 3 trong năm nay tại Quốc hội Mỹ. Dự luật được gia hạn đến ngày 19/1/2024 và ngân sách sẽ được sử dụng chủ yếu cho các lĩnh vực ưu tiên như xây dựng quân sự, hỗ trợ cựu chiến binh, vấn đề về giao thông, nhà ở và năng lượng. Các chức năng khác của chính phủ sẽ được nhận được nguồn vốn cho đến ngày 2/2/2024.
Đáng chú ý, dự luật chi tiêu tạm thời mới được ký thành luật không bao gồm tài trợ quân sự cho Ukraine, Israel, viện trợ nhân đạo cho người Palestine và ngân sách tăng cường an ninh biên giới.
Trước đó, hồi đầu tháng 11, Hạ viện Mỹ từng thông qua một kế hoạch ngân sách không bao gồm viện trợ dành cho Ukraine. Kế hoạch này được cho là hoàn toàn trái ngược với sáng kiến 106 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất bao gồm cả viện trợ quân cho Ukraine và đã không được ủng hộ tại cuộc bỏ phiếu của Thượng Viện Mỹ.
Mỹ là hiện quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ chiến sự với Nga nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình chiến sự tiếp tục kéo dài được cho là đã làm dấy lên lo ngại về tâm lý mệt mỏi ở Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev.
Sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với việc viện trợ Ukraine được cho là đang ngày càng giảm sút. Theo kết quả của một cuộc thăm dò mới nhất do Gallup công bố, 61% người Mỹ trưởng thành nói rằng "nên có giới hạn thời gian" đối với viện trợ của Mỹ cho Ukraine và chỉ có 37% cho rằng Mỹ nên tiếp tục hỗ trợ "miễn là Ukraine yêu cầu".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây cũng thừa nhận lượng đạn pháo cung cấp cho quân đội Ukraine đã giảm sút đáng kể sau khi chiến sự Israel – Hamas nổ ra. Song, ông nhấn mạnh điều này không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Phương Uyên(Theo Reuters và Pravda)