NSND Trà Giang được biết đến như niềm tự hào của điện ảnh Việt khi dành cả tuổi xuân cống hiến cho điện ảnh và cho hàng triệu khán giả những vai diễn đi vào lòng người. Sinh ra và lớn lên trong lúc đất nước đang xảy ra chiến tranh, cả tuổi thơ và tuổi trẻ của NSND Trà Giang đã chứng kiến những nỗi đau vì bom đạn. Chính cảm xúc và những ký ức hào hùng hình thành nên từ đời thực đã giúp bà thể hiện thành công những vai diễn “để đời”…
NSND Trà Giang và con gái Bích Trà. |
Những ngày hoa lửa và năm tháng không thể nào quên
Một trong những vai để đời là chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, “chị Tư Hậu” ngày nào giờ đã ngót nghét đầu tám, bà an hưởng tuổi già bên gia đình và “sưởi ấm” tâm hồn người nghệ sĩ bằng cách thả hồn vào các tác phẩm hội họa, như nhắn nhủ rằng “niềm đam mê với nghệ thuật trong tôi chưa bao giờ ngừng chảy”...
Nhắc đến NSND Trà Giang, nhiều thế hệ khán giả vẫn còn nhớ như in nữ diễn viên sở hữu gương mặt khả ái cùng đôi mắt đen láy “như biết nói”. Bà là gương mặt nổi tiếng bậc nhất trên màn ảnh rộng Việt Nam thập niên 70, 80 của thế kỷ 20. Bộ phim chiếu bóng đầu tiên mà NSND Trà Giang được xem là bộ phim nước ngoài mang tên Thẻ đảng viên tại Bình Định. Thực ra cũng không phải là rạp mà chỉ là chiếu bóng ở một bãi đất rộng nhưng đôi mắt của cô bé 12 tuổi khi ấy đã “phải lòng” bộ môn nghệ thuật thứ 7 này. Từ hôm ấy, cô bé Trà Giang mê phim, cứ có tiền bố cho là 3 anh em bà lại đi xem phim. Sau này, NSND Trà Giang thi đỗ vào khóa 1 trường Điện ảnh Việt Nam, cùng khóa với NSND Bạch Diệp, NSƯT Ngọc Lan...
Bộ phim đầu tiên bà tham gia là Một ngày đầu thu (1962) của đạo diễn Huy Vân, nhưng vai diễn ấn tượng nhất của bà lại chính là vai diễn chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên (1962) của đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Cô gái đôi mươi phải vào vai người phụ nữ suýt soát 40 là một thử thách không nhỏ, nhưng nó đã mang về cho NSND Trà Giang vai diễn để đời.
Hóa thân thành chị Tư Hậu, NSND Trà Giang đã gửi trọn ký ức tuổi thơ gắn với chiến tranh ác liệt vào vai diễn. Đó là những ngày tháng khổ cực, sợ hãi khi luôn nghe tiếng bom đạn hay phải chứng kiến địch bắt mẹ đi mà chỉ biết bất lực òa khóc. Vai diễn chị Tư Hậu đem về cho bà huy chương Bạc tại liên hoan phim Quốc tế Moscow năm 1963. Sau vai diễn “để đời”, NSND Trà Giang nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả. Đến tuổi 30, NSND Trà Giang tiếp tục chinh phục khán giả qua vai Dịu trong Vĩ tuyến 17 ngày đêm (1972) – bộ phim được đạo diễn Hải Ninh thực hiện khi Mỹ đang ném bom ở Hà Nội.
Bằng lối diễn xuất trên cả tuyệt vời, nữ nghệ sĩ tài hoa tiếp tục giành giải Diễn viên nữ xuất sắc nhất tại liên hoan phim Quốc tế Moscow năm 1973. Sau khi phim chiếu, NSND Trà Giang vỡ òa trong hạnh phúc vì được khán giả yêu thương. Lúc xếp hàng mua gạo, thịt cá,... khán giả đã ôm chầm lấy NSND Trà Giang vì “thương lắm”, ai cũng dành cho bà tình cảm đặc biệt.
Vì một số lý do, NSND Trà Giang đã vào TP.HCM sinh sống. Những năm đầu thập niên 90 ở miền Nam, dòng phim “mì ăn liền” thịnh hành. NSND Trà Giang nhận được nhiều lời mời đóng phim, nhưng bà thẳng thắn từ chối. Sau khi tham gia bộ phim Dòng sông hoa trắng (1989) của đạo diễn Trần Phương, NSND Trà Giang cũng tuyên bố giã từ sự nghiệp diễn xuất.
Với người nghệ sĩ ở tuổi 48, còn đầy nhiệt huyết và sức khỏe thì đó là một quyết định gây tiếc nuối cho bao người. Với bà, thà vậy chứ nhất định không đóng phim “mì ăn liền” hay cố chấp hóa thân vào nhân vật “không phải là mình”. Bà vẫn yêu nghề, nhưng xưng là “diễn viên” mà không đi diễn thì nghe thật buồn cười. Vậy nên, bà quyết định dừng lại. Bà xem như cái duyên trời cho nhiêu đó là đủ, có tiếc nuối nhưng không cưỡng cầu, gượng ép.
Vẽ tiếp đam mê nghệ thuật với hội họa
Sau khi “về hưu sớm”, NSND Trà Giang chọn cuộc sống yên bình bên chồng và con gái là nghệ sĩ dương cầm Bích Trà. Không muốn quay lại phim trường, NSND Trà Giang nung nấu một sự thay đổi và hội họa đã dẫn lối cho người nghệ sĩ tiếp tục con đường nghệ thuật dang dở. NSND Trà Giang trong một lần đến thăm nhà bạn là bà Lê Thị Thoa, dù lớn tuổi nhưng bà Thoa vẫn say sưa vẽ. Hình ảnh dần hiện ra trên giấy trắng khiến NSND Trà Giang bị hấp dẫn và một lần nữa người nghệ sĩ ấy tìm ra “hạnh phúc” của đời mình.
Sau 3 tháng học vẽ tại hội Mỹ thuật TP.HCM, nỗi buồn ập đến với NSND Trà Giang khi chồng bà mang bệnh qua đời (1999). Chồng mất, con gái lại tu nghiệp xa nhà, NSND Trà Giang gửi hết tâm tư tình cảm lên giá vẽ. Hội họa với bà ban đầu chỉ là để vơi đi nỗi buồn, nhưng về sau nó giúp bà khám phá về những điều ẩn chứa trong tâm hồn, tìm thấy tình yêu với cuộc sống.
Các bức tranh của NSND Trà Giang được đánh giá cao nhưng bà không muốn được gọi là họa sĩ. Bởi, bà chỉ là một “diễn viên thích vẽ”. Tiền bán tranh NSND Trà Giang dành hết cho công việc từ thiện. Giờ đây bà gắn bó với hội hoạ nhưng tự gọi mình là “diễn viên vẽ” đủ để thấy người phụ nữ ấy vẫn giữ trong mình ngọn lửa đam mê và duyên nợ với điện ảnh đến nhường nào. Bên cạnh hội họa, niềm vui, niềm tự hào và nguồn cảm hứng của NSND Trà Giang lúc này là con gái Bích Trà.
Lớn lên trong tiếng đàn violin của bố và tiếng ru của mẹ, Bích Trà bộc lộ ngay tố chất của một “thần đồng âm nhạc”. Cô sang Nga từ năm 14 tuổi khi đang học tại Nhạc viện Hà Nội. Tốt nghiệp cao học, Bích Trà vẫn vừa học vừa đi biểu diễn tại nhiều chương trình âm nhạc quốc tế. Mỗi năm, Bích Trà ít nhất một lần về Việt Nam thăm mẹ, gặp nhau chẳng nhiều nhưng bấy nhiêu thôi cũng là đủ khi yêu thương vẫn đong đầy trong tim. Ở tuổi 78, NSND Trà Giang vẫn duy trì đam mê hội họa, thỉnh thoảng bà có nhận lời tham dự một số sự kiện, triển lãm nghệ thuật. Mỗi lần xuất hiện, NSND Trà Giang vẫn toát lên sự đằm thắm và bình dị nhưng mạnh mẽ, chân thành. Chính sự lạc quan, niềm đam mê với nghệ thuật đã giúp bà giữ được nét đẹp vượt thời gian và sự yêu mến của khán giả suốt nhiều thập kỷ.
Chị Tư Hậu là bộ phim truyện nhựa của điện ảnh Việt Nam, do hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1962, do Phạm Kỳ Nam đạo diễn. Phim nói về cuộc đời một người phụ nữ miền Nam Việt Nam tên là Tư Hậu trong kháng chiến chống Pháp. Phim được chuyển thể từ kịch bản là tác phẩm văn học Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Bùi Đức Ái viết năm 1958. |
N.Đ (t/h)
Bài đăng trên Đời sống& Pháp luật số 128