Mỗi lần bị bắt là mỗi lần người chiến sĩ biệt động mang bí danh “con thoi sắt” phải chịu hàng trăm nhục hình đớn đau cả tinh thần và thể xác. Những màn tra tấn đó dường như đã tước đi quyền làm vợ, làm mẹ của bà. Nhưng may thay, trong nỗi đớn đau tột cùng, tình yêu của bà và người đồng đội Mười Kiều đã khiến cho trời xanh cảm động và gửi trao cái kết thật viên mãn.
Nữ biệt động bí danh “con thoi sắt”
Nữ biệt động ấy là bà Nguyễn Thị Mai (SN 1943, quê tỉnh Quảng Nam), hiện ngụ tại con hẻm nhỏ trên đường Bàu Cát, quận Tân Bình, TP.HCM. Tìm đến nhà bà vào một ngày cuối năm, tôi thấy bà vẫn đang tất bật với công việc đời thường.
Bà bảo: “Chiến tranh kết thúc, mỗi người lính biệt động cũng sống như dân thường thôi. Giã từ vũ khí, tôi cùng gia đình đến đây định cư và sống bằng nghề làm xôi khuôn và bán bánh rọ. Đây là đặc sản Quảng Nam những dịp Tết đến xuân về. Dù xa quê bao năm, nhưng tôi nhớ mãi hương vị của nó nên làm bán. Hàng xóm quanh đây ai cũng tìm tới để mua. Ngày thường bán khoảng vài trăm cái còn lễ Tết lên đến hàng ngàn cái”.
Kể về năm tháng tham gia cách mạng, bà Mai chia sẻ: “16 tuổi, tôi đã làm liên lạc. Đến năm 20 tuổi, tôi được lãnh đạo Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định đưa vào làm biệt động thành. Nhiệm vụ của tôi là liên lạc, vận chuyển vũ khí, tài liệu từ căn cứ vào Sài Gòn.Vốn là gia đình có truyền thống cách mạng, tôi luôn xác định tư tưởng làm biệt động chắc chắn phải chịu gông cùm, tù đày, chết bất cứ lúc nào. Bởi vậy, khi thực hiện nhiệm vụ, tôi đều dự kiến mọi tình huống xảy ra, nếu lỡ có bị địch phát hiện, phải bịa mọi câu chuyện để đánh lừa quân địch, thà chết không bao giờ khai ra tổ chức,...”.
Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai bên số bánh ro mình vừa làm để mưu sinh.
Rồi bà kể, năm 1965, đang vận chuyển 30 kíp nổ và tập tài liệu mật từ huyện Củ Chi vào nội thành. “Hàng” được ngụy trang trong rổ đựng rau quả. Khi đi đến trạm gác tại lăng Cha Cả (quận Tân Bình ngày nay), bà bị một nhóm cảnh sát chặn lại. Rất nhanh trí, bà đã kịp lấy toàn bộ tài liệu nhai nát, nuốt vào bụng. Mấy tên cảnh sát thấy vậy liền đến bóp cổ, banh miệng bà Mai để móc xấp giấy ra. Nhưng lúc này, tất cả đã nhàu nát. Khi kiểm tra rổ rau, chúng phát hiện 30 kíp nổ, liền dẫn bà về bốt Hàng Keo - bốt khét tiếng với những trò tra tấn, hỏi cung man rợ.
“Ngày đó, vì chứng cứ quá rõ ràng, biết không thể chối cãi được nên tôi bịa ra câu chuyện có một người đàn ông mặc áo đen ở ngoài bìa rừng thuê vận chuyển vào trong thành. Vì tôi quá đói khát, sống dọc bờ dọc bụi nên ai thuê gì có tiền là tôi làm ngay. Vì đã chuẩn bị tư tưởng từ trước nên tôi đã tìm hiểu rất kỹ những địa bàn mà mình nói ra để đối phó với quân địch. Tuy nhiên, cảnh sát rất nham hiểm, bọn chúng không tin nên giở các trò tra tấn vô cùng dã man”, bà kể.
“Chúng treo ngược tôi lên rồi đánh đập khảo cung. Sau đó, dùng kẹp vào hai ngực, hai bên tai rồi cắm điện. Qúa đau đớn, tôi ngất lịm đi, chúng tạt nước cho tỉnh rồi tra tấn tiếp. Sau đó chúng lấy tăm chống hai mí mắt tôi lên, dùng đèn pha công suất lớn chiếu thẳng vào khiến đầu óc quay cuồng, hai con ngươi như muốn nổ. Vừa tra tấn, chúng vừa hét lớn: Vũ khí mày chuyển đi đâu? Giấy tờ mày nhai viết cái gì, chuyển cho ai? Chỉ huy của mày là ai? tên gì?,...”, nữ biệt động kể lại.
Khi không moi được tin tức, chúng chuyển sang màn tra tấn bỉ ổi bằng cách dùng rắn dọa cắn, bắt lươn ngoe nguẩy trước mặt bà. Bỉ ổi hơn, chúng bấm đuôi con lươn bò trên người bà và bắt đầu trò tra tấn vô cùng man rợ với một cô gái trẻ không mảnh vải che thân. Bà Mai cắn răng chịu đựng rồi ngất lịm. Sợ bà chết sẽ mất dấu vết, bọn chúng đưa bà vào viện chữa trị. Khi sức khỏe hồi phục được ít phần, lợi dụng tên lính ngủ gục, bà đã nắn tay để tuột khỏi còng sắt rồi bỏ trốn. Sau lần đó, bà phải vào viện của đơn vị đến mấy tháng liền mới phục hồi. Lúc này, vì vết thương vùng kín khá lớn, bác sĩ chẩn đoán khả năng sinh nở sẽ rất khó khăn.
