(ĐSPL) - Sau gần 14 năm, cuối cùng ông Trương Bá Nhàn cũng đã được VKSND TP.HCM xin lỗi, bồi thường oan sai.
Điều này đồng nghĩa với việc suốt gần 14 năm qua, một người phải chịu nỗi oan khuất còn một người không thể ngậm cười nơi chín suối bởi kẻ giết mình vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, vẫn chưa trả giá cho tội ác mà mình gây ra. Hai gia đình hạnh phúc, đang yên đang lành bỗng nhiên chồng mất vợ, con mất mẹ, gia đình ly tán khắp nơi…
Ông Nhàn và luật sư Hiếu tại buổi xin lỗi công khai của VKSND TP.HCM. |
PV báo ĐS&PL và hành trình tìm lại hiện trường năm xưa
Vào ngày 11/8, đại diện VKSND TP.HCM, ông Trần Kiến Xương – Chánh văn phòng VKSND TP.HCM, đã chính thức đọc lời xin lỗi vụ oan sai đối với ông Trương Bá Nhàn: “Tôi đại diện VKSND TP.HCM xin lỗi ông và gia đình về những tổn thất mà ông và gia đình đã gánh chịu. Chúng tôi đã bồi thường đầy đủ cho ông theo luật định. Một lần nữa, chúng tôi xin lỗi ông”. Sau đó, buổi xin lỗi kết thúc nhanh chóng, trước sự ngỡ ngàng của đông đảo cơ quan báo chí và người đến tham dự, khiến hàng loạt câu hỏi của cơ quan báo chí, người dân đều bị bỏ ngỏ.
Chính vì thế, một vấn đề mà PV báo ĐS&PL cũng như đông đảo người dân và gia đình nạn nhân thắc mắc là ông Nhàn không phải là hung thủ, thì hung thủ thực sự là ai? Và như thế, trong gần 14 năm qua, đây là một vụ án mạng giết người cướp của, mà hung thủ thực sự vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật? Để tìm hiểu chuyện cũ của 14 năm trước và mong muốn tìm ra sự thật, ngày 12/8, PV đã đi tìm lại địa chỉ ngôi nhà xảy ra vụ án mạng tại con hẻm nhỏ nằm trên đường Lạc Long Quân (P.11, Q.Tân Bình, TP.HCM). Sau gần 14 năm, rất khó khăn, PV mới tìm lại được hiện trường xảy ra vụ án mạng năm xưa. Tuy nhiên, vào thời điểm này, gia đình ông N.V.T. (chồng nạn nhân H.T.K.A. trong vụ án oan của ông Trương Bá Nhàn) đã chuyển đi nơi khác sinh sống.
Hỏi thăm rất nhiều người dân, lần theo nhiều manh mối, khó khăn lắm, PV mới được bà Võ Hồng Ngân (67 tuổi, hàng xóm sống gần gia đình nạn nhân) tiết lộ một vài sự việc: “Bà A. sinh được hai người con gái. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình nạn nhân A. hết sức đau buồn. Nhất là người con gái thứ hai, sau khi đi học về, chứng kiến người mẹ của mình nằm trên vũng máu, vì đau đớn, hoảng sợ và chấn thương tâm lý nên nó rất đau buồn và có dấu hiệu bị trầm cảm. Chính vì lẽ đó, người cha quyết định bán ngôi nhà này và chuyển đến nơi khác sinh sống. Tuy nhiên, thời gian không thể làm nguôi ngoai nỗi đau mất mẹ của bọn trẻ, nghe nói mấy đứa trẻ đã đi nơi khác sinh sống. Còn người cha, sau một thời gian đau buồn, cũng quyết định lập gia đình mới và chuyển về quê sinh sống”.
Bà Ngân tiếp tục bày tỏ: “Ngày xưa, khu đó người dân sống không đông đúc như bây giờ. Mà cái chết liên quan đến bà A. cũng diễn ra nhanh chóng, khép kín nên rất ít người biết tới, họ nghe loáng thoáng. Những người nhớ chuyện như tôi thì không dám nhắc tới. Mọi chuyện liên quan đến gia đình bà A. cũng đã dần quên vào dĩ vãng vì họ đã chuyển đi”. Như vậy, khi ông Nhàn được minh oan, có nghĩa là suốt gần 14 năm qua, hung thủ thực sự vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Vậy hung thủ trong vụ án này thực sự là ai? Suốt gần 14 năm qua, một người phải chịu nỗi oan khuất còn một người không thể ngậm cười nơi chín suối, bởi kẻ giết mình vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Có ý kiến cho rằng, phải chăng do Cơ quan điều tra chỉ chăm chăm vào dấu vân tay ở hốc tủ, để kết tội ông Nhàn, mà bỏ qua nhiều chứng cứ liên quan đến hướng điều tra khác nên đã bỏ lọt tội phạm. Để bây giờ, khi ông Nhàn được minh oan, thì mọi dấu vết tại hiện trường đã không còn nữa.
