Ngày 21/5, cụm từ khóa "nữ sinh bấm lỗ tai suýt nữa bị liệt" bỗng trở thành 1 trong những chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trên các trên mạng, diễn đàn ở Trung Quốc.
Theo Sohu, nữ sinh trong câu chuyện là Hiểu Mẫn, 19 tuổi, đến từ thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Cô đã tập tễnh hơn 1 tháng qua do bị đau ở phần chi dưới bên trái, đến mức không thể tự đi lại được. Cho đến khi được gia đình đưa đến viện, các bác sĩ kiểm tra phát hiện bị áp xe ở khớp xương cùng bên trái và có thể bị liệt nếu tình trạng cứ kéo dài thêm như vậy.
Sau khi thăm khám và tìm hiểu sâu hơn, các bác sĩ cũng xác định được nguyên nhân là do Hiểu Mẫn bấm lỗ tai vào thời điểm 3 tháng trước khi phát bệnh. Vết bấm trên tai liên tục rỉ dịch trong suốt 3 tháng sau đó nhưng Hiểu Mẫn và gia đình không quan tâm nhiều đến vết thương này.
Cho đến một tháng trước, Hiểu Mẫn bắt đầu cảm thấy đau ở hông trái, chân trái nặng trĩu, các biểu hiện rõ ràng hơn khi đặt chân xuống đất. Gia đình đã đưa Hiểu Mẫn đến một số bệnh viện để điều trị nhưng tình hình không những chẳng được cải thiện mà dần trở nên tồi tệ hơn. Cô ấy thậm chí không thể đi bộ một mình.
Cho đến khi lảo đảo đi tới khoa Chỉnh hình số 6 của bệnh viện Chu Hải, Hiểu Mẫn mới được các bác sĩ chẩn đoán bị áp xe khớp xương cùng bên trái.
Sau khi làm rõ nguyên nhân và chẩn đoán, các bác sĩ đã tiến hành rạch và dẫn lưu ổ áp xe xương cùng bên trái cho Hiểu Mẫn, đồng thời qua cấy mô bệnh phẩm và sinh thiết mô bệnh lý, xác định bị nhiễm trùng do tụ cầu vàng.
Sau khi trải qua quá trình điều trị chống nhiễm trùng tiêu chuẩn, Hiểu Mẫn đã hồi phục tốt sau hai tuần, có thể tự đi lại.
Bác sĩ khuyến cáo: "Bấm lỗ tai là một thao tác có tính sát thương, nếu thao tác không chuẩn sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn".
Dù ai cũng yêu cái đẹp nhưng chúng ta cần phải chú ý đến những phản ứng bất thường do "làm đẹp" gây ra.
Những lưu ý sau khi bấm lỗ tai:
Không chạm vào bề mặt vết thương của lỗ tai và giữ khô sạch để tránh nhiễm trùng.
Có thể dùng nước muối sinh lý để khử trùng hàng ngày. Nếu có một ít dịch tiết tại chỗ, có thể dùng thuốc mỡ kháng sinh để bôi ngoài da để chống nhiễm trùng. Nếu dịch tiết ra nhiều hơn và thời gian kéo dài thì cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra.
Hoa Vũ (Theo Sohu)