+Aa-
    Zalo

    Nữ bác sĩ 25 năm coi phòng thí nghiệm là nhà

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Suốt 25 năm nay, PGS-TS Lê Thị Luân luôn làm bạn với chiếc kính hiển vi, với phòng thí nghiệm và những mẫu bệnh phẩm.

    Suốt 25 năm nay, PGS-TS Lê Thị Luân luôn làm bạn với chiếc kính hiển vi, với phòng thí nghiệm và những mẫu bệnh phẩm.

    Thành công rực rỡ của đề tài nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh rotavirus ở trẻ em đã đưa tên tuổi của PGS-TS Lê Thị Luân - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) - lên bục vinh quang: Được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013 - một giải thưởng lớn tôn vinh các nhà khoa học nữ của Việt Nam. Không thể không hãnh diện khi vaccine Rotavin - M1 - “tác phẩm” của PGS-TS Luân - đã đưa Việt Nam vào danh sách 1 trong 4 quốc gia trên thế giới tự sản xuất thành công vaccine phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em.

    PGS-TS Lê Thị Luân. 
    25 năm coi phòng thí nghiệm là nhà

    Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội và hoàn thành bác sĩ nội trú vi sinh, năm 1989 PGS-TS Lê Thị Luân về công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Từ đó bắt đầu một quá trình miệt mài nghiên cứu về vaccine. Chị luôn làm bạn với chiếc kính hiển vi, với phòng thí nghiệm và những mẫu bệnh phẩm.

    Năm 1998, khi Việt Nam được chọn tham gia dự án giám sát về bệnh tiêu chảy ở trẻ em của Tổ chức Y tế thế giới, chị được các thầy giao nhiệm vụ. Qua những lần đến bệnh viện, chứng kiến trẻ nhỏ bị tiêu chảy rất nhiều chị đã đưa ra quyết tâm phải sản xuất bằng được vaccine phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em.

    Từ đó, chị như tìm cho mình được mục tiêu và tập trung hướng vào nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota.

    16 năm nghiên cứu và đi đến sản xuất thành công vaccine Rotavin-M1 và đạt kết quả nghiệm thu xuất sắc mang tính khoa học và ứng dụng cao trong y học. Khi nói về thành công này, chị chỉ đưa ra những con số: “Với việc sử dụng

    vaccine Rotavin - M1 do chúng ta tự sản xuất, Việt Nam sẽ giảm khoảng 7.000 ca tử vong hằng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ và giảm 122.000- 140.000 lần trẻ phải nhập viện do mắc tiêu chảy virus Rota.

    PGS-TS Lê Thị Luân (bên phải) trong phòng thí nghiệm vaccine.  

    Như vậy, sẽ tiết kiệm được 5,3 triệu USD, trong đó 3,1 triệu cho chi phí trực tiếp, 685.000USD cho chi phí không thuộc lĩnh vực y tế và 1,5 triệu USD cho chi phí gián tiếp để điều trị bệnh tiêu chảy do virus Rota ở Việt Nam...”. Có lẽ phải có tấm lòng yêu thương bệnh nhân, có sự đam mê nghiên cứu khoa học đến nhường nào thì chị mới làm nên một kỳ tích đáng khâm phục như thế.

    Nghị lực vượt khó

    16 năm đau đáu chỉ với "con virus", PGS-TS Lê Thị Luân đã cống hiến tất cả thời gian, sức lực. Đã có lúc tưởng chừng như thất bại, song chị với trọng trách là người “chủ trì” cùng các đồng nghiệp không hề nao núng lại lao vào nghiên cứu để đến được đích cuối cùng. Chị đã từng mất ngủ dài ngày khi bắt đầu tiến hành thử nghiệm vaccine trên trẻ nhỏ mới 6-12 tuần tuổi. Vì chỉ một tai biến nhỏ xảy ra, có thể sẽ thất bại.

    Chị cũng không ngần ngại bỏ thủ đô hằng tuần ra sống ở đảo khỉ (Quảng Ninh) để lấy máu xét nghiệm từng con khỉ, theo dõi từng bãi phân của khỉ sau khi tiêm thử vaccine. Và trong những năm đó, người bạn đời của chị đã vội vã ra đi, bỏ lại chị với 2 đứa con.

    Chị lại gắng gượng để hoàn thành tốt công việc và chăm lo cho con. Sau những năm dài làm việc không mệt mỏi, năm 2011, kết quả thử nghiệm công trình khoa học cấp nhà nước “Đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine Rotavin-M1 sống giảm độc lực phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em Việt Nam” đã chứng minh vaccine Rota sản xuất tại Việt Nam có tính an toàn và đáp ứng miễn dịch tốt trên trẻ 6-12 tuần tuổi tương đương với vaccine Rotarix của Bỉ, nhưng giá chỉ bằng 1/3 so với vaccine nhập ngoại.

    Vaccine Rotavin-M1 chính thức được cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ năm 2011, tới nay đã có gần 100.000 liều vaccine đã đến với trẻ em. Đây là bước ngoặt trong ngành vaccine, Việt Nam đã trở thành nước thứ 2 của Châu Á và là 1 trong 4 nước trên thế giới tự sản xuất được vaccine Rota với công nghệ mới.

    Với thành tích xuất sắc đó, PGS-TS Lê Thị Luân đã vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013, một giải thưởng lớn tôn vinh các nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị kinh tế - xã hội, được ứng dụng trong thực tiễn của Việt Nam.

    “Tôi thực sự xúc động khi nhận được tin mình được vinh dự nhận giải thưởng danh giá Kovalevskaia vào đúng ngày 8.3. Đây chính là sự ghi nhận những đóng góp, sự phấn đấu vươn lên bền bỉ của tôi trong suốt 23 năm qua...” - TS Luân nói. Người thầy của chị -GS Nguyễn Văn Mẫn – nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế - đã dành cho học trò của mình những lời khen ngợi.

    “TS Luân thật sự là một nhà khoa học giỏi, năng động, chịu khó tìm tòi để hoàn thiện các đề tài khoa học. TS Luân đến với khoa học rất nghiêm túc, hết lòng vì công việc và có nghị lực rất lớn, rất xứng đáng được nhận giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học nữ có cống hiến cho khoa học...” - GS Mẫn nhận xét.

    Theo Lao Động

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nu-bac-si-25-nam-coi-phong-thi-nghiem-la-nha-a24489.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan