+Aa-
    Zalo

    NTK Đỗ Mạnh Cường: "Ông bố dị nhân" kể chuyện bỉm sữa và áp lực khi nuôi 6 đứa con

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mới đây, người con thứ 6 được NTK Đỗ Mạnh Cường đón từ Hà Nội về TP. HCM để chăm sóc. Nhiều người cho rằng, anh là "dị nhân" khi nhận nhiều con nuôi, dù chưa lập gia đình

    Mới đây, người con thứ 6 được NTK Đỗ Mạnh Cường đón từ Hà Nội về TP. HCM để anh chăm sóc. Nhiều người cho rằng, anh là "dị nhân" khi nhận nhiều con nuôi, dù chưa lập gia đình nhưng anh chăm con và nuôi con rất khéo.

    Đỗ Mạnh Cường bên 5 con nuôi Nhím, Linh Đan, My My, Gấu và Tít.

    Chiều 4/12, bé Én - người con thứ 6 được bố nuôi đón từ Hà Nội về TP HCM. Đỗ Mạnh Cường đặt tên con gái là Đỗ Phạm Ngân Hà. Én là em bé lai Tây, mới 16 ngày tuổi, bé có đôi mắt to, hai mí và làn da trắng trẻo. NTK này cũng có những chia sẻ về việc nhận con nuôi.

    Chào anh Đỗ Mạnh Cường, dù đã có 5 con nuôi rồi, vì sao anh nhận thêm bé Én gia nhập thêm làm thành viên gia đình mình?

    Tôi quyết định nhận bé Én vì muốn có thêm một cô con gái để gia tăng nguồn cảm hứng sáng tạo. Khi chăm Linh Đan và My My, tôi càng yêu con gái hơn vì chúng tình cảm, sau này tha hồ mặc đồ bố thiết kế.

    Nhiều người nhắc nhở tôi, khuyên tôi cẩn trọng hơn khi nhận nuôi con nhưng tôi nghĩ: "Các con đến như cái duyên". Chúng ta không thể biết trước những điều sẽ đến trong tương lai, nên tôi muốn sống hết mình và cho đi thật nhiều sự tử tế ở hiện tại.

    Anh mất bao lâu để đưa ra quyết định nhận nuôi một đứa trẻ?

    Với Nhím - đứa con đầu tiên thì thời điểm đó, tôi chưa chuẩn bị tâm lý về việc sẽ nhận một đứa bé làm con nuôi. Chỉ đến khi bế Nhím trên tay, âu yếm con, tôi bỗng thấy những cảm tình đặc biệt. Đó là cảm xúc rất khó nói, thôi thúc tôi nhận con để được chăm sóc bé nhiều hơn. Lúc trở về nhà tôi vẫn đinh ninh điều này chẳng có gì phức tạp.

    Tôi không suy nghĩ quá nhiều mà thường đưa ra quyết định dựa vào cảm xúc ngay lúc đó. Các con đến như duyên lành, tôi vui vẻ đón nhận. Con cái là trời cho, nếu trời đã cho thì không thể từ chối.

    Cuộc sống của anh thay đổi ra sao từ khi trở thành bố?

    Mọi thứ xung quanh tôi bị xáo trộn kể từ lúc Nhím về, rồi đến My My, Linh Đan, Gấu và Tít. Năm đứa trẻ đều dễ nuôi, ba đứa lớn nghe lời, nhưng nuôi dạy những đứa con không hề đơn giản. Lịch làm việc của tôi hoàn toàn thay đổi để dành thời gian cho chúng, thay vì chỉ cho bản thân và công việc như trước. Buổi sáng tôi phải dậy sớm đưa Nhím đi học, sau đó mới đi làm, chiều tranh thủ về sớm đón con, buổi tối chăm hai đứa nhỏ.

    Tôi cũng làm những công việc của người bố như thay bỉm, cho con ăn sữa. Lúc My My và Gấu mới về, tôi thỉnh thoảng thức đêm chăm con nhưng sáng hôm sau vẫn đi làm. Nhím, Linh Đan và Tít đang tuổi nghịch ngợm, chúng làm ồn khiến nhà lúc nào cũng ầm ĩ. Tôi gần như chẳng lúc nào được tận hưởng không gian riêng tư, yên tĩnh như lúc trước.

    Những chuyến đi chơi xa hay công tác dài ngày hiện tại đều được tôi cân nhắc. Tôi không muốn phó mặc các con cho người giúp việc, cũng thấy rất buồn khi vắng chúng. Tôi muốn tự tay chăm sóc các con để từ đó xây dựng tình cảm, mối liên kết ruột thịt.

    Anh đã có những trải nghiệm thế nào khi phải thức đêm chăm con?

