Nhiều khu vực trong phố cổ Hội An nước ngập lên đến nóc nhà và dự báo lũ tiếp tục dâng cao. Người dân và du khách đang lo lắng chạy lũ.
Sáng ngày 5/11, nước ở đường Bạch Đằng sát bờ sông Hoài đã trên 1m, nhiều nhà dân, nhà hàng, quán ăn đã đóng cửa. Đến sáng ngày 6/11, nước lụt dâng cao khiến nhiều con đường ở phố cổ ngập chìm trong nước.
Nước lụt lên ngấp nghé tầng trên. Ảnh: báo Dân trí |
Theo nhiều người dân sống ở Hội An lâu năm, trận lụt này có thể bằng hoặc cao hơn trận lụt lịch sử năm 1964. Tuy nhiên, trận lụt này nước lên nhanh, có thể là do các thủy điện xả lũ ở thượng nguồn.
Hàng loạt cửa hàng, nhà dân lênh láng nước. Ảnh: báo VnExpress |
Đến chiều cùng ngày, nước lụt vẫn còn cao và rút rất chậm. Theo dự báo, mưa vẫn còn tiếp diễn và nước từ thượng nguồn vẫn đổ về nên nước lụt ở Hội An vẫn duy trì ở mức cao.
Các quán xá, cửa hàng đều đóng cửa. Ảnh: báo VnExpress |
Người dân chỉ còn cách di chuyển bằng ghe. Ảnh: báo TNMT |
Hàng chục chiếc thuyền đã neo đậu dưới chân chùa Cầu để phục vụ vận chuyển người và đồ đạc. Thời điểm này, hàng trăm hộ dân ngụ bên kia cầu An Hội đã bị cô lập. Người dân các khối Đồng Hiệp, An Hội (phường Minh An) chỉ còn cách di chuyển bằng ghe.
Nước lụt không có dấu hiệu rút. Ảnh: báo TNMT |
Rất đông bà con ở vùng thấp trũng nhất của khu phố cổ đã thuê ghe vượt đoạn sông Hoài để qua bên chợ Hội An mua sắm lương thực. Nhận thấy nước lũ dâng cao, một số du khách nước ngoài đang đăng kí lưu trú tại phố cổ Hội An đã chủ động rời khách sạn.
Người dân trèo qua mái nhà để lên tầng trên. Ảnh: báo Dân trí |
Ông Nguyễn Thế Hùng (phó chủ tịch UBND TP Hội An kiêm trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố) nói: "Lãnh đạo thành phố đã giao Phòng Thương mại - Du lịch chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho du khách đang đăng kí tham quan phố cổ. Theo đó, các du khách sẽ được di dời đến nơi ở mới nếu mực nước ở khách sạn dâng quá cao".
Nguyễn Hà(T/h)