(ĐSPL) - Kêu gọi góp vốn vào dự án nhà đất, nữ giám đốc đã ngang nhiên chiếm đoạt trên 11 tỷ đồng.
Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Hà Nội vừa bắt giữ An Phương Thảo (43 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư thương mại D&P Việt Nam) - bị can trốn truy nã về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản - Tin tức đăng tải trên báo Vnexpress.
An Phương Thảo và quyết định truy nã - Ảnh: báo An ninh thế giới |
Như báo An ninh thế giới đã đưa tin trước đó, Công ty TNHH đầu tư thương mại D&P Việt Nam do bà Thảo làm giám đốc có trụ sở tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, được cấp chứng nhận kinh doanh năm 2009 với ngành nghề kinh doanh bất động sản, hoạt động tư vấn đầu tư, tư vấn quản lý.
Khoảng cuối năm 2009, An Phương Thảo mời bà Lê Phương Anh (ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) góp vốn đầu tư vào 2 dự án Contresxim Cầu Diễn (Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) và dự án chung cư đường Phạm Tuấn Tài (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Thảo cho biết Công ty D&P đang hợp tác cùng Công ty Bất động sản Thăng Long (địa chỉ 110 Trần Phú, Mộ Lao, Hà Đông) để cùng làm chủ đầu tư 2 dự án trên. Nếu tham gia góp vốn, bà Phương Anh sẽ được quyền mua đất tại dự án với giá ưu đãi, hưởng quyền lợi như Công ty D&P.
Do trước đó đã có quan hệ quen biết và hợp tác góp vốn kinh doanh bất động sản chung với Thảo nên bà Phương Anh tin tưởng, đồng ý góp vốn vào 2 dự án mà An Phương Thảo đưa ra và chuyển tiền góp vốn nhiều lần.
Đến ngày 5/1/2010, An Phương Thảo đã ký giấy xác nhận nội dung bà Phương Anh đã nộp tổng số tiền 19.839.250.000 để mua 1.750m2 dự án Contresxim Cầu Diễn và 1.750m2 dự án chung cư đường Phạm Tuấn Tài do sàn bất động sản Thăng Long là chủ đầu tư cùng Công ty Công ty TNHH đầu tư thương mại D&P Việt Nam; bà Phương Anh sẽ được hưởng mọi quyền lợi và thực hiện mọi nghĩa vụ như Công ty D&P theo hợp đồng ký kết giữa sàn bất động sản Thăng Long và Công ty D&P.
Tuy nhiên, đến năm 2013, không thấy 2 dự án được triển khai như Thảo thông tin, bà Phương Anh yêu cầu trả lại tiền thì Thảo mới trả lại 8,4 tỷ đồng bằng hình thức bán nhà tại dự án Tây Đô trước đây Thảo cùng bà Phương Anh hợp tác đầu tư, còn lại gần 11,5 tỷ đồng đến nay không trả. Đầu năm 2016, bà Phương Anh đã có đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt tiền của Thảo tới cơ quan CSĐT.
Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh tại Công ty CP bất động sản Thăng Long, xác định: Ngày 26/11/2009, Công ty Thăng Long có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Contresxim-TM để cùng đầu tư xin chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất của Công ty Contresxim-TM thuê của UBND TP Hà Nội để đầu tư và kinh doanh tổ hợp văn phòng, thương mại. Sau khi ký hợp đồng, liên danh đã làm một số thủ tục nhưng đến nay chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép đầu tư dự án.
Đối với dự án chung cư đường Phạm Tuấn Tài, cuối tháng 12/2009, Công ty Thăng Long ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với ông Nguyễn Văn Tú ở tổ 44 Dịch Vọng Hậu để hợp tác xin chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 3.400m2 tại đường Phạm Tuấn Tài đầu tư kinh doanh chung cư.
Sau khi có quy hoạch phân khu, khu đất trên không phù hợp xây chung cư nên không tiếp tục thực hiện hợp đồng, dự án không khả thi. Hiện UBND quận Cầu Giấy đã xây dựng vườn hoa công cộng trên khu đất này.
Cũng theo báo Vnexpress, làm việc với cơ quan công an, ông Trần Đức Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Thăng Long khẳng định một trong 2 dự án trên đến nay chưa được cấp phép đầu tư dự án. Dự án còn lại không khả thi và đã được xây dựng vườn hoa công cộng. Đại diện công ty này khẳng định không có thoả thuận, cam kết bán căn hộ với bà Thảo.
Ngày 13/10, PC46 đã khởi tố bị can An Phương Thảo về tội danh trên. Do Thảo đi khỏi nơi cư trú và có dấu hiệu lẩn trốn nên PC46 đã ra quyết định truy nã và cấm xuất cảnh. Gần cuối tháng 10, Thảo bị bắt theo lệnh truy nã khi đang làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Cơ quan điều tra kêu gọi các bị hại tới trình báo.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định, hướng dẫn tại Điều 175 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau: 1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
HẠNH VŨ (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]Cyj16pqdos[/mecloud]