+Aa-
    Zalo

    Nữ giảng viên đại học bị chồng đề nghị ly hôn, hiểu sai về trầm cảm sau sinh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Quỳnh là giảng viên đại học ở Hà Nội, chị đã bị chồng đề nghị ly hôn và giành nuôi con khi đứa con đầu lòng còn đỏ hỏn.

    Quỳnh là giảng viên đại học ở Hà Nội, chị đã bị chồng đề nghị ly hôn và giành nuôi con khi đứa con đầu lòng còn đỏ hỏn. Nguyên nhân là chồng Quỳnh thiếu hiểu biết về chứng trầm cảm sau sinh.

    Một bệnh nhân bị bệnh trầm cảm.

    Giọt nước mắt ngày xa con

    Nguyễn Thu Quỳnh là một giảng viên đại học chuyên ngành Tài chính ở Hà Nội. Ở tuổi 30, cô mới sinh con đầu lòng và đã có một cuộc sống khá yên ấm cho đến khi chứng trầm cảm sau sinh xuất hiện. Khi con trai Quỳnh được 4 tháng tuổi, áp lực đè nặng lên vai người phụ nữ trẻ vì cùng lúc phải làm dâu, làm vợ, làm mẹ, cộng với sự thay đổi sinh học trong cơ thể phụ nữ sau sinh nở đã khiến cô rơi vào trầm cảm mà không hề biết.

    Vất vả, lo âu, bất an... tất cả tích lũy từng ngày làm Quỳnh luôn lo sợ có người bắt mất con mình. Bi kịch bắt đầu khi cô vài lần ôm con đi lang thang và được gia đình chồng hốt hoảng tìm về. Từ đó, cả gia đình chồng cho rằng cô bị điên nên đã đuổi cô về nhà bố mẹ đẻ.

    Con đỏ hỏn khát sữa nhưng hàng ngày Quỳnh chỉ được quay lại nhà chồng để cho con bú, chơi với con một lát rồi phải ra về vì nhà chồng sợ “bệnh điên” của cô lây sang con. Chồng cô, một kỹ sư có học vị tương đương vợ, thậm chí còn đề nghị ly hôn.

    Kể từ đó, cuộc sống của Quỳnh là chuỗi ngày ngập trong nước mắt vì nhớ thương con đến xé lòng, vì bệnh tật hành hạ tinh thần, vì lo sợ mất gia đình. Cuối cùng, trong tình cảnh không có lối thoát, cô được gia đình đưa đến viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. Tôi gặp Quỳnh trong một lần đến gặp bác sĩ Phương để xin tư liệu viết bài về bệnh trầm cảm. Vì đến vào giờ làm việc, bệnh nhân xếp hàng chờ khám quá đông nên tôi đành nán lại ở cuối phòng bệnh chờ gặp ông sau giờ làm. Chính trong buổi phỏng vấn đó tôi tình cờ gặp Quỳnh và nghe bác sĩ Phương chia sẻ về câu chuyện của cô.

    Qua câu chuyện tôi được biết, hôm nay, sau 4 tháng điều trị liên tục, Quỳnh trở lại gặp Viện trưởng Phương để tái khám. Ông bác sĩ khẳng định, cô đã gần như khỏi bệnh hoàn toàn. Mẹ Quỳnh cho biết, Quỳnh cũng đã trở lại trường đại học để tiếp tục giảng dạy hai tháng nay. Cô thậm chí còn đang hướng dẫn hai đề tài khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên.

    Hôm đó, tôi cảm nhận rõ ràng một bầu không khí nhẹ nhõm lan tỏa khắp căn phòng...

    Cần hiểu đúng về bệnh trầm cảm sau sinh

    Đến giờ, câu chuyện của nữ giảng viên suýt mất gia đình vì trầm cảm sau sinh đã kết thúc có hậu. Do được điều trị tích cực cộng với sự vận động thay đổi nhận thức của bác sĩ Phương, gia đình chồng Quỳnh đã hiểu đúng về căn bệnh của cô. Điều đáng nói là những người đang phải chịu cùng lúc bệnh tật và sự kỳ thị của cộng đồng, như Quỳnh, không phải hiếm.

    Được biết, mỗi năm có đến hàng ngàn ca bệnh trầm cảm được điều trị ở viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia, trong đó trầm cảm sau sinh chiếm tỉ lệ khoảng 10%. Có 3 nhóm nguyên nhân có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh, bao gồm yếu tố sinh lý (một vài yếu tố sinh hóa trong cơ thể phụ nữ sau sinh đột ngột tăng lên hoặc giảm xuống, quá trình này cũng có thể bắt đầu từ lúc mang thai do thay đổi nội tiết tố), yếu tố thể trạng (ví dụ người có tiền sử trầm cảm sẽ dễ mắc trầm cảm sau sinh hơn), yếu tố tâm lý xã hội (ví dụ sự thiếu quan tâm chăm sóc đối với phụ nữ sau sinh khiến họ rơi vào trạng thái cô đơn buồn chán...).

    Bởi vậy, nhận thức đúng, nhận thức sớm các dấu hiệu bệnh lý trầm cảm sau sinh cùng với thái độ hợp tác điều trị sẽ là cứu cánh cho nhiều phụ nữ và nhiều gia đình để duy trì sức khỏe và hôn nhân.

    “Trầm cảm sau sinh hoàn toàn có thể chữa khỏi hoàn toàn, bằng việc kết hợp dùng thuốc trầm cảm và trị liệu tâm lý. Song thật đáng tiếc vẫn có nhiều người nhận thức sai về bệnh, kể cả những người có trình độ học vấn cao, như người chồng của nữ giảng viên Quỳnh nói trên” – bác sĩ Phương nói. B.Y (Tên nhân vật đã thay đổi)

    Bảo Yến

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 5(74)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nu-giang-vien-dai-hoc-bi-chong-de-nghi-ly-hon-hieu-sai-ve-tram-cam-sau-sinh-a322660.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan