Chỉ riêng nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giang cũng đã khiến cho chị Chu Thị Ngọc “ngập chìm” trong công việc, vì vậy khi được tổ chức giao kiêm Trưởng công an xã thì rất nhiều người đã nghi ngờ chị không thể làm tốt. Thế nhưng, sau hơn một năm đảm nhiệm, bằng tinh thần cầu thị và không ngại khó, chị Ngọc đã khiến cho tất cả mọi người đều phải trầm trồ ngưỡng mộ.
Một tay hai việc vẫn hoàn thành
Khi biết mục đích tìm hiểu về quá trình công tác, chị Chu Thị Ngọc (SN 1980) trú xóm 6, xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nở nụ cười rồi cho biết cũng không hiểu duyên phận như thế nào mà “đưa đẩy” chị đến ngày hôm nay. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp y tá của trường cao đẳng Y khoa Nghệ An chị Ngọc trở về địa phương rồi tham gia công tác đoàn xã. Mới đầu, chị sinh hoạt ở chi đoàn xóm, sau nhiều năm phấn đấu, nỗ lực rèn luyện, chị được mọi người bầu vào Ban Chấp hành đoàn xã Quỳnh Giang. “Tôi chỉ nghĩ làm một thời gian rồi khi tìm được việc thì nghỉ, nhưng không ngờ cơ duyên thế nào lại gắn bó lâu như vậy. Bởi một năm sau thì tôi được bầu làm Bí thư xóm, rồi được vào Ban Chấp hành và tiếp đó thì được bầu làm Bí thư đoàn xã.
Cứ như vậy tôi tham gia công tác đoàn tròn 11 năm, công việc cứ dồn dập nên không còn thời gian nghĩ là sẽ làm gì khác nữa”, chị Ngọc kể. Là một Bí thư trẻ, năng động và có trình độ, chị Ngọc được xem xét quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cho xã. Năm 2006, chị được Đảng ủy xã Quỳnh Giang cử đi học trường đại học Nông lâm ở Huế. Sau khi có tấm bằng đại học, trải qua nhiều thời gian thử thách và rèn luyện, vào tháng 10/2014, chị được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã ở độ tuổi 34.
Biết mình vẫn còn nhiều thiếu sót, vì vậy chị Ngọc không ngừng cố gắng, luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương, tìm tòi những hướng phát triển mới, nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến trong các cuộc họp quan trọng về những định hướng của UBND xã Quỳnh Giang. Những điều chị phát biểu đã góp phần tháo gỡ khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội, được Đảng ủy và lãnh đạo đánh giá cao.
Chị Ngọc họp bàn công tác với ban công an xã |
Đến tháng 8/2016, bất ngờ trưởng công an xã chuyển công tác dẫn đến việc khuyết vị trí, sau khi họp bàn chị Ngọc được tổ chức giao kiêm nhiệm vụ này. Mặc dù không nghi ngờ năng lực của chị Ngọc, nhưng vào thời điểm này có khá nhiều người phản đối. Họ cho rằng việc giữ chức phó chủ tịch xã là đã quá nặng đối với chị Ngọc, giờ đây còn giao công tác đảm bảo trật tự an ninh trên địa bàn vào tay một người phụ nữ thì khó có thể làm tốt được.
“Thực chất vào thời điểm đó tôi cũng có suy nghĩ như mọi người vậy. Trưởng công an xã không phải là việc dễ làm, ngoài vấn đề sức khỏe thì cần phải có nghiệp vụ nữa, thậm chí có nhiều lúc cần phải “rắn” đúng chỗ và “mềm” đúng nơi. Nhất là với địa bàn có tình hình phức tạp như xã Quỳnh Giang”, chị Ngọc cho hay, mặc dù Quỳnh Giang là xã thuần nông, nhưng do có đường Quốc lộ 1A đi qua nên thời gian gần đây khá phát triển dịch vụ buôn bán, kinh doanh nhà hàng ăn uống...
Cũng vì vậy các tệ nạn bắt đầu tăng cao, lực lượng công an xã thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí là nguy hiểm trong quá trình giải quyết các vấn đề an ninh trật tự tại cơ sở. Công việc này với nam giới đã vất vả thì với nữ giới, sự vất vả và khó nhọc còn cao hơn gấp nhiều lần. Chị Ngọc chia sẻ, khi được cấp trên giao nhiệm vụ thì rất bất ngờ vì nghĩ là người thủ lĩnh trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thường là nam giới. Tuy nhiên, thời điểm đó tại địa bàn không có ai phù hợp nên chị “phải” nhận nhiệm vụ.
