(ĐSPL) - Thủy giả vờ nhặt được iPhone 6, sau đó đến các trụ ATM ngân hàng để giở trò lừa bán cho người dân.
Theo báo Công an TP. HCM, ngày 1/12, nhóm hiệp sĩ Bình Dương cho biết, đã phối hợp cùng nhóm hiệp sĩ TP.HCM giao đối tượng Nguyễn Thị Thủy (SN 1982, quê Vĩnh Phúc) cho cơ quan công an điều tra.
Đối tượng Thủy - Ảnh: báo Công an TP. HCM |
Báo Infonet thông tin, chiều ngày 30/11, hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải cùng các đồng đội phối hợp với thành viên của nhóm hiệp sĩ Tân Bình Thành Phố Hồ Chí Minh đi tuần tra trên đường Đại Lộ Bình Dương thuộc khu phố 2, phường Phú Hoà.
Trong lúc tuần tra, các hiệp sĩ nhận tin người dân điện thoại trình báo có 1 người phụ nữ đi xe wave biển số 93 F1-10165 lừa bán điện thoại iPhone 6 giả tại Ngân Hàng phát triển nông thôn Bình Dương, phường Chánh Nghĩa, Thành Phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
“Nó giả vờ vào trụ ATM rút tiền, nó nói nó làm dọn phòng trong khách sạn mới lượm được điện thoại của 1 đại gia trong phòng khách sạn, bán cho tôi với giá 1,8 triệu đồng”, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (SN 1983 quê huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) bức xúc.
Trước đó, anh Mai Thanh Giàu (SN 1987, ngụ Phường Phú Thọ) cũng mua 1 điện thoại trị giá 1.600.000 (một triệu sáu trăm ngàn đồng) của người phụ nữ lừa đảo. Khi mang điện thoại về nhà thì anh Giàu không sử dụng được điện thoại.
Để buộc người phụ nữ không thể chối tội, anh Hải cùng anh em chia nhau đi tìm khu vực Ngân Hàng thì thấy 1 bóp nữ màu đen liền đem tới. ba mặt một lời, có người bị hại và người phụ nữ lừa đảo, hiệp sĩ Hải mở ví ra cho mọi người cùng xem thì có 2 điện thoại iPhone giả cùng giấy đăng ký xe cùng 2 thẻ ATM mang tên Nguyễn Thị Thuỷ (sn 1982, quê Vĩnh Phúc).
Trước bằng chứng, người phụ nữ đã nhận tội mình đã lừa anh chị này thì được các hiệp sĩ mời về công an Phường Chánh Nghĩa làm việc.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)