NSƯT Hoàng Hải được khán giả biết đến qua loạt phim Cảnh sát Hình sự, Đường đời, Mê cung,... hay gần đây nhất là Đừng bắt em phải quên. Dù từng có thời gian bỏ nghề nhưng nghiệp đời khó dứt anh lại quay trở lại đam mê với nghề diễn.
NSUT Hoàng Hải hạnh phúc khi có cả gia đình lẫn sự nghiệp. |
Đóng cảnh nóng như xiếc đi trên dây
Nhiều người đã quen mặt anh qua các vai diễn, đặc biệt bởi các vai diễn lận đận về đường đời song vẫn đầy hào sảng và khí phách. Cơ duyên nào đưa anh đến với phim ảnh?
Tôi từng theo học sân khấu điện ảnh. Sau khi tốt nghiệp, tôi công tác tại nhà hát kịch Hà Nội vào đầu những năm 90. Khi cuộc sống vất vả quá, nghề diễn viên với đồng lương ít ỏi tôi đã phải bỏ nghề diễn để bươn chải cuộc sống. Tôi chuyển vào Đà Nẵng sinh sống, làm nhiều nghề khác từ lái xe tải đường dài, lái xe khách, kinh doanh...
Sau đó, tôi trở lại nghề diễn như một duyên số, bàn đạp để tôi trở lại diễn có thể nói từ phim Đường đời và Cảnh sát Hình sự. Từ đó, tôi liên tục nhận được nhiều lời mời đóng phim. Mặc dù gia đình sinh sống chủ yếu ở Đà Nẵng nhưng mỗi khi nhận được lời mời tham gia phim, tôi lại “khăn gói quả mướp” gia nhập đoàn phim.
Tính đến thời điểm hiện tại, tôi phải đóng trên dưới 100 phim cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Có thể nói tôi rất may mắn được tổ nghiệp đãi. Trong nghệ thuật, đương nhiên phải có tài năng nhưng cũng phải cộng với sự may mắn.
Theo anh, điều khó nhất và thú vị nhất của nghề diễn viên là gì?
Điều khó của diễn viên là cân bằng giữa hành động và nội tâm bên trong, vừa phải nhập tâm vào nhân vật, vừa phải kiểm soát được hành vi. Càng làm nghề lâu năm tôi càng cảm thấy nghề diễn rất khó, đòi hỏi người diễn viên phải tập trung cao độ, phải biết kiểm soát được mọi thứ. Làm nghề nhiều năm, tôi vẫn luôn phải cố gắng đạt được điều đó.
Cái hấp dẫn và lôi cuốn nhất của nghiệp diễn là được sống nhiều cuộc đời. Khi nhập vai vào mỗi một nhân vật, mình phải sống cuộc đời của nhân vật đó. Có thể trong thời gian đóng phim, có thể là vài tháng đến cả năm, trong quãng thời gian đó tôi sống cuộc đời của nhân vật đó. Tôi nghĩ chính điều đó thu hút người ta theo nghiệp diễn viên cho đến già, đến lúc sắp về thế giới bên kia vẫn khao khát muốn đóng một vai lạ lùng, khác chất, để lại cho người xem dư vị khó quên.
Anh có bao giờ tiếc nuối về những điều chưa đạt trong các vai diễn của mình?
Mỗi khi nhìn lại những vai diễn của mình, tôi luôn luôn tiếc nuối những điều “giá như nếu như được làm lại mình sẽ làm tốt hơn”. Và, chính những điều tiếc nuối đó giúp mình rút được kinh nghiệm cho những lần sau tốt hơn.
Nhiều người hay hỏi tôi về vai diễn mà tôi cảm thấy mê nhất. Tôi luôn trả lời họ rằng: “Vai diễn tôi sắp nhận là vai diễn tôi thích nhất”. Trong nghệ thuật, tôi tự cảm thấy tôi là một con người tham lam.
Thương trường có thể làm lại, vai diễn thì không
Anh đã từng đóng cặp với rất nhiều bạn diễn nữ xinh đẹp, anh kiểm soát cảm xúc của mình ra sao? Anh đã bao giờ rơi vào cảnh “phim giả tình thật” chưa?
Tôi luôn tách bạch, công việc là công việc. Theo tôi, cái khó nhất của diễn viên khi đóng những cảnh gọi là nhạy cảm thì đều phải nhập tâm vào hoàn cảnh thật. Yêu là phải yêu thật, vì tất cả mọi tình cảm đều thể hiện trong ánh mắt. Diễn viên đóng những cảnh tình cảm, cảnh nóng như xiếc đi trên dây. Diễn viên nhập tâm vào được nhân vật thật sự nhưng cũng phải thoát khỏi nhân vật ngay tức khắc.
Tôi đã từng diễn với hàng trăm nữ diễn viên xinh đẹp, thông minh nhưng luôn luôn tôi coi họ là những người bạn đồng nghiệp. Vai diễn của mình có thành hay không là nhờ người bạn đồng nghiệp đó diễn cùng. Có nhiều người hay đùa: “Đóng những cảnh đấy thích nhỉ?”. Tôi cũng nói đùa với họ rằng: “Ông vào đó mà thích, ông đã bao giờ hôn ai trước khoảng 50 người chưa?”.
Được biết, ngoài là diễn viên, anh còn là một doanh nhân thành đạt. Theo anh, hai công việc này có mối liên quan hay không?
Tôi nghĩ diễn viên và doanh nhân luôn hỗ trợ nhau. Nghề diễn viên được mọi người biết mặt, biết tên, đó là một sự đảm bảo trong nghề kinh doanh.
Tuy nhiên, kinh doanh và phim trường khác nhau một điểm. Đó là kinh doanh không thể có đúp hai, tức là không có làm lại. Còn trong phim, đôi khi lỡ có diễn hỏng thì có thể diễn lại, cố gắng tập trung cao độ để diễn tốt hơn.
Là một doanh nhân thành đạt, có phải chăng anh đi đóng phim là để thỏa mãn thú vui với nghề?
Trước khi vào phim mới Hồ sơ cá sấu, tôi cùng gia đình đi Phú Quốc du lịch. Khi trở về dịch bùng ở Đà Nẵng, tôi không thể về được nữa vì khi tôi ra lại Hà Nội chắc chắn phải cách ly 15 ngày, hỏng tiến độ quay của đoàn. Trước đó, đạo diễn Mai Hiền có gọi điện mời tôi đóng vai Tuấn Mỏ. Tôi đành phải đi “lang thang” mất 1 tháng không về nhà, để chờ vào phim. Đến đúng ngày quay tôi mới bay thẳng ra Hà Nội làm phim cùng cả đoàn. Điều đó chứng tỏ là tôi đóng phim không phải là thú vui mà là niềm đam mê và sống với niềm đam mê đó.
Giành việc nhà với vợ
Công việc diễn viên bận rộn, anh sắp xếp như nào với cuộc sống gia đình?
Tôi luôn biết cách cân bằng cuộc sống, sắp xếp cuộc sống sao cho phù hợp. Khi làm phim, thường thường tôi dồn vào quay khoảng 15 - 20 ngày rồi tôi về nhà một tuần, không thể đi hun hút như hồi trẻ. Khi không phải đóng phim, tôi hay giành việc với vợ, dành thời gian chăm lo cho gia đình. Thảnh thơi thì chơi xe mô tô, thăm hội bạn thân thiết, hoặc đi du lịch...
Làm bố của 4 người con thật sự không dễ dàng mà anh thì luôn bận rộn, anh dành thời gian cho con như thế nào?
Tính đến chuyện đi làm phim lâu ngày, tôi rất lo lắng cho những đứa con. Khi đi đóng phim, hàng ngày tôi đều gọi điện cho các con để trò chuyện, hỏi thăm. Nhưng, điều tiếc nhất là mình ở nhà thì tôi có thể bên cạnh các con nhiều hơn, dạy dỗ các con từ thực tế nhiều hơn.
Chuyện dạy dỗ con cái là điều vô cùng khó khăn, cũng phải dùng nghệ thuật để trò chuyện với chúng. Tôi không thể áp đặt, ép buộc con cái phải nghe theo mình, vì các con có suy nghĩ riêng của chúng. Tôi với các con trở nhà những người bạn thân thiết. Khi những đứa con không sợ mình chúng sẵn sàng chia sẻ những điều thầm kín trong lòng. Đối với mỗi đứa con ở từng lứa tuổi khác nhau, tôi lại phải “đóng vai” nhiều bạn khác nhau để dạy dỗ con.
Để đạt được thành công như hiện tại, anh đã trải qua những gì, có khi nào anh đã phải trả giá? Anh nghĩ gì về hậu phương vững chắc của một người đàn ông thành đạt?
Tôi đã gọi vợ là “bà mẹ Việt Nam anh hùng” của gia đình. Tôi phải công nhận vợ tôi là người phụ nữ tuyệt vời, tâm lý, vừa kinh doanh giỏi vừa tảo tần chăm lo cho gia đình mỗi lúc tôi vắng nhà. Nếu không có vợ, chắc tôi không thể thành công như này được. Có hậu phương vững chắc là vợ thì tiền tuyến như tôi mới xông pha hết mình với đam mê được.
Xin cảm ơn anh.
Thái Phương
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 183