    Khi chưa tìm được vú em, tôi đã trực tiếp chăm bé Gấu trong một thời gian. Ban đêm, cứ hai tiếng con thức đòi ăn một lần rồi quấy khóc, tôi loay hoay xoay thay bỉm, sữa sau đó buổi sáng vẫn đi làm, thấy rất mệt. Tôi hiểu được nỗi vất vả của những bà mẹ sau sinh khi sức khỏe và tâm lý còn yếu vẫn phải thức đêm chăm con. Sau này có một vú em phụ tôi nhưng tôi vẫn chủ động thức cùng để hỗ trợ những việc lặt vặt.

    Đồng ý rằng thức đêm chăm con rất mệt nhưng với tôi, điều đó trong khả năng, vẫn cố gắng được. Động lực thì không gì khác ngoài tình yêu dành cho các con. Nếu không yêu trẻ con, tôi chẳng thể làm được những việc xưa nay chưa từng đụng tới.

    Nhận tới 6 người con làm con nuôi, anh có gặp khó khăn gì không?

    Hiện tôi chưa gặp khó khăn gì vì các bé còn nhỏ. Tôi giống như những bậc cha mẹ khác, đều mong muốn thứ tốt nhất cho con, nhưng phải trong khả năng. Nuôi con, tốn kém nhất có lẽ là chi phí giáo dục nếu muốn bé được học trong môi trường tốt (hiện hai con lớn học trường song ngữ, học phí 120 triệu đồng/năm). Còn chuyện ăn, mặc thì đơn giản, gia đình khác nuôi được, tôi cũng nuôi được.

    Từ lúc có con, tôi phải lên kế hoạch tài chính rõ ràng, tiết kiệm nhiều khoản để lo cho tương lai của chúng. Ngày trước tôi chi tiêu thoáng tay, shopping không phải nghĩ nhưng giờ đã bắt đầu cắt giảm. Những đứa trẻ làm thay đổi thói quen tiêu tiền của tôi, khiến tôi chậm lại một bước trước khi quyết định vung tay. Tôi phải chịu trách nhiệm với các con, phải cho chúng cuộc sống tốt hơn, đó là áp lực lớn.

    Anh có "dám" tiếp tục nhận thêm những đứa trẻ khác?

    Tôi chưa bao giờ lên kế hoạch về việc xin con nuôi mà đón nhận mọi thứ một cách tự nhiên. Vẫn biết việc nuôi nấng một đứa trẻ không đơn giản nhưng nếu có duyên thì tôi vẫn vui vẻ mở lòng.

    Tử vi báo tôi có 7 người con. Dù hiện tại tôi thấy 6 đứa là đủ rồi song không dám nói trước. Tất nhiên mọi thứ đều có giới hạn. Lúc này tôi đã bước đầu cảm nhận được sự khó khăn khi nuôi dạy các con không chỉ ở khía cạnh kinh tế. Tít và Nhím đang bước vào giai đoạn ẩm ương, đôi lúc khó bảo. Tôi căng thẳng việc giáo dục con sao cho tốt.

    Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

    Nhận 5 con nuôi trong năm 2019

    Nhím là con nuôi đầu tiên của NTK Đỗ Mạnh Cường. Anh gặp bé cách đây 5 năm trong một chuyến từ thiện tại chùa và quyết tâm xin bé làm con nuôi. Hành trình đưa Nhím về nhà của Đỗ Mạnh Cường gặp nhiều khó khăn. Anh từng đi lại giữa TP. HCM và Long An, nơi Nhím sống, suốt thời gian dài để chăm con. Khoảng một năm gần đây, sau khi mọi thử tục hoàn thành, bé mới được về ở với bố.

    Năm 2019, Đỗ Mạnh Cường lần lượt nhận nuôi 5 người con: My My, Linh Đan, Gấu, Tít và Én. "My My bị bố mẹ bỏ rơi, được tôi nhận nuôi lúc mới ba ngày tuổi. Linh Đan không có bố, bị mẹ dắt đi lang thang suốt hai năm. Gấu thì bị đẻ ngoài đường rồi người mẹ cũng đi mất. Tít mồ côi mẹ, bố có gia đình riêng. Những đứa trẻ đáng thương, mỗi bé một hoàn cảnh, nhưng đều thiếu vắng sự chăm sóc từ bố mẹ" - Đỗ Mạnh Cường chia sẻ.

    Lạc Thành

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống& Pháp luật Chủ nhật số 49

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ntk-do-manh-cuong-ong-bo-di-nhan-ke-chuyen-bim-sua-va-ap-luc-khi-nuoi-6-dua-con-a303641.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan