Không ngoa khi nói, phục trang luôn là câu chuyện đau đầu và gây nhiều tranh cãi trong mỗi dự án phim cổ trang Việt. Biết bao phen tranh cãi ồn ào, nhưng nhiều bộ phim mới ra đời lại tiếp tục vấp phải “vết xe đổ” từ những bộ phim trước đó. Lẽ nào, trang phục phim cổ trang Việt sau bao năm vẫn chỉ quẩn quanh những chuyện “muôn năm cũ”?
Đi tìm thước đo chuẩn mực
Vài năm trở lại đây, đánh dấu sự “trỗi dậy” của những dòng phim, MV lấy cảm hứng từ lịch sử Việt Nam. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng khi những giá trị văn hóa truyền thống xưa cũ đang dần được hồi sinh. Nhưng, buồn thay, khi rất nhiều trong số đó lại gắn với những ồn ào không đáng có, nhất là về mặt trang phục.
Điển hình là dự án lấy cảm hứng từ cuộc đời của Thái hậu Dương Vân Nga do Thanh Hằng đóng chính kiêm nhà sản xuất vừa công bố mới đây. Thông qua các hình ảnh hậu trường đầu tiên được hé lộ, khán giả đã phải trầm trồ trước sự đầu tư kỳ công, tỉ mỉ về mặt trang phục của phim. Nhưng, chưa kịp vui mừng, ê-kíp đã phải nhận về những phản ứng trái chiều quanh chuyện... xiêm y. Nhiều ý kiến “bắt lỗi” cho rằng trang phục của nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga sai giai đoạn lịch sử, thậm chí còn hơi hướng giống trang phục nhà Thanh của Trung Quốc, nhất là dáng áo, kiểu nút áo và điều đó là khó chấp nhận được.
Thực tế, đây không phải lần đầu phục trang của các bộ phim cổ trang, phim lấy cảm hứng từ nhân vật lịch sử có thật hoặc liên quan đến lịch sử,... trở thành đề tài tranh cãi. Quay đi, quay lại vẫn chỉ là những chuyện “muôn năm cũ”, trang phục phim nếu không na ná của Trung Quốc, lại biến tấu, cách tân quá đà, sai lệch với nguyên gốc. Trong đó, hứng nhiều “gạch đá” và chỉ trích nhất có lẽ là bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long. Là tác phẩm đầu tư kinh phí lớn, nhưng cuối cùng bộ phim này bị hủy chiếu... vì trang phục quá giống Trung Quốc.
Đồng ý rằng làm phim cổ trang ở Việt Nam chưa bao giờ là dễ dàng, phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về mặt tài liệu lịch sử qua các triều đại xưa. Mốc thời gian càng đẩy sâu về quá khứ, dữ liệu lịch sử càng ít ỏi. Thực tế, ngoài trang phục triều Nguyễn ra, chúng ta tìm được rất ít tư liệu về các triều đại trước đó như: Lê, Trần, Lý... nên việc phân định tính đúng-sai của trang phục vẫn là “bài toán” chưa có lời giải.
Vả lại, việc phục dựng lại những bộ trang phục cổ là cả một quá trình dày công nghiên cứu, đối chiếu, mới tạo ra được những mẫu tiệm cận với trang phục gốc. Việc này ngay cả những người nghiên cứu chuyên sâu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nói gì tới những đoàn làm phim.
Thêm vào đó, các phim thể loại dã sử, có yếu tố kỳ bí, hư cấu thì trang phục không buộc phải y hệt 100% lịch sử. Nhưng, không vì thế, mà việc phục dựng một bộ trang phục cổ lại có “đất” cho sự cẩu thả, hời hợt, làm sai lệch nghiêm trọng các giá trị văn hóa gốc. Chưa kể hơi hướng lai căng, “xâm lấn văn hóa” sẽ gây nguy hiểm đến nhận thức của công chúng, nhất là giới trẻ về cổ phục Việt. Trang phục không mang tính bản sắc hay “nhận diện” sẽ khiến nhận thức của giới trẻ về trang phục cổ bị mờ nhạt, nhầm lẫn.
Trong thế giới hội nhập hiện nay, sự pha trộn, kết hợp cũng là xu thế chung, nhưng mọi sự sáng tạo phải thật tinh tế, nhìn vào mọi người vẫn nhận ra đó là trang phục của người Việt, chứ không phải là “vay mượn”. Đã là nghệ thuật phải có sự sáng tạo, nhưng cần dựa trên nền tảng, chứ không phải bắt chước.
Trang phục của nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga (Thanh Hằng đảm nhận) gây tranh cãi. |
Bao giờ hết chuyện “muôn năm cũ”?
Bản thân từng “chơi lớn” với dự án phim cổ trang Phượng Khấu và vấn đề trang phục là “cửa ải” khó nhằn nhất mà đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và ê-kíp đã phải “căng não” vượt qua. Theo anh, hành trình “ngược dòng lịch sử” để phục dựng và hồi sinh những trang phục cổ Việt gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, sự hiểu biết và phổ cập phục trang Việt Nam đã bị quên lãng khá lâu và hầu như không có giáo trình, tài liệu.
