+Aa-
    Zalo

    NSƯT Đỗ Linh: “Tiếng à ơi chắp cánh con đường nghệ thuật đời tôi”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong mắt giới văn nghệ sỹ cả nước, cái tên Đỗ Linh vô cùng quen thuộc, bởi dấu ấn đậm nét của ông, với thể loại âm nhạc dân tộc, dân ca miền Thuận Quảng. Hơn 35

    (ĐSPL) - Trong mắt giới văn nghệ sỹ cả nước, cái tên Đỗ Linh vô cùng quen thuộc, bởi dấu ấn đậm nét của ông, với thể loại âm nhạc dân tộc, dân ca miền Thuận Quảng. Hơn 35 tuổi nghề, Đỗ Linh đã để lại một dấu ấn đậm nét trong mắt bạn bè, đồng nghiệp và khán thính giả niềm đam mê, lòng nhiệt huyết với những câu hát Bài Chòi, làn điệu dân ca xứ Quảng.

    Những nhạc cụ trong nhà của nghệ sỹ.

    Người nghệ sỹ đi ra từ nhân dân...

    Như một cơ duyên trong cuộc đời, thông qua những anh chị em thân hữu trên con đường thiện nguyện, chúng tôi may mắn được biết đến người nghệ sỹ này. Mới nhìn bề ngoài, khó có ai có thể ngỡ rằng, đây là một người nghệ sỹ trong lòng dân. Một "trứ danh" Bài Chòi số 1 của dải đất miền Trung, và hơn hết là danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) mà nhiều người trong nghề vẫn hằng mong. Nhắc đến thể loại âm nhạc dân tộc, dân ca miền Thuận Quảng, người người vẫn thường chỉ nghĩ đến cái tên Đỗ Linh. Ở cái tuổi đời 56, hơn 35 tuổi nghề, Đỗ Linh đã để lại một dấu ấn đậm nét trong mắt bạn bè, đồng nghiệp và khán thính giả miền Trung.

    Đỗ Linh kể rằng, từ khi sinh ra, cái nghèo, cái khổ bám níu nên những lúc thảnh thơi ông vẫn thường được nghe tiếng ru "à ơi!" của má những buổi trưa hè, đêm vắng thanh tịnh, đã đưa ông vào giấc ngủ say trong vòng tay ấm áp của má. Dần dà, những tiếng ru ấy đã "ám ảnh" ông. Rồi sau này, khi ông mới chập chững lên bảy thì má mất. Những lúc mệt mỏi ông lại thèm nghe tiếng "à ơi!" ngày nào của má. Nỗi niềm khao khát ấy cứ day dứt mãi trong ông.

    Năm lên 10, cứ đêm đêm, Đỗ Linh lại lén ra sân đình xem hát. Từ đó, ông mới có dịp theo những gánh hát cải lương quê để tập tành học "lỏm" ít chiêu về hát thử. Qua thời gian, cô chú trong gánh hát phát hiện tài năng, mới cho ông vào một chân nhạc công cải lương. Nhưng ông vẫn không chịu chấp nhận với "thân phận" một nhạc công. Khi tay nghề nhạc công vững, ông lại lấn sang đi hát. Ông vẫn không thể nào quên những ngày tháng gian khó ấy.

    Thời ấy, nhà nghèo, không có tiền mời thầy, cũng không có tiền mua băng đĩa, máy cát-sét về tập luyện giọng. Nhưng tình cờ, trong một lần đi ra đồng lục lọi trong đống rác, ông nhặt nhạnh được một cái máy đĩa hỏng của Mỹ còn sót lại. Có máy nhưng không có đĩa, ông gom góp có tiền đi mua một cái đĩa băng nhạc của Văn Vỹ. Rồi đêm đêm, tầm 2-3h sáng, ông lại một mình thức dậy dùng tay quay đĩa, tiếng kêu cút kít và thanh âm nho nhỏ giọng hát của nghệ sỹ Văn Vỹ vang lên, đã đánh thức niềm đam mê ca hát dân ca trong con người ông. Chỉ có mấy ngày, Đỗ Linh học thuộc được sáu câu vọng cổ của Văn Vỹ và tập tành đi hát cho người thân và bà con hàng xóm nghe. Nghe xong, ai nấy cũng đều khen nức nở.

    Mãi về sau, lũ trẻ ở quê mới đến "tòng sư". Đỗ Linh bắt đầu lấy cái đó làm "cần câu" đi mưu sinh kiếm cơm ăn qua ngày. Rồi được mời đi hát xóm, hát phường trong mỗi lần địa phương có chương trình văn nghệ. Đến một ngày đầu năm 1976 mới thực sự đánh dấu con đường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của Đỗ Linh. Ngày đó, ông nghe Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng có tổ chức hội thi hát hò, ông mới mạo muội đăng ký tham gia và được giải Nhất năm đó. Sau cuộc thi, ông được tuyển vào làm ở đoàn Ca kịch Quảng Nam- Đà Nẵng, phụ trách đánh ghita phím lõm.

    Nghệ sỹ Đỗ Linh bên cây đàn ghita.

    Một thời gian sau, Đỗ Linh lấn sang làm diễn viên phụ trong những vai diễn của nhà hát Trưng Vương. Sau vài lần vào vai, đạo diễn Nguyễn Kiểm đã phát hiện tài năng của Đỗ Linh có giọng mềm của thể loại cải lương nên mới cho nhập vai chính trong vở "Biển Đông". Đây chính là bước khó khăn nhất của Đỗ Linh. Càng về sau, Đỗ Linh đã từng bước khẳng định được tài năng thiên bẩm về dân ca miền Thuận Quảng, tiêu biểu là thể loại hô hát bài chòi tài tình.

    Ký ức năm tháng khó quên

    Tròn 35 năm trong nghề, hơn ai hết, người nghệ sỹ này đã kinh qua những khó khăn, gian khổ nhất của một đời cầm ca. Có khó khăn gian khổ nào mà ông không từng trải. Vui buồn luôn đan xen giữa cuộc sống xô bồ. Nhưng có lẽ, có hai kỷ niệm mà cho đến nay ông vẫn còn khắc sâu trong ký ức của mình. Đó là những năm 80-90 của thế kỷ trước. Nhiều khi ông cùng anh em vẫn thường hay ngồi với nhau nhắc lại gọi đó là thời kỳ hoàng kim của mình.

    Nghệ sỹ Đỗ Linh nhớ lại: Một đêm đông năm 1988, ông và anh chị em văn nghệ sỹ đoàn văn công Quảng Nam - Đà Nẵng vượt cả trăm cây số đường trường rồi trèo đèo, băng rừng, lội suối về vùng đất Quế Phước (nay là huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) nằm bên kia tản ngạn sông Thu Bồn để biểu diễn. Đây là vùng đất nghèo khó bậc nhất Quảng Nam thời ấy. Nơi đây nhà thưa, quán xá không có, bóng người hiu hắt.

    Trời càng về khuya, bụng ai nấy cứ kêu lên cồn cào dẫu đã đi kiếm rau trái từng ăn tạm qua bữa. Mưa miền núi buồn, nhớ nhà, nhớ má, nhớ vợ con, anh em mới đem đàn ra gảy vài nốt nhạc và cùng đồng thanh hát bài "Nhớ Mẹ" theo mô phỏng làn điệu dân ca xứ Quảng. Trong lúc anh em đang say sưa với tiếng đàn, câu hát thì bất ngờ có một bà cụ bưng rổ khoai, sắn, vẻ mặt buồn thiu lủi thủi bước vào. Thấy anh em, bà đã ôm chầm mà khóc nức nở. Thấy vậy, cả đoàn xúm lại ôm bà và gặng hỏi. Đưa tay lên gạt đi những giọt nước mắt, bà sụt sùi thủ thỉ rằng: "Má nhớ con má quá! Con má đi bộ đội biền biệt đến nay vẫn chưa về. Nghe mấy con hát mà má tưởng con má về...".

    Đỗ Linh bên con gái Linh Thảo.

    "Nghe lời má nói xong, chúng tôi lúc ấy ai nấy cũng đều rưng rưng nước mắt... Thế là đêm hôm đó má mời cả đoàn chúng tôi về nhà không những được ngủ mà còn được ăn cơm, ăn thịt gà. Tình người nơi miền quê thật quý giá, thật tốt bụng biết chừng nào. Thương má quá! Người má xứ Quảng anh hùng... Sau này, thi thoảng chúng tôi vẫn về thăm má...", nghệ sỹ Đỗ Linh hồi tưởng.

    Rồi một câu chuyện khác, tuy không là người trực tiếp trải nghiệm nhưng nhờ sự đồng cảm, niềm cảm hứng đã góp phần tạo nên một nghệ sỹ trong lòng dân như Đỗ Linh. Trong một lần anh Lê Ngọc Nam, nguyên là Giám đốc sở Công an TP.Đà Nẵng đi công tác bên nước bạn Lào đã bắt gặp một câu chuyện đầy cảm động, về một cô gái xứ Quảng lưu lạc sang "đất khách quê người", mưu sinh để có tiền gửi về cho ba má, cho em nhỏ ở quê ăn học. Đó là lần du thuyền trong đêm trên dòng sông Mê Kông huyền thoại. Tình cờ anh Nam nghe được lời ca bài hát "Thương em chín đợi mười chờ" của nhạc sỹ Minh Đức, nên mới đến hỏi han, thì té ra cô bé này là người con của Quảng Nam.

    Sau một thời gian tiếp chuyện, anh Nam viết mấy câu thơ thương cảm: "Đêm Mê Kông trên dòng sông mênh mông/ Anh nghe em hát điệu dân ca/ Em hát về đất Quảng quê ta/ Giữa mùa hoa Chăm Pa đang nở/ Em thương ai nhớ ai mà chín đợi mười chờ...". Sau khi những câu thơ này đến tay Đỗ Linh, ông đã mượn lời thơ của anh Lê Ngọc Nam quyện vào giai điệu bài hát của nhạc sỹ Minh Đức, kết hợp với làn điệu dân ca bài chòi mới, chuyển thể thành thể loại "Tân cổ giao duyên" mang tên bài hát: "Đêm Mê Kông...".

    Đam mê đau đáu với nghề

    Năm 2011, vì sức khỏe nên NSƯT Đỗ Linh đã xin nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, ở ông niềm đam mê nghệ thuật vẫn luôn nhiệt huyết. Ông cùng với những người bạn của mình thành lập câu lạc bộ Nghệ thuật Dân tộc mang tên Đỗ Linh.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nsut-do-linh-tieng-a-oi-chap-canh-con-duong-nghe-thuat-doi-toi-a84088.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan