(ĐSPL) - Trung tá Hoa được nhiều người xem là nỗi khiếp sợ của tội phạm buôn bán ma túy. Nhưng không may, giờ đây chị lai đang đương đầu với căn bệnh quái ác - ung thư.
LTS: Họ, những người phụ nữ, đã cống hiến cả tuổi xuân, xương máu và sắc đẹp để chiến đấu với những tên tội phạm ma túy đặc biệt nguy hiểm. Đằng sau những chiến công là những nỗi niềm mà đôi khi cả những người trong cuộc cũng chưa chắc có thể hiểu hết và chia sẻ. Loạt bài : “Những bông hồng thép trong cuộc chiến chống ma túy” là những lát cắt rất nhỏ trong cuộc chiến của những “bông hồng thép” với bọn tội phạm quỷ quyệt.Nữ tướng trong mặt trận chống ma túy.
Năm 1991, sau khi tốt nghiệp ra trường, chị Chu Thị Hoa được điều động về công tác tại công an Quận Hoàn Kiếm. Đây cũng là bước ngoặt cuộc đời của chị, khi thời điểm ấy được phân công về công tác tại đội Cảnh sát điều tra.
Suốt 25 năm kể từ thời điểm đó, hơn nửa quãng thời gian, trung tá Hoa tham gia công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, trực tiếp chỉ đạo và tham gia phá hơn 1.200 vụ án, bắt giữ hơn 1.500 đối tượng phạm tội liên quan đến ma túy. Đây là con số vô cùng ấn tượng, ngay với cả một điều tra viên nam giới.
Tham gia vào trận chiến chống ma túy, chị Hoa hoàn toàn ý thức được những nguy hiểm rình rập trong ngần ấy năm. Chính vì vậy, cùng các đồng đội, chị luôn đưa yếu tố bất ngờ, quyết đoán lên hàng đầu. Với những tên tội phạm tinh vi, không thể chậm trễ trong mọi hành động. Một sai lầm dù nhỏ nhất sẽ phải trả giá bằng mồ hôi, công sức, thậm chí là đổ máu.
“Là cán bộ nữ đấu tranh trong lĩnh vực phòng chống ma túy, tôi thấy đây là một vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm, bởi đây là lĩnh vực gian khổ, nguy hiểm, luôn phải đối mặt giữa sự sống và cái chết. Những yêu cầu này đòi hỏi người lính phải vững về nghiệp vụ, có tính chuyên sâu, có bản lĩnh vững vàng” – Chị Hoa cho biết.
Trung tá Chu Thị Hoa trong một lần họp án với đồng đội |
Với sở trường xây dựng mạng lưới cơ sở để nắm bắt quy luật động của đối tượng phạm tội, từ đó lập nhiều chuyên án và triệt phá, trung tá Hoa được đồng đội đánh giá là “đầu tàu” gương mẫu về chuyên môn cũng như đạo đức, tác phong cho các cán bộ, chiến sĩ Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Quận Hoàn Kiếm kể từ năm 2011, thời điểm chị được bổ nhiệm là Phó đội trưởng rồi Đội trưởng năm 2013.
Ngày chị Hoa được đề bạt cũng là thời điểm tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp lại liên quan đến các đối tượng có biểu hiện phạm tội hình sự như bảo kê, cầm đồ, tín dụng đen, đòi nợ thuê. Ngoài việc buôn bán ma túy truyền thống là heroin thì các đối tượng chuyển sang buôn bán ma túy tổng hợp, ketamine, metaphetamin và tập trung ở độ tuổi 18 đến 35. Tội phạm luôn manh động, liều lĩnh, bất chấp thủ đoạn, kể cả đe dọa tính mạng cảnh sát. Việc nở rộ các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, … cũng giúp tội phạm ma túy có nhiều phương tiện hơn để đối phó với cơ quan chức năng.
Chỉ tính riêng trong năm 2014, đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Quận Hoàn Kiếm đã khám phá thanh công 06 chuyên án lớn, thu giữ 40 bánh heroin, 3kg ma túy đá, 2000 viên ma túy tổng hợp, 3 ô tô và 1 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước.
Trải qua 25 năm công tác, 17 năm chuyên trách lĩnh vực phòng chống ma túy, chị 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, cùng hàng chục phần thưởng khác của Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội. Đặc biệt vinh dự, năm 2015, chị được bầu chọn là 1 trong 10 “Công dân tiêu biểu Thủ đô”.
Trận chiến cuộc đời của “bông hồng thép”
Trước khi gặp Trung tá Chu Thị Hoa, được nghe giới thiệu về những chiến công của chị, tôi đã hình dung về một người khô khan, ít nói. Thế nhưng, gặp rồi mới thấy, đó chỉ là suy nghĩ chủ quan, thiếu chính xác.
Trong cả cuộc trò chuyện, hóa ra, khi nói về phần ngoài chuyên môn, Trung tá Chu Thị Hoa lại hồ hởi nhất. Chị khoe mình là phó chủ tịch Hội phụ nữ Cơ quan. Cùng với các đồng nghiệp, chị đã tổ chức các buổi tuyên truyền chống bạo hành gia đình, buôn bán phụ nữ trẻ em, ngăn chặn hiểm họa ma túy.
Đặc biệt, bản thân chị trực tiếp làm tình nguyện viên đi tuyên truyền tại 18 phường trên địa bàn phường về phòng chống lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Ngoài ra, chị thường xuyên quản lý giáo dục và mở các lớp sinh hoạt cho những đối tượng sau cai nghiện, hòa nhập cộng đồng sau cải tạo.
Ngần ấy thời gian đã dành cho công việc, tôi hỏi chị, thời gian nào chị dành cho gia đình? Chị chia sẻ, phải cố gắng lắm chị mới có thể hoàn thành trách nhiệm với gia đình. Với bộn bề những áp lực công việc, nếu không có sự thông cảm của gia đình, thật khó để chị có được những thành tích ngày hôm nay.
Thế nhưng, thử thách lớn nhất lại đến với Trung tá Chu Thị Hoa vào một ngày đầu năm 2015, khi chị phát hiện mình bị mắc bệnh ung thư. Chị Hoa cho biết: "Khi nhận được kết quả xét nghiệm, nếu nói mình không sợ hãi là nói dối. Bị ung thư thì khác nào cái án tử treo lơ lửng trên đầu. Nhưng thật mừng là qua những đợt điều trị và vừa rồi kết quả xét nghiệm về căn bệnh của tôi đã có dấu hiệu thuyên giảm, mỗi một ngày sống lạc quan là tôi lại thấy mình khỏe hơn".
Nhiều lúc nhìn thấy chị, các đồng nghiệp cũng thấy ái ngại. Vừa gánh lên vai trọng trách, lại phải chiến đấu với bệnh tật, các đồng nghiệp nam cũng phải thốt lên “nếu là em, còn sợ không chịu nổi”. Thế nhưng, chị Hoa vẫn hằng ngày trực tiếp chỉ huy chiến đấu cùng các cán bộ, chiến sĩ.
Thành Trung
[mecloud]yBmfksgFpO[/mecloud]