Dịch dã thế này, “co kéo” đủ ăn là may rồi
Chào nghệ sĩ Chí Trung, người ta bảo anh giàu lắm, giàu ngầm và có kinh tế vững vàng, nên anh rất "chảnh"?
Nghệ sĩ thì có ai giàu đâu? Một số diễn viên trẻ, có đóng phim truyền hình giờ vàng cũng nhận được một số show diễn, quảng cáo sản phẩm, hoặc có kinh doanh riêng thì gọi là có "của ăn của để" thôi. Bản thân tôi xuất thân từ diễn viên sân khấu, chỉ có niềm đam mê thôi chứ làm gì mà gọi là giàu. Mọi người nghĩ tôi nổi tiếng thế chắc là có nhiều tiền. Họ đồn vậy thôi, họ đồn tôi giàu lắm và chuẩn bị lấy vợ, làm đám cưới to nữa.
Ngôi sao của Nhà hát là tôi, Vân Dung, một số em diễn viên trẻ như: Thu Quỳnh, Thanh Sơn... còn chẳng có đặc ân gì hơn. Cát-xê cao nhất cho một đêm diễn sân khấu là 200 nghìn đồng, thấp hơn có thể là 180 hoặc 120 nghìn đồng. Ở thị trường Hà Nội, rất ít người bỏ tiền mua vé đi xem kịch dù giá vé chỉ 150- 200 nghìn đồng. Đa số gọi điện đến để xin giấy mời. Vậy thu nhập là ở đâu? Nhất là dịch Covid-19 này, Nhà hát không diễn, thì chúng tôi cố "co kéo" cho đủ ăn là may rồi.
Nhưng anh vẫn nhận được những hợp đồng quảng cáo sản phẩm mà?
Thi thoảng tôi cũng có nhận được hợp đồng quảng cáo, nhưng không nhiều. Ngoài ra, tôi cũng tham gia phim truyền hình. Sống trong nghề mới biết thương nhau, khán giả nhìn cái hào nhoáng của nghệ sĩ, cứ nghĩ là chúng tôi sung sướng lắm. Nhưng, nghề gì cũng phải vất vả mới có thành công.
Ngay ở sân khấu Kịch, chúng tôi vẫn phải tìm nhà tài trợ. Chúng tôi không dùng tiền doanh nghiệp để chia nhau, để mưu lợi cá nhân, mà đó chính là xã hội hóa nghệ thuật. Tôi chỉ xin một khoản khiêm tốn, vài chục triệu đồng, 50 triệu đồng, đủ để trang trải tiền đi lại, ăn ở và để các diễn viên có chút cát-xê nhỏ đủ mua quà về nhà.
Có tin vui tôi chia sẻ ngay
Việc nhiều diễn viên đi làm phim truyền hình có phải là lý do khiến cho sân khấu kịch không còn hấp dẫn nữa không anh?
Không phải! Diễn viên dù đóng phim hay diễn kịch họ vẫn đam mê, vẫn muốn cống hiến. Gần đây, chúng tôi gặp khó khăn là không có kịch bản hay. Quanh quẩn chỉ có kịch bản của Lưu Quang Vũ. Tác giả già thì viết hoài niệm không phù hợp với lớp trẻ. Nhưng, tác giả trẻ lại không viết, họ bận viết kịch bản phim truyền hình và viết cũng không có bề dày và chiều sâu. Chúng tôi đang tìm hướng, tìm những kịch bản hay để kéo chất lượng sân khấu đi lên.
Tôi thấy, việc diễn viên đóng phim truyền hình không phải là rào cản của sân khấu kịch, mà họ lại đa dạng hoá cách diễn của mình. Bản thân tôi rất động viên các diễn viên đóng phim, và đôi khi cũng khuyên họ nên bỏ nghề. Nghe hơi quái dị, nhưng vì tôi biết nhiều bạn còn trẻ và không có “duyên” với nghề.
Nghề này cũng khắc nghiệt, đã làm nghề phải chuyên tâm, đừng hy vọng có thể kiếm sống được ở đây. Tài năng và may mắn thì nhận phim nhiều, còn nếu không có khả năng, thì chọn nghề khác vì họ còn tuổi trẻ.
Nhưng, có một quy tắc, các diễn viên sẽ lập lịch làm việc từ 4-5 tháng để sắp xếp được thời gian. Khi lịch đã công khai với toàn bộ mọi người, sau ai thực hiện sai lịch, người đó sẽ chịu trách nhiệm. Những lúc rảnh rỗi, họ đi làm phim truyền hình để tăng thu nhập, tôi ủng hộ chuyện này.
Thế còn chuyện anh chuẩn bị kết hôn liệu có đúng?
Họ đồn đoán thế thôi, chứ nếu có tin vui, tôi sẽ chia sẻ. Sau khi chia tay vợ cũ, tôi may mắn gặp được doanh nhân Ý Lan. Chúng tôi khá hợp nhau, chia sẻ với nhau mọi thứ. Cô ấy cũng hay hỏi tôi về việc kinh doanh.
Ý Lan là người phụ nữ tâm lý, nhẹ nhàng. Khi đến với người mới, tôi đã giải quyết xong với vợ cũ, không còn vương vấn. Tôi sợ sự soi mói của mọi người dành cho mình, nên từ lâu rồi không muốn chia sẻ gì cả.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Lạc Thành
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (26)