Ngày 4/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp mở rộng danh sách công ty Trung Quốc trong diện bị trừng phạt tài chính lên con số 59. Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa 48 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt.
Các công ty lớn của Trung Quốc nằm trong danh sách bao gồm Huawei Technologies, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) - đơn vị sở hữu giàn khoan HD-981, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC), và một số doanh nghiệp khác.
Chính quyền của ông Biden gọi động thái trên là nhằm mở rộng phạm vi của sắc lệnh được chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump đưa ra, vốn “vẫn còn thiếu sót về mặt pháp lý”.
Theo một quan chức Mỹ, lệnh cấm của Tổng thống Biden sẽ có hiệu lực từ ngày 2/8 (giờ New York). Các thực thể Mỹ đã đầu tư vào 59 công ty nói trên hiện có một năm để thoái vốn. Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa phản hồi về các biện pháp trừng phạt mới.
Ngoài việc hạ nhiệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Biden đã giữ nguyên mức thuế quan từ thời ông Trump đối với hàng hóa Trung Quốc và tìm cách biến các đồng minh của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương thành một liên minh chiến lược chống lại Bắc Kinh.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn kỳ vọng rằng trong những tháng tới, chúng tôi sẽ bổ sung thêm các công ty khác vào danh sách hạn chế theo sắc lệnh hành pháp mới".
Phản ứng về động thái này của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm qua (3/6) nói: "Mỹ nên tôn trọng luật pháp và quy tắc thị trường, sửa những sai lầm của mình, dừng các hành động ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự thị trường tài chính toàn cầu, đến quyền lợi của các nhà đầu tư".
Mộc Miên (Theo CNBC)