(ĐSPL) - Trong tháng 12/2016, Việt Nam đã nhập khẩu 5.198 chiếc ô tô từ Ấn Độ, với tổng giá trị 20,12 triệu USD, tính trung bình chưa đến 4.000 USD/chiếc.
Theo tin tức trên báo Dân trí, trong tháng cuối cùng của năm 2016, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2016, cùng với đó là lượng xe kỷ lục nhập từ Ấn Độ.
Hơn 5.000 chiếc ô tô Ấn Độ nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2016. (Ảnh: Vietnamnet) |
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại vào Việt Nam trong tháng 12/2016 tăng hơn 20% cả về số lượng và giá trị. Cụt hể, trong một tháng, Việt Nam nhập khẩu đến 14.742 chiếc ô tô, trị giá gần 234,3 triệu USD, mức cao nhất về số lượng xe nhập tính từ đầu năm, nhưng chỉ cao thứ 4 về kim ngạch.
Báo điện tử Tổ Quốc cũng đưa tin, trong đó, đáng chú ý nhất là sự gia tăng đột biến về số lượng của ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ - 5.198 chiếc, cao nhất trong các nguồn nhập khẩu xe nguyên chiếc. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị, nhập khẩu ô tô từ Ấn Độ trong tháng 12 vừa qua chỉ ở mức 20,12 triệu USD, tức là tính trung bình chưa đến 4.000 USD/chiếc.
Số liệu thống kê ô tô nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2016. (Ảnh: Vietnamnet) |
Nhập khẩu ô tô từ Thái Lan và Hàn Quốc là 3.969 chiếc và 2.339 chiếc; trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng từ 655 chiếc của tháng 11 lên 898 chiếc trong tháng 12, chủ yếu là xe tải, với giá trị trung bình khoảng 38.500 USD/chiếc.
Tính chung trong cả năm 2016, Việt Nam đã tiếp nhận 113.567 xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.tương đương mức tiền phải chi ra là 2,34 tỷ USD.
Về nguồn gốc xuất xứ, nhập khẩu ô tô vào Việt Nam trong năm 2016 vừa qua nhiều nhất là từ Thái Lan - 34.336 chiếc; kế đến lần lượt là Ấn Độ - 22.000 chiếc, Hàn Quốc - 20.204 chiếc, Trung Quốc - 10.989 chiếc và Nhật Bản - 7.209 chiếc.
Cũng theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong năm 2016, Việt Nam đã chi hơn 416 triệu USD để nhập khẩu xe máy và linh kiện, phụ tùng, tăng 18,6%.
Dự báo trong năm 2017 này, lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu sẽ tăng lên nhiều, bởi có nhiều mẫu xe đang được lắp ráp trong nước sẽ chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc, như Ford Everest, Honda Civic, Mitsubishi Pajero Sport, Toyota Fortuner,...
(tổng hợp)