(ĐSPL) - Năm 2016 kết thúc với việc nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ đã được xướng tên. Nhiều người đã lạc quan về sự trở lại của nước Nga khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump công khai ý định muốn hợp tác với quốc gia này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán, dù có nhiều tiến triển thuận lợi nhưng 2017 sẽ là năm mà nước Nga cũng như thế giới phải đối mặt với thử thách và các mối đe dọa mới về chính trị.
Vấn đề Mỹ - Trung Đông
Xu hướng toàn cầu xuyên suốt trong năm 2017 sẽ xoay quanh sự phát triển của quan hệ Nga - Mỹ theo Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump và tác động của mối quan hệ này đối với các khu vực khác. Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo gần đây của Nhóm Tư vấn Chính sách đối ngoại có trụ sở tại Moscow, trong đó xem xét kỹ các mối đe dọa không chỉ với nước Nga mà còn với cả thế giới.
Nga - Mỹ có thể phá băng quan hệ trong năm 2017. |
Theo các chuyên gia, cái bắt tay của Washington và Moscow sẽ được xác định bằng việc liệu các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga có được dỡ bỏ hay không. Cũng như câu hỏi, liệu Điện Kremlin và Nhà Trắng sẽ đứng cùng chiến tuyến trong cuộc chiến khủng bố tại Syria và Iraq? Theo Tatiana Shakleina, một Giáo sư tại MGIMO (đại học Quan hệ Quốc tế Moscow), chính sách của Washington đối với Moscow sẽ là chủ đề nòng cốt trong năm 2017.
"Mỹ có thể sẽ thay đổi chính sách đối ngoại của mình theo một hướng đi hoàn toàn mới đó là hợp tác thay vì đối đầu với Nga. Nền tảng đối ngoại này xuất phát từ nhóm tinh hoa chính trị mới nổi của nước Mỹ", Russia Direct dẫn lời bà Shakleina. Tổng thống đắc cử Donald Trump là người đại diện cho phong trào cánh hữu mới ở nước Mỹ, ông là người đang đi ngược lại tất cả những nền tảng đối ngoại truyền thống mà nước Mỹ đã đi theo trong suốt nhiều năm qua.
Ông Trump là người muốn giảm bớt chủ nghĩa bá quyền của Mỹ - điều đang gây ra suy yếu về vị thế cũng như kinh tế của quốc gia này. Thay vào đó, nhà lãnh đạo mới muốn khôi phục lại sức mạnh nội tại của quốc gia cũng như hướng tới quan hệ hợp tác thay vì đối đầu, bao gồm với đối thủ lớn nhất là Moscow.
Các chuyên gia Nga cũng chú trọng tình hình ở Syria, Iraq và Trung Đông nói chung. Một trong những thách thức ở khu vực này không phải là nội chiến ở mỗi quốc gia mà là ngăn chặn các cuộc xung đột có thể nổ ra giữa các quyền lực lớn bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ả Rập Saudi, hay lớn hơn là Mỹ.
Với Syria, kịch bản nhiều khả năng xảy ra trong năm 2017 sẽ là Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ nỗ lực lật đổ Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad, cũng như Mỹ giảm hỗ trợ cho phe đối lập Syria. Tuy nhiên, các chuyên gia bi quan về khả năng xuất hiện một liên minh chống khủng bố chung của Moscow- Washington, điều này khó xảy ra bất chấp việc ông Trump có thể là Tổng thống Mỹ thân Nga nhất từ trước đến nay.
Đồng thời, các học giả hy vọng cuộc đàm phán giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể đưa ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến ở Syria trong năm 2017. Triển vọng về việc tiêu diệt tận gốc IS cũng tươi sáng hơn trong một vài năm tiếp theo.
Không gian hậu Xô Viết
Các cuộc xung đột ở Ukraine và những căng thẳng ở Nagorno-Karabakh - vùng lãnh thổ tranh chấp của hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) Azerbaijan và Armenia, sẽ trở thành thách thức quan trọng đối với Nga trong năm 2017.
"Tình hình trong nước ở Ukraine sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của các đối tác phương Tây. Nhưng về cơ bản, đất nước sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế mới và Chính phủ nước này sẽ vẫn vận hành", Nicolay Sylaev, nhà nghiên cứu cấp cao tại đại học MGIMO nhận định.
Đồng thời, chuyên gia này nhận thấy Hiệp định Minsk là công cụ chủ yếu để đối phó với cuộc khủng hoảng ở Đông Ukraine. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng Kiev sẽ dây dưa trong việc thực hiện các yêu cầu của Nghị định thư Minsk.
Về quan hệ Mỹ-Ukraine, hầu hết các chuyên gia đồng nhận định, chính quyền của ông Trump sẽ không quan tâm nhiều đến cuộc xung đột Donbas. Trong năm 2017, Nagorno-Karabakh cũng có thể gây đau đầu cho Nhóm Minsk thuộc tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) - bao gồm Nga, Pháp và Mỹ. Tình hình leo thang quân sự nơi đây có thể làm phức tạp quá trình đàm phán.
Hai thế lực ở châu Âu
Bất chấp uy tín sụt giảm trong thời gian gần đây, bản báo cáo của các chuyên gia Nga đều đồng tình, khả năng Thủ tướng Đức Angela Merkel – nhân vật rất cứng rắn với Moscow - được tái đắc cử trong cuộc vận động chính trị năm 2017 là rất cao.
Điều này có nghĩa, với vai trò “đầu tàu” của mình, Berlin sẽ tiếp tục thúc đẩy các chương trình nghị sự mạnh mẽ của châu Âu như hiện tại, bất chấp những ảnh hưởng ngày càng lớn đến từ phong trào dân túy cánh hữu (vốn có sự cởi mở với ông Putin) và hệ quả từ Brexit.
Bên cạnh xu hướng rời khỏi EU, mối đe dọa chính đối với an ninh của châu Âu sẽ bắt nguồn từ chủ nghĩa khủng bố và một làn sóng mới đến từ các cuộc khủng hoảng di cư - kết quả của sự bất ổn đang diễn ra ở Trung Đông.
Điều này cũng có thể châm ngòi căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-châu Âu khi Ankara đang mặc sức làm theo ý mình do ý định gia nhập EU đối với nước này đã không còn mặn mà. Về cơ bản, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn gần gũi hơn với Nga nhằm tìm kiếm lợi ích cho mục đích riêng của mình sau khi bị Mỹ và châu Âu không tôn trọng.
Về các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt vào điện Kremlin sau vấn đề ở Ukraine, các chuyên gia dự đoán năm 2017 sẽ còn khó khăn với Nga hơn cả năm 2016. Châu Âu có vẻ như vẫn không khoan nhượng trong vấn đề này mặc dù ông Trump đang có những tuyên bố mở đường cho việc giảm thiểu các biện pháp trừng phạt.
[poll3]681[/poll3]
MẠNH KIÊN(Theo Russia Direct)