Tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề ở Hà Nội đã diễn ra nhiều năm qua, tuy nhiên việc xử lý vẫn còn nhiều bất cập từ nhiều khâu...
Ô nhiễm từ đầu làng đến cuối làng
Theo thống kê của sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Đáng chú ý, kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017 - 2020 cho thấy, 139 làng nghề hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó 95 làng nghề ô nhiễm, 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước.
Để có một góc nhìn rõ nét hơn về tình trạng này, PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có cuộc khảo sát thực tế tại một số làng nghề trên địa bàn Thủ đô. Tại làng nghề xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) nổi tiếng với nghề thu gom phế thải, tái chế nhựa. Đặt chân tới đây điều đầu tiên chúng tôi cảm thấy là mùi hôi, thối bốc ra. Các rãnh thoát nước trong làng dù đã được bê tông hóa, song vẫn bốc lên mùi hôi thối từ hoạt động sản xuất của các hộ làm nghề trong làng xả thẳng xuống cống chung không qua bất cứ hệ thống xử lý nước thải. Hầu hết các ao, hồ trong làng đều không thể nuôi cá.
Hơn thế nữa, tình trạng ô tô tải ra vào làng nghề khá nhiều, trên trục đường chính có trường tiểu học Tân Triều, ô nhiễm khói bụi, nguy hiểm giao thông luôn kề cận…
Có giải pháp nhưng vẫn phải chờ. |
Tương tự tại cụm công nghiệp làng nghề Di Trạch (huyện Hoài Đức), nổi tiếng về đá mài và kim khí (sản xuất sắt tháp, két sắt,…). Nhiều năm qua, người dân nới đây phải sống trong tình cảnh ô nhiễm không khí, tiếng ồn do những xưởng đá gây ra. Các xưởng đá này hoạt động ngay giữa khu dân cư, bụi đã sản xuất trực tiếp ra môi trường khiến cho không khí, nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Ngoài ra, tình trạng những chiếc két sắt hỏng, hoen gỉ, chất đống dọc các đường làng. Khi trời mưa những vết hoen ố bị nước mưa xuống trôi chảy xuống những con sông gần đó gây ô nhiễm nguồn nước.
Ghi nhận của chúng tôi tại cụm công nghiệp làng nghề này, hầu hết các con sông đều có màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Thậm chí, rác thải sinh hoạt, công nghiệp vứt tràn lan ra sông. Những con sông trở thành dòng sông chết, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu của người dân quanh đó.
Đặc biệt tại kênh t2-7 nằm sát cụm công nghiệp Di Trạch, những năm qua nhiều người dân đã phản ánh lên chính quyền về tình trạng nước thải thuộc 18 công ty trong cụm công nghiệp này xả thải trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của những hộ dân quanh đó nhưng tình trạng vẫn không đỡ hơn là bao.
Người dân trong làng cũng khổ
Bà N.K.T (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) cho biết gia đình bà có 3 sào ruộng, nằm sát phía sau cụm công nghiệp. Những năm qua, một số doanh nghiệp hoạt động và xả thải dầu nhớt, nhựa đường thẳng ra hệ thống mương, tràn vào ruộng của gia đình và một số hộ dân khác khiến lúa và cây ăn quả bị hư hỏng nặng. Đặc biệt năm 2017, cá nuôi quanh ruộng nhà bà chết rất nhiều do nước ô nhiễm từ mương vào ruộng
Cùng cảnh ngộ bà N.T.H (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức) cũng bức xúc, gia đình bà có vài sào ruộng trồng ổi, nằm cạnh khu công nghiệp. Tuy nhiên, mỗi khi các doanh nghiệp xả thải, khiến các cây ổi bị ảnh hưởng nặng. Nhiều nhà phải tự đào ao để lấy nước tưới tiêu, tuy nhiên nhiều khi nước từ mương chảy vào khiến các cây bị cằn cỗi héo úa rồi chết.
PV tiếp tục ghi nhận tại làng nghề miến dong (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức), mới đặt chân vào làng, chúng tôi cảm nhận được mùi hôi thối bốc lên từ cây luồng ngâm để phơi miến.
Một người dân sống tại xã Dương Liễu cho biết, chất thải của làng nghề tích tụ lâu năm ảnh hưởng lớn đến chính cuộc sống người dân tại xã, do chất thải tích tụ lâu năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm sinh hoạt của người dân.
Thêm nữa, quy trình phơi miến dong tại đây cũng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân tận dụng khoảng trống hai bên lề đường để phơi miến. Tuy nhiên, khói bụi do các phương tiện đi lại nhiều khiến miến dong bị bám bẩn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tiếp tục, PV đặt chân đến làng gỗ tại xã Hữu Bằng và xã Dị Nậu huyện Thạch Thất, dọc 2 bên dường bụi gỗ từ các xưởng sản xuất gỗ bay tứ tung, khiến ô nhiễm không khí ở đây luôn xuất hiện. Thêm nữa, tình trạng gỗ chất đống ngoài đường rỉ nước ô nhiễm.
Tại các làng nghề gỗ này, tình trạng sấy khô, ép gỗ khiến khói đen khịt từ các ống khói bay tràn lan ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Đặc biệt, nhiều trường học nằm dọc trên tuyến đường chính của xã gây ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ.
Bao giờ cho hết nỗi lo?
Trao đổi với PV về những bất cập, ông Phạm Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) cho biết, tình trạng ô nhiễm tại cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn nhiều năm qua đã được người dân phản ánh. Xã cũng đã đề xuất, xin ý kiến của sở Tài nguyên và Môi trường, sở Công Thương về khảo sát đánh giá tác động môi trường. Đồng thời xã cũng đã nhắc nhở, xử lý bằng biên bản, yêu cầu các công ty trong cụm công nghiệp làng nghề khắc phục hậu quả.
