Ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Việc phân bổ room lần này giúp các nhà băng kịp thời cung ứng thêm vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp hơn dự kiến.
Cuối năm 2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ở mức 11,9 triệu tỷ đồng (khoảng 500 tỷ USD). Như vậy, mức cho vay của toàn hệ thống ngân hàng tăng thêm theo chỉ tiêu sẽ là 1,67 triệu tỷ đồng (khoảng 70 tỷ USD).
Trước đó, ngay từ tháng 3, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng thương mại là 11%. Nếu chỉ tính riêng 3% tăng thêm cho đợt phân bổ này tương đương với 358.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng chỉ mới 4,7%, do đó lượng vốn cho những tháng cuối năm còn lại lên hơn 1,108 triệu tỷ đồng. Nghĩa là các nhà băng đang rất dồi dào thanh khoản.
Theo báo Thanh niên, đa số ngân hàng lại tỏ ra khá kín tiếng trong đợt phân giao hạn mức tín dụng lần này. Lãnh đạo các nhà băng khi được hỏi về tỷ lệ cấp mới chỉ trả lời chung chung chứ không cho biết cụ thể.
Nhìn lại lần phân bổ đầu năm theo danh sách do Công ty chứng khoán VnDirect công bố thì MSB là 13,5%, HDBank là 11%, ACB 9,8%, Vietcombank 9,8%, VIB 9,5%, Techcombank 9,5%, TPBank 9,1%, VPBank 9%, MB 9%, BIDV 8,3%, LPBank 8%...
Đối chiếu với tỷ lệ cho vay thì một số ngân hàng cổ phần tư nhân gần như chạm trần. Còn đối chiếu dữ liệu từ ước kết quả kinh doanh quý II/2023 của một số ngân hàng có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán, Công ty CP chứng khoán SSI dự báo: HDBank tăng trưởng tín dụng trên 10% so với đầu năm; MB đã sử dụng hết hạn mức được cấp lần đầu trong tháng 6; Sacombank tăng trưởng tín dụng đặt mức 5% so với đầu năm; Vietcombank tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 3% (cuối tháng 3 tăng 2,5%); ACB tăng trưởng tín dụng mức 4,5 - 5%; TPBank dự ước đạt tăng trưởng tín dụng tối đa 7% so với đầu năm… Nghĩa là vẫn còn không ít nhà băng chưa dùng hết quota tín dụng được cấp.
Con số cụ thể chưa rõ ràng, nhưng một số nguồn tin chưa chính thức cho thấy, mức tín dụng được NHNN giao ở một số ngân hàng lần này tăng từ mức 8 - 10% trước đó lên 14 - 24%. Room tín dụng có thể được được nâng lên tiếp trong các đợt tới (nếu có).
Theo đại diện 1 ngân hàng cổ phần, mức tăng phụ thuộc vào chất lượng, cơ cấu và khả năng mở rộng tín dụng của từng ngân hàng, dựa trên nguyên tắc đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống TCTD. Bên cạnh đó, đại diện này cũng cho biết, các ngân hàng tham gia tái cơ cấu, có phương án tiếp nhận ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc sẽ có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn hẳn.
Theo đó, thông tin từ NHNN và chính từ các TCTD, có 4 ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc là: Vietcombank, VPBank, HDBank và MBBank. Đây đều là các ngân hàng có sức khỏe tài chính tốt và có tham vọng lớn, thông tin trên Vietnamnet.
Vân Anh(T/h)