Sau sự kiện thay nữ tướng Phạm Thị Việt Nga - người đã lãnh đạo hơn 10 năm liền nhượng quyền cho ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng giám đốc SCIC – cổ đông lớn nhất, nắm giữ 43,31\% cổ phần của Dược Hậu Giang, công ty dược đầu ngành này đã được và mất những gì?
Kể từ khi gia nhập Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (HOSE:DHG) năm 1988, bà Nga đã biến một xí nghiệp bên bờ vực phá sản thành công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt. Dược Hậu Giang từ quy mô 1000 nhân sự tăng lên hơn 3000, doanh thu tăng gấp 4 lần so với trước.
Hiện nay, DHG sản xuất và kinh doanh hơn 300 loại dược phẩm, không những giành lại thị phần nội địa từ các nhà đầu tư nước ngoài mà DHG còn mở rộng thị trường sang các nước trong và ngoài khu vực như Campuchia, Myamar hay Ukraina…
Bà Phạm Thị Việt Nga đạt top 5 doanh nhân xuất sắc nhận giải thưởng Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp năm 2014. |
Mới đây (ngày 8/10), bà Phạm Thị Việt Nga hiện đang giữ chức Tổng Giám đốc DHG Pharma lọt vào Top 5 doanh nhân xuất sắc đạt giải thưởng Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp Việt Nam 2014 do VCCI cùng EY Việt Nam bình chọn.
Bà Nga còn là một trong 2 CEO Việt duy nhất từng lọt vào top 50 nữ doanh nhân có thành tích xuất sắc nhất Châu Á năm 2013 của Forbes. Vậy đứa con ngành Dược mà bà gắn bó bao năm qua đã thay đổi thế nào sau khi Tân chủ tịch Hoàng Nguyên Học nắm quyền?
Trong báo cáo tài chính gần đây nhất mà DHG công bố tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu, lợi nhuận của Dược Hậu Giang giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng doanh thu bán hàng quý III/2014 giảm so với quý III/2013 là 46 tỷ đồng, doanh thu lũy kế 9 tháng đạt 2.649 tỷ đồng, giảm 173 tỷ đồng so với 9 tháng đầu năm 2013, đạt 67\% kế hoạch đề ra.
Năm 2013, khi bà Nga còn giữ chức Chủ tịch HĐQT, Dược Hậu Giang đã tiến hành chuyển nhượng thương hiệu Eugica (bao gồm toàn bộ dược phẩm và thực phẩm chức năng Eugica) cho Công ty Mega Lifesciences Limited (Mega, Thái Lan) với giá chuyển nhượng lên đến 6 triệu USD.
Eugica là dòng sản phẩm trị ho (kẹo ngậm, si rô, viên nang mềm) sử dụng 100\% nguyên liệu do nông dân Việt Nam cung ứng là tinh dầu cây tràm, tần dầy lá và được công ty Dược Hậu Giang nghiên cứu sản xuất, tung ra thị trường trong nước hồi năm 2006. Doanh thu hàng năm của Dược Hậu Giang từ dòng sản phẩm Eugica đạt khoảng 250 tỉ đồng.
Với lý do mà ông Đoàn Đình Duy Khương- hiện là Phó Chủ tịch DHG cho biết: “Dược Hậu Giang mong muốn sản phẩm Eugica không chỉ phát triển tại thị trường Việt Nam mà còn hướng ra xuất khẩu dựa trên thế mạnh thị trường của đối tác Mega tại 21 quốc gia trên thế giới” thì thương vụ này đã khiến cho tình hình kinh doanh của DHG năm 2014 càng thêm khó khăn.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, do không phân phối sản phẩm Eugica khiến doanh thu kinh doanh hàng hóa DHG giảm 124 tỷ đồng, đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận bị sụt giảm mạnh.
Riêng quý III/2014, lợi nhuận sau thuế DHG giảm 67 tỷ đồng (từ 209,2 tỷ đồng còn 142,3 tỷ), tương ứng giảm 32\% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận trước thuế đạt 516 tỷ đồng, giảm 40 tỷ đồng, tương ứng giảm 9\%.
Cơ cấu cổ đông hiện tại của Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) |
Theo đó, các chỉ tiêu về lãi cơ bản trên cổ phiếu riêng quý III cũng giảm tương ứng, chỉ còn 1.632 đồng thay vì 2.397 đồng cùng kỳ năm trước. Các chỉ số tài chính ROA, ROE hay ROS cũng thấp hơn năm 2013 từ 3-4\%.
Về chủ trương đầu tư mở rộng thị trường sang Myanmar khi nhận thấy tiềm năng phát triển ở đây, trong định hướng năm 2014 được đề ra, DHG sẽ đầu tư xây dựng nhà máy tại Myanmar và mở rộng mạng lưới phân phối Marketing.
Kế hoạch không thành khi DHG dự định đầu tư mua 72,68\% cổ phần Dược phẩm Ánh Sao Việt để gián tiếp năm giữ 51\% cổ phần ASV Pharma Việt Nam- công ty này đã được cấp giấy phép dự án xây dựng nhà máy dược phẩm theo tiêu chuẩn WHO GMP tại Myanmar.
Sau khi Phó Tổng Giám đốc SCIC lên nắm quyền, những dự định của nữ doanh nhân ngành dược Phạm Thị Việt Nga đã không thể thực hiện. Theo đó, DHG sẽ ngừng đầu tư mua cổ phần tiến hành sáp nhập ASV Việt Nam để tập trung khai thác tối đa công suất nhà máy mới. Song song đó, DHG vẫn sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm của DHG sang Myanmar và sẽ nghĩ đến việc phát triển sản xuất ở thời điểm và điều kiện thích hợp hơn.
Với số lượng cổ phiếu mà SCIC nắm giữ chiếm 43,31\% cổ phần, ngoài ra có đến 49\% cổ phần là nhà đầu tư nước ngoài (cổ đông lớn như Franklin Templeton Investment Funds chiếm 9,3\% và Portal Global Limited chiếm 7,2\%) thì con đường sắp tới của Dược Hậu Giang hầu như nằm trong quyền phán quyết của công ty đầu tư vốn nhà nước này.
Đối với DHG, “bông hoa thép” 63 tuổi Phạm Thị Việt Nga chỉ là “người vô sản”, những đề án từ cấp dưới bà phê duyệt trên cương vị Tổng Giám đốc sẽ phần nào tiếp tục hỗ trợ công việc kinh doanh của Dược Hậu Giang.
Năm 2014 của DHG sẽ có kết quả ra sao phụ thuộc vào định hướng phát triển lâu dài, đường đi cho từng nhãn hàng, sản phẩm dược được quyết định bởi SCIC mà đại diện là Chủ tịch HĐQT Hoàng Nguyên Học.