Đón giao thừa... ngoài đường
Mặc dù đã nghĩ đến những điều sẽ phải gặp, nhưng khi bắt tay vào làm thì chị Chu Thị Ngọc mới thấy công việc khó khăn biết chừng nào. Ngoài ra, chị phải vừa sắp xếp các công việc chuyên môn của phó chủ tịch, vừa phải tranh thủ tổ chức họp giao ban công an xã để lên phương án, kế hoạch đảm bảo tốt an ninh trên địa bàn. Vào thời điểm này, trên toàn tỉnh Nghệ An bắt đầu thực hiện kế hoạch giải tỏa hành lang giao thông năm 2017. Vừa mới “chân ướt chân ráo” nhận nhiệm vụ thì chị đã phải cùng với ban công an xã trực tiếp dùng máy móc, phương tiện cưỡng chế, giải tỏa những hộ gia đình vi phạm hành lang giao thông trên Quốc lộ 1A. “Những người lấn chiếm chủ yếu ở trong làng, trong xã, đều quen biết với nhau hết. Thậm chí một số người còn thân thích với các thành viên trong lực lượng công an xã. Nếu làm quá mạnh tay thì dẫn đến mất lòng, nhưng chỉ đến khuyên giải thì mọi người sẽ không bao giờ tự tháo dỡ, vì dù sao cũng động chạm đến kinh tế của gia đình. Ở vào vị trí trưởng công an xã khó xử vô cùng, nhưng đây là điều cần thiết để đảm bảo an toàn nên tôi vẫn phải chỉ đạo các thành viên tiến hành”, chị Ngọc cho hay.
Để góp phần giữ gìn bình yên cho xóm làng, chị tiếp tục tham mưu cho UBND xã và phối hợp với các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, làm công tác phòng ngừa, giáo dục các loại đối tượng tại cộng đồng dân cư để họ trở thành người tốt, không vi phạm pháp luật. Còn khi xảy ra những vụ việc đánh bạc, gây gổ, làm mất trật tự an ninh thì chị luôn cố gắng cùng mọi người đến hiện trường để giải quyết. “Là trưởng công an mà không có mặt, cứ gọi điện chỉ đạo mãi thì ai nghe. Vì vậy việc gì tôi cũng cố gắng tham gia cùng anh em. Tất nhiên là con gái thì sẽ yếu hơn con trai, nhưng cũng có những điểm mạnh là hòa giải tốt hơn. Tôi biết mình không có kinh nghiệm nên trước khi làm việc gì đều gọi điện lên công an huyện Quỳnh Lưu để hỏi và nhờ hướng dẫn”, chị Ngọc nói.
Chị Ngọc phân trần, lãnh đạo muốn làm tốt thì phải nắm chắc tình hình ở cơ sở, sâu sát với quần chúng nhân dân, đồng hành cùng với cấp dưới thì mới phát huy được sức mạnh. Chính vì sự bình tĩnh và sáng suốt của nữ trưởng công an xã nên cho đến thời điểm hiện nay trên địa bàn chưa hề xảy ra sự việc nào đáng tiếc. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là việc thực hiện kế hoạch phòng chống sử dụng trái phép các loại pháo nổ trong dịp Tết.
Ngay từ khi nhận được nội dung từ Công an huyện Quỳnh Lưu, chị Ngọc đã tập trung anh em bàn kế hoạch, rồi cử nhau đi từng nhà để vận động người dân ký cam kết. “Thực tế cho thấy, hoạt động nổ pháo chủ yếu do học sinh, sinh viên, thanh niên tự mua về đốt, đặc biệt là trong đêm Giao thừa. Vì vậy gần như chúng tôi phải tập trung 100% quân số vào thời điểm này. Năm ngoái 22h – 23h, tôi và các đồng chí trong ban công an xã vẫn phải đứng ngoài đường trực, bởi chỉ thấy bóng dáng công an thì các cháu mới sợ thôi. Về đến nhà là đã bước sang năm mới, nhìn bố con vẫn bật đèn chờ mà tôi chỉ muốn khóc”, chị Ngọc kể.
Hiện nay chị Ngọc đã có 2 người con, cháu lớn lớp 6 còn cháu nhỏ bước vào lớp 1, chồng chị thì làm tại một công ty cách nhà vài chục km. Vì vậy hằng ngày chỉ có buổi tối thì mọi người mới có điều kiện để quây quần bên mâm cơm. Khi được hỏi về việc các cháu có thấy tủi thân khi mẹ thường xuyên vắng nhà, thì chị Ngọc cười cho biết do cũng đã quen nên các con đều hiểu, rất ngoan và ít khi đòi mẹ.
“Từ lúc tôi làm bí thư đoàn thì cũng thường xuyên không ăn cơm ở nhà, nhiều khi tập văn nghệ đến khuya hoặc tổ chức chương trình gì đó thì cả tuần đều không thể về đúng giờ hành chính như mọi người. Tất nhiên lúc đầu các con nhớ mẹ thì có khóc, nhưng may mà bà nội và bà ngoại ở gần nên thay nhau sang chăm sóc để tôi yên tâm công tác. Ngoài ra, chồng tôi cũng hiểu nên thông cảm, thường xuyên động viên, có như vậy tôi mới làm đến bây giờ chứ nếu không thì chịu thua”, chị Ngọc nói.
A.N