(ĐSPL) - Kết thúc chuyến công du Châu Á ở Philippines, Tổng thống Obama tái khẳng định không một nước nào được dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Tuyên bố ngày 29/4 tại Manila của Tổng thống Obama được cho là lời cảnh cáo mới nhắm vào Trung Quốc, nước đang dùng sức mạnh để áp đặt các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Philippines. |
Theo hãng tin Pháp AFP, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tranh thủ bài phát biểu trước các binh sĩ Mỹ và Philippines tại Manila, để bày tỏ quan ngại trước các tranh chấp lãnh hải ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và các nước đồng minh của Washington trong khu vực.
Ông Obama tuyên bố: “Các quốc gia và dân tộc đều có quyền được sống trong an ninh và hòa bình, với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được tôn trọng…Luật pháp quốc tế phải được tuân thủ, quyền tự do hàng hải phải được bảo đảm và các hoạt động thương mại không thể bị cản trở”.
Trên cơ sở đó, Tổng thống Obama khẳng định: “Các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình chứ không phải là bằng các hành động hăm dọa hay sử dụng vũ lực”.
Tuyên bố này không có gì mới so với quan điểm từng được phía Mỹ nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng mang một ý nghĩa đặc biệt mạnh mẽ khi được chính Tổng thống Mỹ nói lên và ngay tại Philippines, nước đồng minh của Mỹ đang bị Trung Quốc chèn ép tại Biển Đông.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông và Philippines hiện là quốc gia bị Bắc Kinh lấn lướt dữ dội nhất trong số bốn nước Đông Nam Á có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, Mỹ đã tăng cường giúp đỡ Philippines – nước có quân đội thuộc diện yếu nhất trong khu vực – trong lĩnh vực quốc phòng và quân sự. Sự hậu thuẫn được cụ thể hóa với việc ký kết một thỏa thuận ngày 28/4 tại Manila, cho phép quân đội Mỹ hiện diện nhiều hơn trên lãnh thổ Philippines.
Hôm nay, Tổng thống Obama đã tìm cách trấn an thêm đồng minh Philippines khi tái khẳng định rằng Washington sẽ sát cánh bên cạnh Manila trong trường hợp bị nước khác tấn công, đúng theo khuôn khổ Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951.
Tổng thống Mỹ tuyên bố: “Hiệp ước này có nghĩa là hai quốc gia chúng ta cam kết… bảo vệ lẫn nhau trước các cuộc tấn công vũ trang đến từ bên ngoài”.
Ông Obama đồng thời cảnh cáo: “Bất kỳ một kẻ xâm lược tiềm tàng nào không nên có ảo tưởng rằng một trong hai nước sẽ đơn độc. Nói cách khác, lời cam kết bảo vệ Philippines được bọc trong thép. Mỹ sẽ tôn trọng cam kết đó”.
Điểm duy nhất trong tuyên bố đanh thép trên đây của ông Obama có thể khiến nước chủ nhà thất vọng, đó là việc Tổng thống không đề cập cụ thể đến khả năng giúp đỡ Philippines nếu xung đột xảy ra ở Biển Đông đang tranh chấp, trái với mong muốn của Manila.
Đây là điểm khác với trường hợp Nhật Bản. Tại Tokyo, ông Obama cũng đã cam kết hậu thuẫn Nhật Bản, nhưng nói rõ rằng quần đảo Senkaku đang bị Trung Quốc nhòm ngó nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/obama-lai-canh-cao-trung-quoc-ve-bien-dong-a31205.html