“Đây cũng chính là trở lại ngại lớn nhất cho những ai muốn tìm lại nét đẹp trong phục trang cổ để truyền tải đến số đông, nhất là giới trẻ hiện nay về văn hóa ăn mặc của người Việt xưa. Bởi, thực tế, có nhiều trang phục, nhiều bạn trẻ không biết tên gọi là gì và cũng không nghĩ đó là nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Thế nên, sự lạ lẫm, những tranh cãi, phản ứng “nổ ra”, vô hình trung đã cản trở việc quảng bá văn hóa Việt tới bạn bè thế giới qua trang phục. Tôi nghĩ, đã đến lúc cần có những hội thảo, phong trào tuyên truyền, phổ cập về giá trị của những cổ phục Việt đến số đông công chúng”.
NTK Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc công ty Ỷ Vân Hiên - đơn vị chuyên phục dựng trang phục cổ. |
Nhưng, đánh giá một cách khách quan, bên cạnh những sản phẩm bị khán giả "soi mạnh", điện ảnh Việt cũng “manh nha” những tín hiệu đáng mừng về khâu phục trang. Thực tế, có một số bộ phim cổ trang Việt đã và đang “làm mưa làm gió” nhờ sở hữu bộ sưu tập cổ phục tiệm cận tiêu chí “đúng-đẹp- phù hợp”, bất kể là phim sát sử, dã sử hay fantasy (giả tưởng).
Tiêu biểu là bộ phim Đêm hội Long Trì - được xem là tuyệt tác “kinh điển” đặt nền móng cho trào lưu phim cổ trang Việt. Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế về tư liệu lịch sử, nhưng ê-kíp phục trang (gồm cố họa sĩ Đào Đức và họa sĩ Phương Thảo) đã rất nỗ lực để truyền tải hơi thở của cổ phục triều Lê Trung Hưng vào trong tạo hình của các nhân vật. Hay gần đây nhất, bộ phim Phượng Khấu của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh được lòng khán giả nhờ lối sử dụng cổ phục bám sát với lịch sử thời Nguyễn.
Thiết nghĩ, sự “bắt ne bắt nét” từ phía người đón nhận là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, một khi đoàn phim đã chấp nhận xông pha vào lĩnh vực nhiều khó khăn và tranh cãi này, thì cần nghiên cứu, lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý từ phía công chúng. Điều này sẽ giúp các nhà sản xuất không đi vào "vết xe đổ" và tạo ra được dấu ấn mạnh mẽ qua những giá trị văn hóa nghệ thuật, trong đó có trang phục.
NHÀ NGHIÊN CỨU MỸ THUẬT CỔ NGUYỄN MẠNH ĐỨC: “Đừng vội vàng “bóp chết” sự sáng tạo” Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Mạnh Đức, “bài toán” phục dựng cổ phục Việt “đúng - đẹp - phù hợp” thật sự rất khó và cần nhiều thời gian. “Giả sử, một năm làm khoảng 20 phim và tăng dần lên, may ra mới có mới thấy rõ được sự phát triển về mặt trang phục để đánh giá, lựa chọn. Những người trực tiếp làm sẽ có sự cạnh tranh để tạo nên phong cách cá nhân. Từ đó, khán giả có quyền phán xét, so sánh dựa trên phong cách cá nhân đó có hợp lý, hay không hợp lý. Còn, thực tế, chúng ta lấy cơ sở nào để đánh giá khi số lượng phim cổ trang Việt hiện nay chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Vậy mà, buộc người phục dựng trang phục phải làm “đúng-đẹp-phù hợp” thì rất khó. Tất nhiên, việc khán giả đòi hỏi là lẽ đương nhiên. Nhưng, muốn người làm rút kinh nghiệm, phục dựng đúng yêu cầu, thì phải cho họ cơ hội thiết kế trang phục cho ít nhất vài phim trở lên, để họ có thời gian tìm hiểu, mài dũa, tạo ra được phong cách cá nhân. Điều này là cả quá trình và người làm phải được sáng tạo liên tục. Còn, hiện tại vẫn quẩn quanh chuyện một người vừa tập tành thiết kế, phục dựng được một bộ trang phục, đã bị mang ra phê phán, chỉ trích đến mức phải dừng lại, thì làm sao có sự phát triển, kế thừa. |
NTK NGUYỄN ĐỨC LỘC: Mạnh ai nấy làm Bàn luận về vấn đề phục trang trong phim cổ trang Việt, NTK Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc công ty Ỷ Vân Hiên - đơn vị chuyên phục dựng trang phục cổ cho biết: “Thực tế, việc phục dựng trang phục cổ Việt không hề đơn giản. Từ lý thuyết nghiên cứu để tạo nên một bộ quần áo ứng dụng vào thực tiễn phải có sự cộng hưởng của hai yếu tố: Kiến thức về văn hóa lịch sử và tư duy, kiến thức về thời trang. Rõ ràng, ở Việt Nam đang tồn tại câu chuyện “mạnh ai nấy làm”, không có sự kết nối với nhau. Người nghiên cứu... cứ nghiên cứu, người thiết kế... cứ theo thời trang. Rất hiếm có sự kết hợp hài hòa tư duy nghiên cứu và thời trang trong một tác phẩm. Chính “lỗ hổng” này đã dẫn đến những khúc mắc, tranh cãi không hồi kết. |
Hà Linh
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ CN (38)