Chuyện tình cảm động trời xanh
Trở về với hàng loạt thương tích cả tinh thần lẫn thể xác, nữ biệt động Nguyễn Thị Mai tưởng rằng ước mơ làm vợ, làm mẹ của mình đã khép lại. Nhưng rồi, tình yêu kỳ diệu, cháy bỏng của bà và chàng chiến sĩ biệt động cùng đơn vị có tên Mười Kiều (tên thật Huỳnh Kiều) đã hóa giải tất cả. Vì quá khâm phục cô đồng đội trung hậu, bất khuất, Mười Kiều đã thương thầm trộm nhớ. Trong một lần cùng làm chung nhiệm vụ liên lạc, Mười Kiều đã lấy hết can đảm thổ lộ tình yêu.
Hạnh phúc viên mãn của nữ biệt động Nguyễn Thị Mai và ông Mười Kiều bên con cháu.
Lời tỏ tình của Mười Kiều khiến bà vừa mừng vừa lo. Bởi, dù cảm mến nhau nhưng bà biết sau những lần bị quân địch tra khảo, bà rất khó có cơ hội sinh con. Trong giây phút không để cho Mười Kiều phải hối hận, bà Mai đã kể toàn bộ sự thật về quá trình quân địch hành hung, tra khảo cho anh nghe. Biết được câu chuyện, Mười Kiều lại càng thấy yêu thương hơn. Ông nói: “Chuyện đó đối với tôi không quan trọng. Nghe chuyện của Mai tôi lại càng thương Mai hơn. Tình yêu của tôi dành cho Mai là sự thật. Tôi chấp nhận mọi khiếm khuyết”.
Thế rồi, khi tình yêu của hai người lính biệt động trở nên chín muồi, năm 1971, đơn vị đã quyết định tổ chức đám cưới cho họ. Khi anh em, đồng đội đang chuẩn bị để trang hoàng cho đôi uyên ương, đơn vị bất ngờ nghe tin bà Mai lại bị bắt. Kế hoạch cưới phải hoãn lại. Lúc này, đơn vị không lo thông tin bị lộ nữa mà lo cho tính mạng của bà. Bởi, hồ sơ biệt động của Mai chất cao như núi tại rất nhiều đồn bốt của địch. Chỉ cần một tên cảnh sát nhận ra là có thể bà bị đày tù ra Côn Đảo. Dù trải qua bao cơn thập tử nhất sinh nhưng bằng tài năng bà đã trốn thoát.
Ngày Mười Kiều thấy thân thể bà tàn tạ, chằng chịt vết thương, ngất xỉu trong vòng tay mình, ông đã thề rằng sẽ bảo vệ, không để bà bị địch bắt một lần nào nữa. Rồi cái ngày hạnh phúc ấy cũng mỉm cười với nữ biệt động. Vào năm 1973, đơn vị đứng ra tổ chức đám cưới cho đôi bạn trẻ. Ông Mười Phương lúc đó là Trưởng ban Cán bộ ở căn cứ cũng làm công tác tư tưởng. Bởi, vết thương bên trong cơ thể bà Mai rất nặng, rất khó có thể sinh con. Nhưng đã xác định cưới là sống với nhau đến trọn đời, không được chia tay dù không có con. Lúc đó, trước tập thể đồng đội, Mười Kiều nói như lời tuyên thệ: “Tôi yêu Mai, tôi chấp nhận lấy Mai dù biết cô ấy đã mất đi nhiều thứ, kể cả khả năng sinh nở,...”.
Rất may, trời không phụ lòng người, một năm sau ngày cưới, điều kỳ diệu đã xảy ra. Bà Mai có thai. Sau 9 tháng 10 ngày, bà sinh một cậu con trai kháu khỉnh trong niềm hạnh phúc của anh em, đồng đội. Đúng như lời Mười Kiều nói, ông không để bà Mai phải chịu bất kỳ một tổn thương đau đớn về thể xác và tinh thần nào nữa. Mọi công việc của Mai đều được Mười Kiều quán xuyến. Trong lần vượt cạn đầu tiên, Mười Kiều đi làm nhiệm vụ nên bà Mai phải sinh nở một mình. Sau hòa bình lập lại năm 1975, Mai và Mười Kiều tiếp tục sinh thêm người con trai thứ hai. Mỗi lần mang bầu là mỗi lần hạnh phúc như vỡ òa, chính nhờ những lần vượt khổ hy sinh đó đã khiến cho tình yêu, hạnh phúc của người chiến sĩ biệt động càng thêm trọn vẹn.
Nữ biệt động thành Sài Gòn – Gia Định Khi mới 10 tuổi, nữ biệt động Nguyễn Thị Mai đã luồn lách khắp các ngõ ngách thôn xóm để làm liên lạc. Đến năm 16 tuổi, bà chính thức làm giao liên cho Huyện đội (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Năm 1964, để xây dựng lực lượng ngày một lớn mạnh, lãnh đạo Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định đã cử người về các địa phương để tuyển biệt động. Thời điểm đó, bà Mai mới 22 tuổi được tuyển chọn vào đơn vị biệt động 90C của đội Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định. Bà trở thành một trong những người lính biệt động kiên trung, bất khuất, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương kháng chiến khác và nhiều bằng khen, giấy khen của Chính phủ và TP.HCM. |