“Tuy nhiên bất cập ở chỗ, muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này cần phải có trạm xử lý ô nhiễm, và khơi thông sông, mương. Nhiều năm qua, xã cũng đã quyết liệt trong việc chấn chỉnh tình hình này, tuy nhiên quyền hạn của xã cũng có hạn, chính vì thế chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên mong sẽ sớm được giải quyết”, ông Mạnh cho hay.
Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức, Bùi Thế Công cho biết, từ thực tế trên địa bàn nhiều năm qua cho thấy, việc các làng nghề xả chất thải trực tiếp ra kênh, mương đã gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện xác định, nếu để tình trạng ô nhiễm làng nghề càng lâu, sẽ càng khó xử lý. Vị vậy, các giải pháp trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường làng nghề bền vững đang được huyện tập trung triển khai.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc sở NN&PTNT Hà nội cho biết, trong kết luận điều tra vừa qua, Sở cũng đã đưa ra các giải pháp cụ thể thiết thực, tuy nhiên để thực hiện thì cần thời gian, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên ngành cùng nhau giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề.
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Sinh học công nghệ - đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, từ trước tới nay người ta không quan tâm đến vấn đề môi trường nên vấn đề này càng ngày càng trầm trọng, ô nhiễm làng nghề rất đa dạng, mỗi làng nghề có một kiểu ô nhiễm riêng, nhưng chung quy vẫn là ảnh hưởng đến môi trường.
Nói về giải pháp, ông Thịnh đề xuất, bước đầu các làng nghề cần phải tự xây dựng cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đồng thời, coi việc xây dựng khu làng nghề với việc giải quyết vấn đề môi trường tương đương nhau. “Xử lý môi trường là vấn đề đầu tư, cần được nhà nước đầu tư tử tế thì mới làm được. Ngoài ra cần phải có kế hoạch quy hoạch làng nghề, phải có thẩm định đánh giá môi trường một cách chính xác, phải có kỷ luật khi vi phạm cái thẩm định đó thì mới có thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường từ các làng nghề”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Nói về thực trạng hiện nay, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng vấn đề nằm ở khâu quy hoạch cho các khu công nghiệp làng nghề. Theo ông Dần, Đề án này đã có hàng chục năm nay các khu công nghiệp không còn dùng nữa mà nó biến thành nơi sản xuất khác, mở rộng và làm những việc không đúng. Có những nơi để không hàng chục năm nay, cỏ mọc lên không ai giải quyết. Mục tiêu chính của các khu công nghiệp làng nghề để đưa làng nghề ra khỏi các khu dân cư, để đẩy quá trình sản xuất của làng nghề trở nên quy mô lớn hơn.
Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. |
“Vấn đề quy hoạch vẫn chưa đến nơi đến chốn. Cụm sản xuất làng nghề lại biến thành khu dân cư, có cả cắt tóc gội đầu, bán hàng. Nó không đúng với mục đích của làng nghề. Thêm nữa là vấn đề này cũng chỉ làm theo nhiệm kì, dẫn đến tình trạng ông này hết nhiệm kì thì đẩy vấn đề cho ông khác, có tính chất nửa vời”, ông Dần bày tỏ.
Tiếp đó, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng cho rằng ý thức sản xuất của các làng nghề vẫn chưa được quy hoạch rõ ràng. “Ai là người đầu tư sản xuất cũng khong rõ ràng. Các làng nghề đang sản xuất theo sở thích hoặc tự phát, chưa đi vào quy củ và trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp chưa cao, chưa đi về nề nếp”, ông nói.
Cuối cùng, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vẫn mong muốn chính quyền Thủ đô làm quyết liệt việc quy hoạch các cụm công nghiệp để làm người dân an tâm sản xuất và đảm bảo môi trường.
Loại bỏ làng nghề truyền thống trá hình “Theo văn bản từ Vụ Quản lý chất lượng Môi trường, tổng cục Môi trường(Bộ TN&MT), để có những giải pháp quyết liệt , dài hạn hơn, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý làng nghề, góp phần thay đổi quan niệm quản lý về làng nghề (thực tế cho thấy, bộ NN&PTNT – Bộ chủ quản về quản lý làng nghề và ngành nghề nông thôn, đã có những thay đổi thực sự mang tính cách mạng đối với công tác quản lý làng nghề, luôn song hành cùng bộ TN&MT để loại bỏ những nhóm ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc…) ra khỏi nhóm những ngành nghề được xem xét, công nhận và tạo điều kiện phát triển. Hiện nay, có những làng nghề thực sự là làng nghề thủ công, truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tuy nhiên, cũng có nhiều làng nghề trước đây là thủ công truyền thống, nhưng nay đã được công nghiệp hóa với những thiết bị, máy móc công suất lớn, đặc biệt là những làng nghề tái chết kim loại, giấy, nhựa… Đây thực chất là các cơ sở sản xuất công nghiệp hình thành trong khi dân cư (“làng”), là một loại “làng nghề” trá hình, lấy danh nghĩa làng nghề để trốn tránh các nghĩa vụ đối với xã hội, các loại phí thuế, lệ phí nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng, trốn tránh các chế tài về bảo về môi trường. Đã đến lúc, phải kiên quyết loại bỏ các loại hình sản xuất này khỏi danh mục làng nghề, để đưa các hoạt động làng nghề vào đúng vị trí truyền thống của nó.” |
Lê Liên - Nguyễn Thảo
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (159)