Một ngày giữa tháng 10/2022, chúng tôi vượt quãng đường hơn 50 cây số từ Hà Nội tìm đến Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng. Đây là ngôi trường mà nữ giảng viên khuyết tật Nguyễn Thị Quỳnh Hoa lựa chọn để gửi gắm thanh xuân, ngày ngày tới lui “gieo” chữ cho sinh viên đất Cảng.
Tìm đến phòng học P.101, ngay từ đằng xa, một người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn đã liên tục vẫy tay và chào đón bằng nụ cười tươi tắn. Như thể không muốn chúng tôi đợi lâu, người phụ nữ tập tễnh di chuyển. Chân phải bước lên, chân trái dừng lại chừng 1 giây để làm điểm tựa; những bước đi của cô có chút vội vàng nhưng vẫn cẩn trọng, từ tốn. “Chào các bạn, tôi là Quỳnh Hoa!”.
Cách đây 40 năm, chào đời khỏe mạnh trong tình thương của bố mẹ, những tưởng điều tốt đẹp luôn hiển hiện, cô Hoa sẽ có tuổi thơ đẹp như bao đứa trẻ bình thường khác; tuy nhiên, năm lên 2, biến cố bất ngờ ập tới khi sau trận sốt cao, chân trái cô cứ teo dần đi, chẳng thể phát triển. “Bố mẹ đưa đi bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán tôi bị mắc di chứng bại liệt. Cả nhà buồn lắm, cứ nghe ai mách ở đâu có thầy thuốc cao tay thì sẽ tìm và đưa tôi đi chữa trị. Vái 'bốn phương tám hướng', nhưng tình trạng của tôi chẳng có dấu hiệu tốt lên”, cô Hoa kể lại.
Những ngày đầu, Quỳnh Hoa còn ngây thơ, chưa hề có cảm giác mặc cảm. Cảm xúc mà cô có khi ấy chỉ là đôi chút ghen tị khi thấy em gái có thể diện những chiếc váy và trở nên xinh đẹp, còn mình thì cứ phải mang nẹp để cố định xương chân.
“Đến tuổi tới trường, tôi mới cảm nhận rõ sự thiệt thòi của bản thân. Rất nhiều lần, tôi đã òa khóc khi chứng kiến các bạn đồng trang lứa được ra sân chạy nhảy, vui đùa, trong khi đó đôi chân của mình thì lại bất thường đến mức dị dạng, ngay cả việc đi lại cũng gặp nhiều khó khăn” - nữ giảng viên tiếp tục chia sẻ.
“Ngay từ nhỏ, mẹ vẫn luôn yêu cầu tôi phải tự tay làm từ những việc nhỏ nhất, bởi bà quan niệm, cuộc sống sau này sẽ không hề ưu ái với con”, nữ giáo viên chia sẻ.
Cách giáo dục này đã rèn luyện cho cô Quỳnh Hoa tính cách tự lập. Những năm cấp hai, không để bố đưa, mẹ đón, cô tự đạp xe tới trường. Tuy nhiên, cuối năm lớp 9, Quỳnh Hoa trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài xương chân trái, vì thế không thể tiếp tục đi xe đạp. May mắn thay, trong suốt những năm đại học và THPT, cô luôn được bạn bè thân thiết đưa đón.
“Tôi rất biết ơn, bởi nếu không có những người bạn đó, con đường học tập của tôi sẽ gặp nhiều chông gai, vất vả”, cô Hoa nói.
Thời gian sau đó, cảm thấy không thể mãi phụ thuộc, cô Hoa quyết định chủ động việc đi lại của bản thân. Hai năm đầu đi bằng xe đạp điện, cô Quỳnh Hoa không ít lần phải “mếu” giữa đường vì xe hết điện, không thể dắt nổi. Vì vậy, vài năm sau, cô đã liều tập đi xe máy dù bố mẹ khuyên ngăn. Đi xe máy, cô Hoa bị ngã không biết bao nhiêu lần do chân trái không thể chống xe được hay những lần hỏng xe phải đứng yên chờ bố đón. Trải qua nhiều khó khăn, giờ đây, cô Quỳnh Hoa đã trở nên thành thạo và tự chủ việc di chuyển bằng phương tiện này.
