Mọi thứ đến với NSND Như Quỳnh rất tự nhiên và đặc biệt. Năm 19 tuổi, chị chạm ngõ điện ảnh trong sự bỡ ngỡ, e dè,... nhưng bằng cái duyên và tài năng, cô gái Hà thành nhỏ nhắn đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của công chúng. Ngẫm lại những thăng trầm đã qua, chị thấy mình là người thật sự may mắn.
Từng được các chiến sĩ viết thư tỏ tình
Vốn là con nhà nòi cải lương nhưng duyên số lại đưa đẩy Như Quỳnh đến với niềm đam mê điện ảnh. Chị kể: “Trước khi gắn bó với điện ảnh, tôi đã có 10 năm theo nghề của bố mẹ, làm ở sân khấu cải lương. Tôi cũng là khóa đầu tiên theo học khoa Sân khấu cải lương tại trường Sân khấu Hà Nội. Ra trường, tôi về làm diễn viên ở nhà hát Cải lương Hà Nội từ năm 1973. Nhưng rồi, “máu” điện ảnh ngấm vào tôi từ khi nào chẳng hay. Suốt quãng thời gian từ 1973 đến 1980, hầu như năm nào tôi cũng tham gia phim điện ảnh, bên cạnh công việc chính là diễn viên sân khấu”.
NSND Như Quỳnh là một trong những gương mặt nổi bật của dòng phim cách mạng Việt Nam. |
Thật vậy, điện ảnh đến với Như Quỳnh như cái duyên không hẹn trước. Năm 19 tuổi, cô gái Hà thành Như Quỳnh chạm ngõ điện ảnh với vai y tá Mai trong bộ phim Bài ca ra trận. Quả thật, với một diễn viên rất trẻ, chưa từng kinh qua chiến trường nào thì đó là một thử thách rất khó. Thế nhưng, Như Quỳnh lại chiếm trọn cảm tình của khán giả chỉ sau vai diễn này.
“Ngày ấy, cố đạo diễn Nông Ích Đạt đi tìm diễn viên cho phim Hai bà mẹ. Ai đó đã đưa bức ảnh chân dung của tôi cho đạo diễn và ông đã có ý định mời tôi. Cứ ngỡ sẽ được tham gia, nhưng đúng lúc đó đạo diễn Nông Ích Đạt bị ốm, nên bộ phim được chuyển sang cho một đạo diễn khác.
Vị đạo diễn này cho rằng, gương mặt của tôi không phù hợp với vai diễn trong phim. Thế nhưng, cũng với bức chân dung đó, đạo diễn Trần Đắc lại mời tôi tham gia phim Bài ca ra trận (1973). Đây cũng là bộ phim điện ảnh đầu tiên tôi tham gia. Năm đó tôi 19 tuổi”, NSND Như Quỳnh chia sẻ.
Dù có kinh nghiệm hai năm làm diễn viên cải lương, nhưng cô gái Hà thành khi ấy vẫn còn rất bỡ ngỡ trong lần chạm ngõ điện ảnh. “Tuy là diễn viên sân khấu, đã từng đi diễn ở nhiều nơi, nhưng khi tham gia phim điện ảnh, tôi phải học hỏi rất nhiều. Nếu như cải lương diễn trên sàn diễn, thì điện ảnh lại là bối cảnh thực từ hang động, sông suối, đến cảnh cáng thương bệnh binh đều rất thực. Tất cả đòi hỏi người diễn viên phải có vốn kiến thức và sự hiểu biết nhất định thì mới chuyển tải được tính cách nhân vật.
19 tuổi, khi ấy tôi còn rất trẻ, dù đã có kinh nghiệm diễn xuất nhưng khi diễn trên hiện trường vẫn còn khá non tay. Với bộ phim điện ảnh đầu tay, tôi phải thực tập rất nhiều, đi vào các lán trại quân đội tìm hiểu kiến thức thực tế, để hóa thân vào nhân vật một cách chân thực nhất”, nghệ sĩ Như Quỳnh nhớ lại.
Nói tới đây, bất chợt những kỷ niệm không thể nào quên lại ùa về trong tâm khảm của cô y tá Mai thuở nào. Nghệ sĩ xúc động chia sẻ: “Bộ phim Bài ca ra trận có ý nghĩa đặc biệt với tôi. Lần đầu tiên tham gia một bộ phim không diễn ra nơi thành phố mà là rừng rú, chiến trường và có cả sự va đập của chiến tranh khiến tôi gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trong phim, tôi vào vai y tá Mai - một cô gái rất trẻ tham gia vào đội ngũ quân y ở chiến trường. Thời trẻ, cô ấy nuôi mộng thành diễn viên múa, nhưng vì một tai nạn ngoài ý muốn mà Mai phải từ giã ước mơ của mình. Từ người con gái thành phố khi trở thành bác sĩ nơi tiền tuyến, cô ấy vẫn rất ngây thơ, trong sáng.
Hình ảnh y tá Mai tả những giỏ phong lan, mở những lá khoai nước cho các đồng chí thương bệnh binh mang đến cảm giác thư giãn, tạo nên sự đẹp đẽ giữa cái ác liệt của chiến tranh. Những chi tiết ấy tuy rất nhỏ, nhưng vô cùng tinh tế, đã góp phần tạo nên màu sắc riêng cho bộ phim. Để thấy rằng, ngoài sự khốc liệt của chiến tranh, đâu đó vẫn có những tâm hồn nhẹ nhàng, thơ mộng, trong sáng. Thực sự, điều đó gây ấn tượng rất tốt với người xem”.
“Tôi nhớ mãi, sau khi bộ phim Bài ca ra trận được điện ảnh quân đội mua lại và mang đi chiếu phục vụ bộ đội, không ngày nào tôi không nhận được hàng chục phong bì thư của các chiến sĩ ở ngoài chiến trường. Sau khi xem phim và biết được địa chỉ của tôi, họ đã gửi thư để bày tỏ tình cảm với nhân vật y tá Mai. Có thể nói, đó là điều hạnh phúc nhất với một diễn viên. Chính nghề nghiệp đã kết nối tình yêu đẹp đẽ giữa họ với khán giả”, NSND Như Quỳnh bày tỏ.
Theo dòng cảm xúc, Như Quỳnh lại bồi hồi nhớ về quãng thời gian sống ở rừng, ở chiến trường để mang lại những thước phim chiến tranh chân thực nhất. “Những bộ phim chiến tranh hồi xưa được các đạo diễn thể hiện rất khốc liệt, khủng khiếp. Nhưng, bên cạnh những hình ảnh khủng khiếp nơi chiến trường là những tâm tư, tình cảm, đời sống tinh thần của các chiến sĩ ở tiền tuyến và sự giản dị của người ở hậu phương.
Tôi cũng từng tham gia một bộ phim về thanh niên xung phong. Bộ phim thể hiện đời sống vô cùng khốc liệt của những cô gái trên tuyến lửa, trực tiếp đối mặt với bom đạn để giữ bình yên trên từng cung đường, để các tuyến xe an toàn ra tiền tuyến.
Trong phim, tôi đảm nhận vai nữ chính và yêu một chiến sĩ lái xe. Tôi vẫn nhớ mãi cảnh chiều mưa rừng xối xả, người chiến sĩ lái xe phải chuyển hàng gấp vào chiến trường, cô gái đứng đợi người yêu đi qua cung đường của mình và rồi họ hôn nhau dưới trời mưa tầm tã. Đó là cảnh vô cùng ấn tượng, thể hiện sự đẹp đẽ trong chiến tranh, lột tả tình yêu mà người con gái gửi gắm đến các chiến sĩ nơi tiền tuyến”, Như Quỳnh nhớ lại.
Sau tất cả, gia đình là điều quan trọng nhất
Nghe người ta ví chuyện tình của NSND Như Quỳnh và ông xã Nguyễn Hữu Bảo đẹp như cổ tích, tôi tò mò lắm và muốn đem câu chuyện tình yêu của họ đến với độc giả. Khi đề cập đến vấn đề này nghệ sĩ Như Quỳnh không hề e dè mà thoải mái chia sẻ về tình yêu thuở đôi mươi. Cô tâm sự, chuyện tình của họ không lung linh như những câu chuyện cổ tích trên các trang sách, nhưng cũng có điều rất đặc biệt.
Vợ chồng NSND Như Quỳnh. |
“Tôi quen anh Bảo khi mới ngoài 20 tuổi. Vốn dĩ gia đình hai bên đã biết nhau từ trước, bởi chị gái tôi lấy anh trai của anh Bảo. Quen biết cũng lâu nhưng không ai nghĩ người kia yêu mình, vì thời gian đó tôi đã có bạn trai, hơn nữa hai gia đình đã có cơi trầu dạm ngõ. Anh Bảo và người yêu cũ của tôi lại chơi rất thân. Khi đó, tôi vẫn thuộc quân số của đoàn Cải lương Chuông Vàng, mỗi lần đi diễn ở tỉnh, người yêu cũ đến thăm còn rủ anh Bảo đi cùng. Thậm chí, tôi từng có ý giới thiệu anh Bảo cho người bạn gái thân và cũng là đồng nghiệp của mình”, Như Quỳnh bộc bạch.
Nhưng rồi, chẳng hiểu duyên trời thế nào, đám cưới của Như Quỳnh với người yêu đầu không thành. “Giữa lúc tôi hụt hẫng, mất phương hướng, anh Bảo đã bên cạnh động viên, chăm sóc rồi tình yêu đến lúc nào không hay. Mọi thứ diễn ra nhanh chóng, chỉ một năm sau, chúng tôi nên duyên vợ chồng. Điều đặc biệt trong cuộc hôn nhân định mệnh đó là hai anh em ruột lấy hai chị em ruột nên rất gần gũi, thân thiết”.
Cuộc sống gia đình khó tránh khỏi những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”, nghệ sĩ Như Quỳnh không ngại nhận mình là người nóng tính. Những lúc như vậy, ông xã cô là người xuống nước trước.
“Anh Bảo là người điềm đạm, ít nói, nhịn vợ nhiều. Bản thân tôi rất nóng tính, đôi khi mất bình tĩnh, nên anh ấy luôn là người nhịn. Chúng tôi cũng thường ngồi lại cùng nhau để nói chuyện, dung hòa những khúc mắc và hiểu nhau hơn”, NSND Như Quỳnh chia sẻ. Sau nhiều thăng trầm của cuộc sống, nhìn vào gia đình hạnh phúc của Như Quỳnh – Hữu Bảo, nhiều người không khỏi ngưỡng mộ.
Chia sẻ bí quyết giữ lửa hạnh phúc gia đình, NSND Như Quỳnh nói: “Vốn dĩ, bản thân tôi là người rất ngại sự thay đổi. Tôi luôn nghĩ, liệu rằng thay đổi có bằng được cái trước của mình không, nên thường không tự tin. Chính vì vậy, đã sống với nhau, rồi con cái trưởng thành, dù có chuyện gì đi chăng nữa thì hạnh phúc và sự yên ổn trong gia đình vẫn là điều quan trọng hơn tất cả”.
Hà Linh
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 90