Trong cuộc trò chuyện với báo ĐS&PL, NSND Thu Hiền đã trải lòng về những năm tháng có mặt tại nhiều mặt trận, mang tiếng hát của mình để phục vụ chiến sĩ và cả những trăn trở về nền âm nhạc hiện tại của nước nhà.
- Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, bà đã mang giọng hát của mình đến với nhiều mặt trận. Bà đã từng nói, mình mặc nợ những người lính. Tại sao lại như vậy?
Tôi luôn nghĩ rằng, nếu hát về người lính mà không đến gặp họ, chứng kiến những hy sinh, gian khổ của họ thì cảm xúc mình đặt để, thể hiện qua từng ca khúc sẽ là sáo rỗng.
Sự nghĩa tình, chung lưng đấu cật của người lính ở những nơi tôi đã đến chính là nguồn động lực lớn lao để tôi hát và nuôi dưỡng cảm xúc. Nụ cười rạng rỡ của chiến sĩ khi bắn rơi một chiếc máy bay, ánh mắt lưu luyến của người lính khi phải chia tay đồng đội là điều mà tôi luôn ám ảnh và nghĩ mình “mắc nợ” họ.
Tôi tự nhủ với chính mình rằng, để có được ngày hôm nay, chúng ta không bao giờ được phép quên lãng những con người đã hiến dâng tuổi thanh xuân, xương máu của mình cho Tổ quốc.
NSND Thu Hiền. |
- Là người đã gắn bó với dòng nhạc đỏ từ khá lâu bà đánh giá như thế nào về sự cạnh tranh của dòng nhạc này với các dòng nhạc khác đang được giới trẻ yêu thích như nhạc Pop hay Ballad?
Tôi nghĩ, là một người nghệ sĩ, mình cần hoàn thành tốt công việc của bản thân. Khi đã xác định dòng nhạc theo đuổi, mình cứ phát triển nó và sẽ có đối tượng khán giả của riêng mình. Không nên mang các dòng nhạc ra so sánh, cạnh tranh hay nâng lên đặt xuống. Bởi, nghệ thuật là trăm hoa đua nở. Đất nước mình cũng đổi mới, chúng ta cần phải du nhập những điều mới mẻ, trẻ trung để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của tất cả mọi người.
Thế hệ của chúng tôi sẽ truyền lại ngọn lửa đam mê cho lớp trẻ, mỗi bạn đi theo các dòng nhạc khác nhau lại tiếp tục truyền ngọn lửa nghệ thuật, sức mạnh tuổi trẻ đến những thế hệ sau nữa. Việc phát triển tất cả các dòng nhạc sẽ bổ trợ và giúp ích cho nhau. Vì vậy, chúng ta không nên đề cao suy nghĩ, đâu là dòng nhạc hay hơn, có sức nặng hơn.
- Cảm ơn sự chia sẻ của NSND Thu Hiền!
Tiến Dũng
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 105