Người thầy nhiệt huyết ươm mầm tương lai
Năm 2000, không dừng lại con đường học vấn bằng tấm bằng tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa đã quyết tâm tham dự kỳ thi đại học và xuất sắc đỗ thủ khoa khối D Trường Đại học Quản lý và Công nghệ. Ra trường với tấm bằng cử nhân tiếng Anh loại giỏi, Quỳnh Hoa được nhà trường giữ lại làm việc. Bất chấp khiếm khuyết về cơ thể, cô lặn lội lên Hà Nội học cao học và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ngành Ngôn ngữ Anh.
Ở trường Đại học Quản lý và Công nghệ, mọi người đều biết đến nữ giảng viên khuyết tật Nguyễn Thị Quỳnh Hoa với nhiều thành tích nổi bật trong nghề. Tuy nhiên, ít ai biết, trước khi trở thành giảng viên chính thức, cô Hoa đã trải qua thời gian dài không được đứng lớp, chỉ được dạy trong phòng máy và làm công tác giấy tờ do những khiếm khuyết của bản thân.
Sau 5 năm làm công việc văn thư, giấy tờ, khát khao những phút giây được đứng trên bục giảng, cô Hoa đã dũng cảm ngỏ lời với ban giám hiệu, xin một cơ hội để làm giảng viên.
“May mắn thay, các thầy cô đã nhìn vào cái đầu chứ không phải đôi chân để đánh giá đúng khả năng, đồng thời hết lòng tạo điều kiện giúp tôi hoàn thành được giấc mơ sư phạm”, nữ giảng viên nói.
Những tiết giảng của cô Quỳnh Hoa luôn tạo được không khí "sôi động" bằng những lời đùa vui hay gọi sinh viên để nhận được sự tương tác. Từng cử chỉ trên đôi tay, sự khó nhọc khi đôi chân di chuyển, cái chau mày đáng yêu hay nụ cười ấm áp của cô đều khiến cho ai nấy cũng đều cảm nhận được sự ấm áp, nhiệt huyết và lòng yêu nghề tỏa ra từ người giáo viên đầy nghị lực. Trong mắt sinh viên, cô Quỳnh Hoa là một giảng viên gần gũi, vui tính và “máu lửa” hệt như những cô gái thuở mười tám, đôi mươi. Mỗi lần thấy cô đi làm, mọi người thường chạy tới trò chuyện, xách cặp hay dắt xe giúp cô. Không chỉ là cô giáo, sinh viên còn coi cô Hoa như người bạn, người chị để trút bầu tâm sự hay tìm đến khi cần những lời khuyên.
Khi được hỏi về những thành tích sau nhiều năm cống hiến trong nghề, cô Hoa để lộ ra một nụ cười hạnh phúc: “Tôi chỉ nhớ nhất, và thích nhất danh hiệu “Nữ giảng viên giỏi việc trường, đảm việc nhà” mà tôi đã nhận được trong dịp kỷ niệm 15 năm thành lập trường mà thôi”.
Quả thực, không chỉ là người thầy mẫu mực, cô Hoa còn là người phụ nữ đảm đang. Trái ngược với vẻ ngoài có phần mỏng manh, cô sở hữu rất nhiều tài lẻ và có thể làm được nhiều việc khác nhau. Từ những việc như làm bánh, cắm hoa, thậm chí may áo vest hay trang điểm cô dâu… giảng viên này đều đảm đương và chăm lo chu toàn.
“Nhiều lúc, tôi nghĩ vui, ông trời lấy đi của tôi đôi chân nhưng lại cho tôi nhiều thứ đáng quý, ví dụ như một khuôn mặt xinh xắn, một đôi tay khéo léo hay một khả năng tư duy, nhìn nhận vấn đề nhạy bén”, cô Hoa tâm sự.
“Hoa” của biển
Lớn lên với đôi chân không lành lặn, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, song nữ giảng viên chọn cách quên đi nỗi đau của mình, và mở lòng để nâng niu, xoa dịu vết thương của những người đồng cảnh ngộ.
Sau khi chính thức trở thành giảng viên của Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng, cô Hoa bắt đầu tham gia hoạt động tình nguyện. Cô được biết đến nhiều nhất với vai trò “thủ lĩnh” nhóm Tình thân SOS. Gồm hơn 100 sinh viên của các trường đại học trên địa bàn thành phố Hải Phòng , Tình thân SOS thường xuyên tổ chức các lớp học miễn phí cho trẻ kém may mắn ở Hải Phòng, tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em hay thăm các cụ già ở Trung tâm dưỡng lão… Tình thân SOS chính là cơ duyên đưa cô đến với “Sống độc lập” - phong trào được khởi xướng năm 1972 bởi Ed Robert - một thanh niên Mỹ khuyết tật nặng.
