Suốt 45 năm trên con đường nghệ thuật, NSND Lan Hương đã mang đến nhiều vai diễn với những dấu ấn cá tính riêng trong lòng khán giả, đặc biệt là nghệ danh “đóng đinh” Em bé Hà Nội trong bộ phim cùng tên đầu tiên từ thuở còn thơ. Trong buổi trò chuyện cùng PV báo ĐS&PL, “Em bé Hà Nội” đã có những trải lòng thẳng thắn về chuyện đời, chuyện nghề.
Vẻ đẹp không tuổi của NSND Lan Hương. Ảnh: aFamily |
Mong muốn Tết cổ truyền “tròn vị”
Chào NSND Lan Hương! Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất kinh kỳ, chị cảm nhận Tết nay có còn giữ được “nếp xưa”?
Tôi thấy Tết xưa xúc động hơn bây giờ nhiều, gia đình sống chung “tứ đại đồng đường” quây quần, đầm ấm. Khi tivi báo thời khắc Giao thừa, cũng là lúc mọi người ghé thăm, chúc tụng nhau, cả gia đình cùng đi chúc Tết, đi lễ đền, chùa,...
Ngày xưa, nhà nào cũng tự tay gói bánh chưng, làm các loại bánh mứt, tuy mất nhiều công sức nhưng ý nghĩa. Trước cuộc sống bận rộn, chúng ta vẫn có thể chuẩn bị Tết theo phong tục xưa, dù ở mức độ đơn giản hơn, nếu không có thời gian để tự chuẩn bị thì đặt mua nhưng quan trọng nhất vẫn phải có đêm Giao thừa. Ngày xưa, hồn Tết đong đầy trong những tràng pháo đêm Giao thừa, tiếng pháo, mùi pháo khiến tâm hồn ta chộn rộn hẳn lên. Cá nhân tôi, vẫn mong mỏi có một “nét chấm phá” thật độc đáo thay thế tiếng pháo để mang đến giây phút xúc động, một cái gì đó làm dấu ấn cho thời khắc chuyển giao đêm Giao thừa.
Kỷ niệm nào khiến chị nhớ nhất trong Tết xưa?
Tôi nhớ nhất khi ngồi trông nồi bánh chưng. Thuở bé, ai cũng thích có một chiếc bánh chưng con nho nhỏ, háo hức thức cùng người lớn mà ngủ gà ngủ gật, chờ bánh chín để thưởng thức. Tôi thích diện áo đẹp, xúng xính đi tàu điện lên Bờ Hồ chơi Tết, có lần mất điện, tàu đứng im cả tiếng đồng hồ. Dạo một vòng quanh cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, trẻ con chúng tôi chỉ thích mua bóng bay và cả “một bầu trời” đồ ăn vặt thỏa mãn tâm hồn trẻ thơ như kem mút, kẹo bông, kẹo bột mà “sang” hơn nữa là món bánh gối của người Hoa.
Chị nghĩ sao về việc nhiều người Việt, đặc biệt là giới trẻ muốn đón Tết bằng những chuyến du lịch, thay vì quây quần sum họp bên gia đình?
Theo tôi, hơi tâm linh một chút về phong tục, ông bà tổ tiên sẽ về trong ba ngày Tết, nếu gia đình bỏ ngỏ hương khói lạnh lẽo ngay từ mùng Một Tết là điều không nên. Ở phương Tây, người ta có thể như thế, nhưng xét từ “xuất phát điểm” ban đầu, chúng ta đã lập ban thờ ngày Tết, xem việc thờ cúng tổ tiên là tập quán, thì nên làm cho cẩn thận. Dù nhiều người cảm thấy “cách rách”, nhưng theo tôi, một đất nước luôn phải tìm cách duy trì nét văn hóa nếu đó là văn hóa tín ngưỡng tốt đẹp.
Tôi thấy, Tết cổ truyền đang ngày càng nhạt đi không phải do nhịp sống của hiện đại hóa cuốn đi. So với các nước châu Á bên cạnh như: Thái Lan, Indonesia,... họ cũng có nhịp sống mới, vẫn theo kịp thế giới, nhưng họ rất trân trọng ngày Tết, biết tôn vinh và bảo tồn bản sắc văn hóa.
Không có khúc trầm, sao nhận ra được khúc bổng
Bén duyên với nghiệp diễn từ khi còn nhỏ, chị hãy chia sẻ đôi điều về chặng đường nghệ thuật của bản thân?
Suốt 45 năm miệt mài với nghệ thuật, từ lâu tôi nhận ra diễn viên là một nghề “bạc”. Khi hết thời xuân sắc, nếu các vai diễn chưa đủ gây dấu ấn sâu đậm thì khán giả cũng lãng quên. Tôi may mắn khi bén duyên với nghiệp diễn từ bé và là cái tên vẫn được nhiều người nhắc đến. Tôi nghĩ về nó như một niềm hạnh phúc, một sự thành công. Giai đoạn còn chông chênh, tôi cũng có lúc lo lắng vai diễn sau này của mình không thể thoát khỏi “cái bóng” của Em bé Hà Nội, nhưng khi đã đủ bản lĩnh, tôi càng yêu cái tên đó nhiều hơn.
Đời người vốn đã thăng trầm, con đường nghệ thuật còn thăng trầm hơn gấp nhiều lần, nhưng không có trầm thì sẽ không nhận ra khi nào thăng, cũng như trong một bản nhạc, không có khúc trầm, sao nhận ra được khúc bổng?
“Khúc nhạc trầm” trong bản nhạc của riêng chị là gì?
Sau khi ra trường, từ năm 1982 đến 1985, không hiểu sao tôi làm gì cũng khó khăn, lúc đó, con còn nhỏ, bản thân lại chưa định hình được cá tính nhân vật mình theo đuổi để bước tiếp trên con đường nghệ thuật. Chao đảo nhất là khi tôi tham gia tuyển diễn viên của một ông đạo diễn từ Pháp về. Ban đầu, tôi được nhận xét diễn “có lửa trong người”, nhưng thời điểm đó, tôi quá chông chênh, không đủ can đảm giữ vai diễn cho mình. Tôi đã từng có ý định chuyển sang học làm đạo diễn.
Cuối năm 1986, sau vở Tôi đi tìm tôi (kịch bản Sỹ Hanh, đạo diễn NSƯT Đức Trung), tôi mới định hình được vai diễn hợp với bản thân, hóa ra những vai diễn nhiều chiều, trái ngược giữa bề ngoài và nội tâm đã khiến tôi say mê. Đạo diễn, NSƯT Đức Trung nhận xét, tôi “nhìn bề ngoài hiền lành nhưng bên trong nổi loạn”. Tôi hợp với những vai chính kịch nhưng có cá tính.
Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm với cố NSND Anh Tú, một người bạn diễn thân thiết. Trong vở Tôi đi tìm tôi có đoạn cô vợ tát chồng, tôi tát Tú nhè nhẹ, giả vờ vì sợ Tú đau. Tú là người có cái “gu” thích chân thật, muốn tôi phải tát thật vì trên sân khấu, tát kỹ thuật sẽ bị khán giả nhận ra ngay. Tôi không chịu. Tú bất ngờ tát tôi, tôi đau quá lao vào tát Tú thật mạnh, đó là “cái tát theo yêu cầu”. Về sau, tôi cũng có kinh nghiệm diễn xuất hơn, biết cách tát trông chân thật mà không bị đau.
Nhờ dấu mốc đó mà tôi tìm được vai diễn mình mong mỏi, chuyên tâm theo nghiệp diễn, tạm gác ý định đi học đạo diễn tới 14 năm sau, khi suy nghĩ thật “chín”, trau dồi trong nghiệp diễn một cách chuẩn chỉnh.
Cảm xúc của chị khi lần đầu tiên thấy mình trên màn ảnh?
Mặc dù cũng hãnh diện vì được nhiều người lớn yêu quý khi mới 10 tuổi, nhưng trong buổi duyệt phim, tôi thậm chí còn không dám hé mắt xem, vì lo mình diễn dở. Sau khi phim ra rạp, thấy mọi người đón nhận nồng nhiệt, tôi mới có can đảm xem. Tôi kỳ lắm! Cho đến bây giờ, mỗi khi có phim mình tham gia diễn xuất, tôi không bao giờ dám xem cùng với mọi người vì ngượng, chỉ chờ khi ở một mình mới bật mạng lên xem.
Theo chị, nghệ sĩ thời xưa và nay có gì khác?
Các diễn viên trẻ bây giờ, ngoài mong muốn diễn làm sao cho khán giả yêu thích vai diễn, vở diễn còn đặt cạnh nỗi lo “cơm áo gạo tiền”. Nhưng, họ cũng may mắn hơn chúng tôi, khi được tiếp xúc nhiều kỹ xảo, học hỏi nhiều kinh nghiệm hơn. Các nghệ sĩ trước đây ít “bắt chước” nhau về lối diễn, còn bây giờ, không ít diễn viên diễn “na ná” nhau. Cũng phải thừa nhận, các diễn viên thời nay tốc độ lắm, tiến độ mỗi bộ phim nhanh hơn trước rất nhiều. Trước, chúng tôi đóng cả năm mới xong một bộ phim, tư duy vào mỗi cảnh cũng phải đầu tư kha khá thời gian, vì phim ảnh là tạo hình, cảm xúc đặt trong khung hình, lời thoại có thể ít nhưng thông điệp phải chính xác, nhiều cảm xúc.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
CẨM MỊCH
(Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết