+Aa-
    Zalo

    Ở nơi dân không sợ... mất cắp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong những ngày ở Côn Đảo, điều chúng tôi ấn tượng nhất chính là ý thức chấp hành pháp luật của người dân nơi đây.

    (ĐSPL) - Côn Đảo ngày nay đã khoác lên mình chiếc áo mới với nhiều dịch vụ, tiện nghi và thấp thoáng của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, trong những ngày ở Côn Đảo, điều chúng tôi ấn tượng nhất chính là ý thức chấp hành pháp luật của người dân nơi đây.

    Nơi chấp hành giao thông... cực nghiêm chỉnh

    Có khoảng 70\% dân số sống trên đảo là công chức Nhà nước. Tất cả đều nghiêm túc chấp hành các quy định của Nhà nước về luật lệ giao thông, trật tự trị an. Thực tế một số nơi trong đất liền đâu đó vẫn còn cảnh công chức Nhà nước "oách", hoạnh họe, "hành" dân, còn ở Côn Đảo thì ngược lại. Bởi, Côn Đảo có 10 khu dân cư, là huyện có chính quyền một cấp, thông qua các cơ quan chức năng huyện trực tiếp đến địa bàn dân cư, không có các cấp trực thuộc như xã, phường hay thị trấn nên công tác quản lý khá thuận tiện.

    (bgiay)Côn Đảo - Những chuyện giờ mới kể Kỳ 3: ở nơi dân không sợ

    Ngoài ý thức, người dân trên đảo chấp pháp rất nghiêm.

    Những ngày ở Côn Đảo, chúng tôi được anh Vinh, tài xế của TAND huyện đưa đi một số nơi thì thấy anh chạy xe rất nghiêm túc. Khi đèn xanh còn hai giây nữa thì anh đạp thắng (phanh), chứ không phải đạp... ga để vọt luôn như một số hình ảnh mà chúng tôi vẫn thường thấy ở TP.HCM, đặc biệt là các xe biển xanh. Hỏi anh Vinh có phải chở các nhà báo nên mới nghiêm chỉnh chấp hành hay không? Anh Vinh đáp thẳng: "Không phải đâu anh, mà đó là sự chấp hành của người dân nơi đây và cũng sợ... bị cảnh sát giao thông phạt".

    Quả thật, đến đâu chúng tôi cũng thấy người dân nơi đây chấp hành Luật Giao thông rất nghiêm. Ngay cả các em học sinh cũng vậy. Có lẽ đây đã thành nếp, ăn sâu trong suy nghĩ của mỗi người. Anh Ngô Trí Thủy, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Bãi ông Đụng, người mà chúng tôi có dịp nhắc ở bài trước chia sẻ, người dân ở đây ai cũng tuân thủ chấp pháp. Ngoài ý thức thì còn có những nguyên do khác, đó chính là "sợ" cảnh sát giao thông, rồi sau đó là “sợ”... cơ quan.

    Bà Phạm Thị Vân, phòng Văn hóa - Thông tin huyện Côn Đảo cho biết, sở dĩ người dân trên đảo chấp hành nghiêm Luật Giao thông nói riêng và luật pháp nói chung, trước hết là do khâu tuyên truyền pháp luật rất tốt, sau đó là những quy định chi tiết, cụ thể của địa phương. Nếu một trong những thành viên của gia đình vi phạm Luật giao thông, cảnh sát giao thông lập biên bản và gửi về khu phố, cơ quan, trường học... gia đình đó sẽ không đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hoá.

    Ví như con đi học, vi phạm Luật Giao thông hay ở trường có lỗi gì thì sẽ có giấy báo ngay. Rồi, nếu cán bộ, công chức vi phạm giao thông thì "giấy" sẽ gửi ngay về cơ quan, đơn vị đang công tác..., ảnh hưởng kết quả thi đua cuối năm. Lúc đó, các khoản phúc lợi cũng bị cắt đi. "Chính vì thế nhiều người nói vui rằng, sợ nhất là cảnh sát giao thông, rồi đến cơ quan", anh Thủy chia sẻ. Ngược lại, những công dân, gia đình chấp hành nghiêm thì cuối năm cũng được vinh danh.

    Vinh danh với số tiền ít ỏi, nhưng đó là niềm vinh dự, tự hào nên ai cũng chấp hành và thực hiện đúng. Để trải nghiệm, chúng tôi thuê chiếc xe gắn máy để tác nghiệp. Khi nhận xe, người "môi giới" cho tôi biết rằng "ở đây không giống như đất liền nên anh chạy xe cẩn thận. Nếu vi phạm, ngoài cá nhân anh bị phạt giao thông, thì chủ xe cho anh thuê cũng bị vạ lây đấy". Nghe vậy, tôi tự nhắc phải chạy xe cẩn trọng và chấp hành Luật Giao thông hơn bao giờ hết.