Khi chương trình của CLB “Sống độc lập” triển khai tại đất Cảng, cô Quỳnh Hoa là một trong những người tiên phong đưa phong trào này phát triển mạnh. Chị Đoàn Thị Hạnh (cựu sinh viên K17 trường Đại học Quản lý và Công nghệ) - người “sát cánh” cùng cô Hoa trong suốt quá trình triển khai phong trào “Sống độc lập” chia sẻ: “Là trưởng nhóm của “Sống độc lập Hải Phòng”, mặc dù đi lại khó khăn, song cô Hoa vẫn dành thời gian, tâm huyết, chịu bao vất vả cùng các tình nguyện viên đi đến từng ngõ ngách để tìm kiếm người phù hợp tham gia chương trình. Đó là những người bại não, tổn thương cột sống, liệt nửa người… phải sống phụ thuộc vào gia đình”.
Công cuộc tình nguyện này cũng mang theo rất nhiều mồ hôi và nước mắt. Theo nữ giảng viên, nhiều người khuyết tật vẫn mang tâm lý mặc cảm tự ti, không muốn tiếp xúc với xã hội, nhất là những người khuyết tật nặng do tai nạn, họ thường bị sốc về tâm lý nên nhiều người ban đầu từ chối tham gia phong trào. Ngoài ra, tại Hải Phòng hiện nay chưa có Hội người khuyết tật. Do đó, tất cả những phong trào tình nguyện liên quan đến người khuyết tật đều do các thành viên trong nhóm “tự thân vận động”.
Việc gây quỹ cho các nhóm tình nguyện cũng là vấn đề nan giải. Để “Tình thân SOS” hay “Sống độc lập” sống được, cô Hoa và các bạn tình nguyện viên đã không ngần ngại làm đủ mọi việc để gây quỹ, từ việc bán ve chai, bán hoa hay đi xin tài trợ. Không ít lần Quỳnh Hoa muốn bỏ cuộc, rời khỏi nhóm vì hoạt động của nhóm đi vào bế tắc do thiếu kinh phí, địa điểm tổ chức. Tuy nhiên, trái tim yêu thương và nghị lực phi thường đã không cho phép cô từ bò. Vượt qua những khó khăn, cho đến thời điểm hiện tại, nhóm “Tình thân SOS” dưới sự hướng dẫn của cô vẫn tồn tại và hoạt động. Ngày 20/11 vừa qua, các thành viên trong nhóm đã tự tay cắm hoa để bán và gây quỹ.
Sống sao cũng được – sướng khổ do mình
Ở tuổi 40, Quỳnh Hoa gây ấn tượng với những người đối diện bằng vóc dáng thon gọn, khuôn mặt xinh tươi cùng nụ cười rạng rỡ. Cô là người yêu thích thể thao và biết trân quý sức khỏe. Mỗi ngày, cô dành ra 10-15 phút để tập những bài thể dục nhẹ nhàng. Người phụ nữ này chọn cách ăn uống khoa học, ngủ đủ giấc và yêu thương bản thân bằng cách tận hưởng những kỳ nghỉ dưỡng bên gia đình hay những buổi chiều cà phê cùng bạn bè.
Trải qua nhiều biến cố, nữ giảng viên cho phép bản thân đón nhận cuộc sống với tâm thế thoải mái, lạc quan. “Tôi sống theo chủ nghĩa “thế nào cũng được”, giống như bài hát “Sao cũng được” của rapper Binz. Thời gian và những trải nghiệm đã dạy cho tôi cách biết chấp nhận và sống sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Cuộc đời này, sướng hay khổ là do cách nhìn nhận của mỗi người”.
Quỳnh Hoa hiện tại như bông hoa của đất Cảng, đem cuộc đời mình tỏa hương thơm cho những phận đời bất hạnh, truyền cho họ nghị lực và niềm tin tiến lên phía trước, chiến thắng bản thân, chiến thắng số phận như chính con người cô.
Hương Giang