Một năm sau ngày bà Năm Phỉ qua đời, nghệ sĩ Bảy Nam cũng giã từ sân khấu cải lương. Thế nhưng, duyên nghiệp với nghệ thuật vẫn chưa thể buông bỏ, bà lại được mời đóng phim và tham gia sân khấu kịch nói. Khi tham gia lĩnh vực mới, bà thường đảm nhận vai người mẹ, bà ngoại... điển hình Nam Bộ và luôn là những vai diễn lấy nước mắt của khán giả.
Nghệ sĩ Bảy Nam và diễn viên người Pháp. |
Bước vào điện ảnh như một duyên lành
Những tưởng giã từ sân khấu cải lương, con đường nghệ thuật của NSND Bảy Nam coi như đứt đoạn. Bao nhiêu đam mê dành cho sân khấu đành chôn vùi nơi tâm khảm. Thế nhưng, bà tâm niệm, nếu yêu nghề thì cuộc đời sân khấu sẽ lại tiếp diễn. Và, đúng như bà suy nghĩ, một duyên lành nghề nghiệp đã đến thật nhẹ nhàng như vốn phải thế. Bà được đạo diễn Lê Dân giới thiệu với một đạo diễn người Pháp – Marcel Camus. Đạo diễn người Pháp đang tìm kiếm một diễn viên đóng vai người mẹ trong bộ phim Mort en fraude (Chết vì buôn lậu) của hãng Intermondia Film.
Đóng phim, làm diễn viên điện ảnh là cơ hội, mơ ước vượt quá suy nghĩ, hình dung của bà. Thế nên, khi nhận lời mời gặp gỡ đạo diễn người Pháp, bà rất hồi hộp. Tại lần gặp các nhà làm phim người Pháp, bà như thể không còn là một cây đại thụ của làng sân khấu mà thật bé bỏng giữa những thử thách ở một lĩnh vực mới. Đạo diễn người Pháp lễ phép xin bà cho ông được nhìn kỹ. Trước đôi mắt tò mò của đạo diễn, bà không giữ được bình tĩnh nhưng vẫn cố nói, người này cứ tự nhiên quan sát. Họ nhìn bà với ánh mắt như xuyên thấu, như tìm kiếm điều gì đó. Rồi đột nhiên, ông đạo diễn nói một câu tiếng Pháp mà sau này bà hiểu đại thể là rất hợp vai.
Bà được ký hợp đồng, nhận vai ngay lần đầu được giới thiệu. Với vai diễn chạm ngõ điện ảnh, bà sang Xiêm Riệp (Campuchia) để quay hơn 1 tháng. Trong phim, bà có cơ hội làm việc với các tài tử nổi tiếng một thời. Diễn viên chính của phim là Daniel Gélin, người từng thủ vai Napoléon trong một bộ phim cùng tên. Diễn viên nữ trong phim là Anne Méchard, một tài năng. Cô diễn viên này vô cùng xinh đẹp, tính cách cởi mở, từng đóng hàng chục phim của nhiều hãng khác nhau.
Hơn 1 tháng ở Xiêm Riệp, đoàn phim sống giữa rừng già Đế Thiên Đế Thích. Cuộc sống ở nơi rừng thiêng nước độc có vô vàn khó khăn nhưng tất cả động viên nhau vượt qua bằng tình cảm chân thành. Bước vào thế giới điện ảnh, bà như mở mang tầm mắt. Bà tin với sức khỏe hiện tại, bản thân không thể đứng trên sân khấu cải lương nhưng kịch nói và điện ảnh thì vẫn mới bắt đầu. Những anh chị em nghệ sĩ cùng thời với bà, họ cũng bắt đầu bước đến với điện ảnh. Chính con gái bà, nghệ sĩ Kim Cương cũng đã đóng được 3 phim.
Trở về từ Campuchia, nghệ sĩ Bảy Nam tự tin bước vào kịch nói và điện ảnh. Bà thường tham gia diễn xuất cho đoàn kịch của con gái. Bà theo con lưu diễn khắp nơi, từ Nam chí Bắc. Nếu trên sân khấu, bà hóa thân vào các dạng vai mẹ, người giúp việc, bà ngoại, bà nội... thì ngoài đời, bà luôn theo sát chăm sóc con gái, dù vất vả vẫn theo con trong những lần đi diễn xa. Nhưng, bà tự thấy bản thân đã nhẹ gánh hơn rất nhiều so với thời làm bầu gánh. Bà chỉ lo cho con gái, không phải vất vả vơ tất cả chuyện của anh chị em nghệ sĩ vào thân để giải quyết.
Vừa tham gia sân khấu kịch nói, vừa tham gia một số phim điện ảnh, nhưng bà thực sự tham gia liên tục trong lĩnh vực điện ảnh là lúc Kim Cương có hãng phim. Những buổi công chiếu phim, bà đến xem, rồi lặng lẽ đón nhận phản ứng của khán giả. Khán giả của điện ảnh sang trọng, trí thức hơn những người mộ điệu cải lương ở các làng mạc xa xôi mà bà từng đi qua. Rồi, bà nhớ những đêm sáng trăng, đoàn biểu diễn cho bà con ở cù lao xem. Họ chèo ghe tới, ngồi xem đào kép diễn say sưa. Có khi bị cuốn vào câu chuyện, họ tức tối đứng bên dưới chửi bới diễn viên đóng vai ác. Đến lúc vãn tuồng, họ lại bê từng thúng trái cây miệt vườn đến biếu cho nghệ sĩ.
Gục ngã trên sân khấu
Khi tuổi đời đã cao, NSND Bảy Nam vẫn miệt mài đóng phim và diễn kịch. Dù sức khỏe là trở ngại nhưng cảm xúc của từng vai diễn của bà vẫn đong đầy. Đáng tiếc, trong lần diễn trên sân khấu kỷ niệm Sài Gòn 300 năm, bà bị nhồi máu cơ tim khi đang diễn vai bà Tư – mẹ cô Diệu trong vở Lá sầu riêng. Nhờ có sự chạy chữa của các bác sĩ, bà qua được cơn hiểm nghèo. Thế nhưng, sự nghiệp sân khấu của bà cũng kể như chấm dứt. Việc đó làm bà đau đớn hơn hết thảy.
Đến lúc Kim Cương thực hiện chương trình “Cánh chim không mỏi” do đài truyền hình HTV tổ chức, bà nài nỉ con gái cho mình diễn vở Lá sầu riêng. Thế nhưng, nghệ sĩ Kim Cương một mực từ chối. Bà quay sang cầu cứu bác sĩ điều trị. Bà nhờ bác sĩ nói với các con là mình có thể lên sân khấu. Bà hứa sẽ khóc ít lại. Nếu có chết trên sân khấu, bà cũng tự chịu trách nhiệm. Bà nói với bác sĩ rằng người nghệ sĩ được chết trên sân khấu thì không gì hạnh phúc bằng. Tuy nhiên, với căn bệnh tim của nữ nghệ sĩ, bác sĩ đã không dám liều lĩnh. Ông khuyên bà tĩnh dưỡng để con cháu không phải lo lắng thêm.
Để bà vơi bớt buồn bã, con cháu đã đồng ý cho bà về Vĩnh Long thăm cô bạn chí thân. Cuộc sống hiện đại, đường về miền Tây không còn phụ thuộc ghe phà, cảnh ghe hát xuôi ngược trên sông lớn cũng không còn hiện hữu. Trên chuyến xe qua cầu Mỹ Thuận vừa khánh thành, bà nhớ về cô bạn Sáu Bê, một cô đào hát tài danh đang nương nhờ cửa Phật. Bà nhớ dịp gặp gỡ bà Sáu Bê cũng thật lạ lùng. Lúc đó, đoàn Phước Cương của bà đang diễn ở Năm Căn. Thế rồi, đoàn của ông Bầu Bòn đến hát, cho quảng cáo rợp trời khiến đoàn Phước Cương phải rời đi.
Trước khi đi, bà Bảy Nam quyết giáp mặt Bầu Bòn để hỏi cho ra nhẽ. Thế nhưng, người tiếp bà lại là một phụ nữ tên Sáu Bê hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ... Cô ấy luôn miệng xin lỗi bà Bảy, dù lỗi đều thuộc về ông Bầu Bòn. Giáp mặt với người mới hiểu tính người, chứ trước đây, bà Bảy Nam chỉ nghe Bầu Bòn có cô đào hát Sáu Bê làm vợ bé. Có ai ngờ, cũng chỉ bởi chữ hiếu, Sáu Bê đành bán thân cho ông Bầu Bòn, một người trưởng thượng, khó chịu. Suốt những năm tháng làm bé mọn, bà Sáu Bê chịu không ít đòn đánh ghen tàn khốc của vợ Bầu Bòn. Đến khi mẹ bà Sáu Bê mất, bà bỏ đoàn Bầu Bòn về Sài Gòn nương tựa một người quen.
Một thời gian sau, bà Sáu Bê được ông Bầu Cung quý mến rước về chăm lo. Từ đây, tên tuổi của đào hát Sáu Bê lên như diều gặp gió khiến ông Bầu Bòn tiếc đứt ruột. Nhưng, bạc bẽo thay, hạnh phúc không bao lâu, Bầu Cung qua đời, đào hát Sáu Bê phải về sống với Kim Chưởng (vợ của con trai ông Bầu Bòn). Khi đoàn hát Vân Hảo do ông Ba Vân và nghệ sĩ Phùng Há ra đời, bà Bảy Nam và Sáu Bê cùng tham gia. Thời gian này, bà và Sáu Bê gắn bó hơn. Bà Sáu Bê thường gọi nghệ sĩ Bảy Nam là đại ca và xưng hiền đệ. Bẵng đi một thời gian không liên lạc, hay tin bà Sáu Bê xuất gia và làm trụ trì ở một ngôi chùa, bà Bảy Nam mừng cho bạn đã thoát khổ.
Nữ nghệ sĩ đa tài của làng sân khấu
NSND Bảy Nam từng thành lập nhiều đoàn cải lương như Nam Hưng, Phước Cương, Tam Phụng, Nam Lân, Năm Phỉ - Kim Cương... Bà cũng là tác giả của hơn 20 vở cải lương. Năm 1993, nghệ sĩ Bảy Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND. Hơn 70 năm đứng trên sân khấu, bà Bảy Nam vừa làm diễn viên kiêm trưởng đoàn, soạn giả cải lương, tác giả kịch bản, đóng hàng chục phim truyện. Ở lĩnh vực cải lương, bà được biết đến qua các vai diễn Điều Tam Xuân, Quan Công, Lữ Bố... Hai vở kịch Lá sầu riêng, Bông hồng cài áo ghi dấu ấn thành công của sự nghiệp diễn xuất của bà. NSND Bảy Nam mất tháng 8/2004, thọ 91 tuổi.