    Chính vì mọi người nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp, nên rất ít thấy lực lượng cảnh sát giao thông hiện diện trên các tuyến đường. Bà Nguyễn Thị Hạnh, một người dân trên đảo cho biết, mọi người chấp hành tốt rồi thì giao thông trở nên thuận tiện. Nhưng một khi người dân vi phạm giao thông thì cảnh sát sẽ xử nghiêm, không có tình trạng xin xỏ, "làm tiền". Điều này khiến chúng tôi bỗng có ý nghĩ, giá như ở nhiều địa phương, đặc biệt là các đô thị, người tham gia giao thông đều có ý thức chấp hành luật pháp, cũng biết "sợ" như vậy thì sẽ bớt đi những tai nạn thương tâm và những thiệt hại không đáng có.

    Nghề trông giữ xe thất nghiệp!

    Người dân và khách du lịch trên đảo không lo lắng đến chuyện mất cắp tài sản. Chính bản chất và "sợ" những chuyện như vừa nêu trên nên ý thức của người ở đảo rất tốt. Bà Nguyễn Thị Hạnh, một công dân trên đảo cho biết, ai bước chân lên đảo cũng được người dân đảo nói cho họ nghe về những chi tiết này. Thế là tự khắc họ cũng hành xử như người trên đảo. Do vậy, mọi thứ tốt đẹp lên. Quan trọng hơn, bà Vân cho rằng, Côn Đảo là chốn tâm linh, huyền thoại đã được sử sách trong và ngoài nước ghi lại.

    (bgiay)Côn Đảo - Những chuyện giờ mới kể Kỳ 3: ở nơi dân không sợ

    Xe cộ để ngổn ngang, cắm luôn cả chìa khóa mà không cần người trông coi.

    Chính vì thế, ai bước chân lên đảo cũng đều cảm thấy tự hào và có trách nhiệm hơn trong việc giữ ý thức và trách nhiệm của một người con đất Việt khi ứng xử với môi trường xung quanh. Không chỉ là trong các mối quan hệ xã hội mà đó còn là môi trường tự nhiên. Vì Côn Đảo còn hoang sơ mà phá đi sự hoang sơ, thì chắc chắn sẽ không còn Côn Đảo nữa. Từ ý thức đó, dần ăn sâu vào nếp nghĩ của mỗi người. Do vậy, ngoài chuyện "sợ" cảnh sát giao thông, thì ở Côn Đảo cũng không sợ mất cắp là chuyện bình thường.

    Hơn thế nữa, Côn Đảo được bao bọc bởi biển nên có mất cắp cũng dễ truy tìm "hung thủ" hơn. Trung tâm huyện Côn Đảo tọa lạc trên một thung lũng hình bán nguyệt ở tọa độ: 106 độ 36 phút kinh độ Đông và 8 độ 40 phút vĩ độ Bắc, cao độ trung bình khoảng 3m so với mặt nước biển, với chiều dài từ 8 đến 10km và chiều rộng từ 2 đến 3km. Một mặt trông ra biển (Vịnh Đông Nam). Ba mặt còn lại vây quanh là núi. Chính nơi đây tập trung toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả quần đảo.

    Trung tâm Côn Đảo nằm ở khoảng giữa của sân bay Côn Sơn (hay còn gọi là sân bay Cỏ ống) và cảng Bến Đầm. Từ trung tâm huyện để đến sân bay hay Bến Đầm đều có quãng đường khoảng 12km. Hiện nay, dân số trên đảo ước chừng hơn 7,5 ngàn người (tính đến cuối năm 2012). Bà Vân cho biết, dù ngày càng có nhiều người đến sinh sống, lập nghiệp và khách du lịch đến Côn Đảo, nhưng đâu vào đấy, rất quy củ. Khi tôi hỏi, tại sao xe gắn máy lại để khắp nơi như vậy, lại còn để hẳn cả chìa khóa, bà Vân cho biết, ngoài vị trí địa lý "độc địa", thì ý thức của người dân trên đảo rất tốt.

    Trước đây, cũng có một vài vụ trộm cắp xe gắn máy diễn ra. Các đối tượng này gian manh, tìm cách tháo rời để tiêu thụ, nhưng cũng bị phát hiện. Kể từ đó đến nay, không còn tình trạng đó nữa. Chính vì thế, chị Thủy, một đồng nghiệp đang công tác ở Đài Truyền thanh - Truyền hình Côn Đảo nói vui: ở đây tìm đâu cũng không thấy một nghề, đó là nghề giữ xe. Quả thật, khi chúng tôi vào đến Bãi ông Đụng, dù phải đi bộ một quãng đường gần 1km, nhưng xe cứ vứt trên đường. Sau gần bốn giờ đồng hồ ở lại để tránh trận mưa rào rồi quay lại, thì xe vẫn y nguyên.

    Hiện nay, do có khá đầy đủ dịch vụ viễn thông nên mọi thông tin trên đảo truyền đi khá nhanh nhạy. Hiện có bốn mạng điện thoại di động phủ sóng là Vinaphone, Mobifone, Viettel và VietNamMobile. Ngoài ra có mạng cố định không dây của Viettel. Cuối tháng 8/2007, Côn Đảo đã kết nối Internet tốc độ cao ASDL và cáp quang truyền hình. Ngoài ra, Côn Đảo còn có Đài Phát thanh và Truyền hình phục vụ đời sống tinh thần của bà con.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/o-noi-dan-khong-so-mat-cap-a73786.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan