Người phụ nữ có nickname “Lạnh” rủ ông C. đến nhà nghỉ để tâm sự rồi lợi dụng sơ hở trộm chiếc ví bên trong có 4 triệu đồng và đăng ký xe máy.
Báo An ninh thủ đô đăng tải thông tin, ngày 23/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an quận Long Biên, Hà Nội cho biết, đơn vị đã làm rõ và củng cố hồ sơ xử lý đối tượng Nguyễn Thị Giang (SN 1982, trú ở quận Long Biên) về hành vi Trộm cắp tài sản.
Đối tượng Nguyễn Thị Giang - Ảnh: báo An ninh thủ đô |
Theo báo Công an nhân dân, khoảng trung tuần tháng 3/2017, ông C (67 tuổi quê quán Bắc Ninh) làm quen với một người phụ nữ hơn 30 tuổi, có nick name là “Lạnh”.
Quá trình trao đổi thông tin, “Lạnh” chia sẻ với ông C. về hoàn cảnh của chị ta. “Lạnh” làm mẹ đơn thân rất thiếu thốn về tình cảm... Ngày 19/3, “Lạnh” chủ động rủ ông C. về Hà Nội để “tâm sự”.
Sau cuộc gặp gỡ chớp nhoáng tại một quán cà phê trên phố Ngọc Lâm, quận Long Biên, “Lạnh” rủ ông vào nhà nghỉ ở phường Phúc Đồng. Sau giây phút thăng hoa, “Lạnh” hứa hẹn sẽ duy trì mối quan hệ này. “Lạnh” tỏ ra quan tâm khi bảo ông vào phòng tắm. Tuy nhiên, khi ông C. trở ra thì bàng hoàng phát hiện “Lạnh” đã bỏ đi cùng với chiếc ví bên trong có 4 triệu đồng và đăng ký xe máy của ông.
Hai tháng sau đó, khoảng 21h ngày 3/5, ông C. đã đến Công an phường Phúc Đồng trình báo về việc bị mất trộm tài sản. Tại đây, ông đã cung cấp cho Công an phường Phúc Đồng bức ảnh cũ của “Lạnh”. Đây cũng là một căn cứ quan trọng, giúp các đơn vị nghiệp vụ của Công an quận Long Biên phá án.
Ngày 23/5, Công an phường Phúc Đồng phối hợp cùng Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên đã xác định “Lạnh” chính là Nguyễn Thị Giang.
Vào thời điểm Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên phát hiện, Giang đang nuôi 3 con, đứa nhỏ nhất mới được vài tháng tuổi của 3 người đàn ông khác nhau.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp