(ĐSPL) - Ngày 14/9, núi lửa lớn nhất Nhật Bản, Aso trên đảo Kyushu đã phun tro bụi và tạo ra một cột khói đen cao tới 2.000m.
[mecloud]Tr8cWgRsZ7[/mecloud]
Hình ảnh từ đoạn clip cho thấy khói đen cuồn cuộn bốc lên trời còn tro núi lửa đang phủ đầy một khu vực rộng lớn.
Chưa có báo cáo nào về thiệt hại hay thương tích do vụ phun trào này gây ra, nhưng chính quyền địa phương đã cảnh báo mức độ nguy hiểm ở cấp 3 trong số 5 cấp.
Các nhà chức trách cho biết, có khoảng 30 người ở gần đỉnh của ngọn núi Aso này khi núi lửa bắt đầu hoạt động nhưng toàn bộ đã được sơ tán. Cho đến nay, khoảng 100 du khách đã được đưa đến nơi an toàn.
Núi lửa Aso phun trào mạnh sáng 14/9 - Ảnh: Japan Times |
Theo các nhà khí tượng, trước đó không có dấu hiệu nào cho thấy núi lửa sắp phun trào.
Công ty điện lực Kyushu nói vụ phun trào không ảnh hưởng đến các nhà máy hạt nhân ở khu vực, trong đó có nhà máy Sendai vừa được khởi động lại hồi tháng trước, nằm cách núi lửa Aso khoảng 160km về phía nam.
Không loại trừ khả năng xảy ra vụ phun trào thứ hai - ông Sadayuki Kitagawa, điều phối viên cấp cao về các vấn đề núi lửa tại Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết.
Ảnh cắt từ clip |
Không có nhà máy hạt nhân nào bị ảnh hưởng bởi núi lửa phun trào, theo Công ty Điện lực Kyushu.
Do ảnh hưởng của núi lửa, hoạt động tại sân bay Kumamoto cũng trở nên xáo trộn, Japan Airlines cho biết, thêm vào đó một số chuyến bay đã bị hủy và khả năng sẽ còn nhiều chuyến bay khác bị hủy.
Núi lửa Aso cao 1.592 m nằm trên hòn đảo chính Kyushu ở phía nam Nhật Bản và được xem là một điểm đi bộ đường dài phổ biến với du khách. Đây cũng là ngọn núi lớn thứ hai của Nhật Bản và là một trong những núi lửa lớn nhất thế giới.
Năm 2014, núi lửa Ontake phun trào ở miền trung Nhật Bản đã khiến 63 người thiệt mạng. Đây là thảm họa núi lửa lớn nhất trong gần 90 năm tại “đất nước Mặt Trời mọc”.
GIA BẢO(Tổng hợp)
Xem thêm Video:
[mecloud]Tr8cWgRsZ7[/mecloud]