Đặc phái viên mới của Mỹ phụ trách vấn đề Syria tuyên bố lính Mỹ sẽ ở lại đất nước Trung Đông này “vô thời hạn” với mục tiêu diệt khủng bố và đẩy quân Iran ra khỏi lãnh thổ.
Mỹ không có kế hoạch rút quân khỏi Syria, chuyển mục tiêu sang đẩy lùi lực lượng Iran. Ảnh: Getty |
Mỹ sẽ đóng quân tại Syria vô thời hạn?
Đặc phái viên mới của Mỹ về Syria là ông James Jeffrey nói rằng Lầu Năm Góc có "chính sách mới" ở Syria. Chính sách này được cho là đi ngược lại những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn và tuyên bố trước đây: giảm thiểu sự can thiệp của Mỹ ở các nước Trung Đông, sớm rút lui 20.000 lính tại Syria về nước.
Lực lượng quân đội Mỹ ở Syria phần lớn đóng quân tại khu vực Đông Bắc đất nước, cho đến nay vẫn tuyên bố tập trung vào việc giúp chống lại các nhóm khủng bố, tiêu biểu là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuy nhiên, theo ông Jeffrey, ngoài nhiệm vụ đó, quân đội Mỹ sẽ ở lại Syria vô thời hạn với mục tiêu đẩy lính Iran – đồng minh của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad ra khỏi Syria.
Các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng động lực cho chính sách mới này là Washington muốn kiềm chế vai trò của Iran, đặc biệt là Nga tại Syria. National Interest đánh giá rằng, chính sách mới của Lầu Năm Góc đã đặt ra một mục tiêu chiến tranh hoàn toàn mới, không phải chỉ là phần mở rộng hoặc hệ quả của mục đích được tuyên bố trước đây liên quan đến hoạt động chống khủng bố.
Mục tiêu chiến tranh thiếu thận trọng của Mỹ?
Trên thực tế, liên minh Syria-Iran đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, không dễ gì chia tách. Vậy nên, có thể nói, mục tiêu mới của Mỹ khi tham chiến ở Syria có phần không khả quan.
Một vấn đề khác tồn tại ngoài lợi ích của Mỹ là quy định tham chiến ở nước ngoài được nêu rõ trong Hiến pháp, trong đó quy định khi triển khai lực lượng ở nước ngoài cho nhiệm vụ mới, mọi cân nhắc, xem xét dựa trên các tiêu chuẩn đều phải được đánh giá lại từ con số không.
Các đại biểu được bầu của người Mỹ sẽ bỏ phiếu lựa chọn việc gửi lính Mỹ vào một cuộc chiến mới hay không. Thậm chí, trong trường hợp này, Mỹ không đi xâm chiếm, cũng không hỗ trợ chính phủ đương nhiệm ở Syria.
Chiến tranh Syria luôn luôn là một vấn đề không có giải pháp tối ưu. Ông Robert Malley, người điều phối chính sách Trung Đông từng làm việc tại Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả việc tham chiến Syria là một "thất bại" của chính quyền mà ông phục vụ.
Không có giải pháp tối ưu
Dựa theo tình hình hiện tại, chính phủ Syria dưới sự hỗ trợ của các đồng minh Nga và Iran đã chiếm lại hầu hết lãnh thổ từ phe đối lập và các nhóm khủng bố. Các chuyên gia nhận định rằng, có lẽ con đường ngắn nhất để giảm thiểu đau khổ từ cuộc chiến đã khiến hơn nửa triệu người chết và hàng triệu người khác bị di tản là để lực lượng chính phủ giành chiến thắng và bắt đầu tái thiết đất nước. Tuy nhiên, có vẻ như Mỹ không chấp nhận điều này.
Trước khi quân đội Syria tấn công tỉnh Idlib – thành trì cuối cùng của phiến quân, Mỹ đã cảnh báo hành động đó có thể gây ra thảm họa nhân đạo vì có tới gần 3 triệu người đang sống ở đó. Cuộc tấn công của chính phủ Tổng thống Assad rõ ràng là có thể gây ra thương vong lớn nhưng nếu thành công, họ sẽ giải phóng toàn bộ lãnh thổ, chấm dứt các phương án cai trị vô nhân đạo của Hei'at Tahrir al-Sham (HTS) - tên mới nhất của chi nhánh khủng bố al-Qaeda ở Syria, trong đó bao gồm các vụ bắt giữ hàng loạt, vận hành các nhà tù bí mật và tra tấn.
Các nhà lãnh đạo Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga họp bàn về cuộc tấn công ở Idlib, Syria. Ảnh: Getty |
Việc tìm ra giải pháp tối ưu nhất để giải quyết tình hình Syria có liên quan đến ngoại giao đa phương, cụ thể là các tác nhân bên ngoài tham gia vào cuộc xung đột. Những “người chơi” quan trọng nhất trong đó là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
So với Mỹ, cả 3 nước đều có nhiều lợi ích hơn ở Syria. Đối với cả Nga và Iran, Syria đại diện cho mối quan hệ lớn nhất, dài nhất và thân thiện nhất. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Syria đặt ra một loạt các vấn đề trước mắt, bao gồm hơn 3 triệu người tị nạn, vấn đề an ninh biên giới và sự hiện diện của lực lượng người Kurd mà Ankara xem là khủng bố.
Việc Mỹ đề ra chính sách mới, đóng quân vô thời hạn ở Syria để cô lập lực lượng Iran sẽ khiến vấn đề Syria gặp phải nhiều khó khăn. Washington, ở một phương diện nhất định đã đóng vai trò “cản trở ngoại giao” ở Syria, kể cả trước khi Tổng thống Trump nhậm chức. Mãi đến tháng 10/2015, 3 tháng sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết, chính quyền cựu Tổng thống Obama mới chấm dứt sự phản đối của mình đối với sự tham gia của Iran vào các cuộc đàm phán hòa bình Syria do LHQ tổ chức.
Đặc phái viên Jeffrey và các quan chức chính quyền khác của Mỹ đã không giải thích cụ thể lý do lựa chọn cách duy trì quân đội ở Syria cũng như phương pháp áp dụng để khiến lực lượng Iran rút lui. Cũng có thể, Washington và Tehran sẽ lựa chọn thỏa thuận bằng việc tất cả các lực lượng nước ngoài đều rút khỏi Syria, nhưng có vẻ như viễn cảnh này rất khó xảy ra.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh ở Tehran rằng "chống khủng bố ở Idlib là một phần không thể tránh khỏi trong sứ mệnh khôi phục hòa bình và ổn định cho Syria”. Ông cũng nhấn mạnh: "Chúng ta phải buộc Mỹ rời khỏi đó”.
Hiệu quả chính của việc Mỹ tiếp tục đóng quân ở Syria vô thời hạn làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Iran, có thể leo thang thành một cuộc chiến lớn.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo National Interest)