Con hẻm vào hiện trường xảy ra vụ án mạng năm xưa. |
Những thông tin lần đầu công bố
Diễn biến kịch tính Ngày 12/12/2001, con gái của bà H.T.K.A. phát hiện bà A. bị giết chết tại nhà riêng trên đường Lạc Long Quân (P.11, Q.Tân Bình, TP.HCM). Qua khám nghiệm, cơ quan chức năng xác định đây là vụ giết người cướp của, tài sản bà A. bị mất khoảng 60-80 triệu đồng cùng với 4-5 lượng vàng SJC. Ngoài ra, cơ quan công an còn thu giữ được một dấu vân tay ở hốc tủ. Kết quả giám định cho thấy dấu vân tay này trùng khớp với dấu vân tay của ông Trương Bá Nhàn (SN 1962, ngụ tại Bình Phước, tạm trú Q.Bình Thạnh, TP.HCM, người con bạn dì của chồng nạn nhân). Ngoài dấu vân tay trùng khớp, số vàng mà cơ quan điều tra thu giữ tại nhà ông gần bằng số vàng mà chồng nạn nhân khai bị mất. Với kết quả tại hiện trường như vậy, ngày 3/1/2002, Công an TP.HCM bắt giữ ông Nhàn về tội Giết người và Cướp tài sản. |
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hiếu (văn phòng luật sư Người nghèo) bày tỏ quan điểm: “Thực ra, trước khi xem xét hồ sơ của ông Trương Bá Nhàn thì tôi nhận thấy rằng, không phải VKSND TP.HCM và Cơ quan điều tra không nhận thấy oan sai của ông Nhàn. Bởi, theo tôi biết, sau 14 tháng tạm giam ông Nhàn, Cơ quan điều tra đã trả toàn bộ số vàng thu được tại nhà ông Nhàn cho mẹ vợ ông Nhàn. Điều này chứng tỏ, Cơ quan điều tra biết ông Nhàn không phải là hung thủ. Tôi nghĩ rằng, đây là vấn đề của Cơ quan điều tra. Họ lỡ bắt ông ấy và đã thiết lập hồ sơ phạm tội, thả ra lại là một vấn đề lớn. Bởi việc thả ông ấy ra đồng nghĩa với việc họ phải điều tra lại từ đầu. Mà theo như thông tin tôi nhận được, gia đình nạn nhân, vì quá đau buồn nên sau đó, đã chuyển đến nơi khác sinh sống. Hiện trường vụ án không còn, hồ sơ vụ án lúc trước thì chỉ xoay quanh ông Nhàn, nên đã bỏ lọt tội phạm. Bây giờ, để điều tra lại truy tìm hung thủ quả là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, vì sao Cơ quan điều tra lại cứ nhìn theo hướng ông Nhàn để buộc tội? Bởi lúc đó, số vàng mà mẹ vợ gửi cho vợ chồng ông Nhàn cất giữ, ông Nhàn không hay biết. Sau khi ông Nhàn bị bắt, vợ ông Nhàn và mẹ vợ mới nói số vàng đó là do mẹ vợ gửi cho vợ ông Nhàn. Lúc này, người bán đất xuất hiện, để làm chứng cùng chữ ký trên thỏi vàng mới khẳng định được ông Nhàn bị oan”.
Được biết, khi VKSND TP.HCM thả ông Nhàn ra, lại không nói rõ ông Nhàn vô tội mà lại nói đình chỉ vì “đã hết thời hạn điều tra, chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can”. “Điều này là Cơ quan điều tra lách việc bồi thường, vì quyết định này không nói rõ ông Nhàn có tội hay không có tội mà để ông ấy ở trạng thái “lơ lửng” không rõ ràng. Chính vì thế, sau khi được tại ngoại, ông Nhàn tìm đến văn phòng luật sư Người nghèo (đường Hòa Hưng, Q.10, TP.HCM) để nhờ tư vấn về các vấn đề kêu oan và bồi thường. Khi đó, tôi tiếp nhận hồ sơ theo sự chỉ thị của luật sư Trịnh Thanh (Trưởng văn phòng). Chúng tôi đã cùng ông Nhàn lật tung toàn bộ hồ sơ, giấy tờ từ trước đến nay có liên quan đến vụ án để tiếp tục kêu oan. Sau khi đã có được đầy đủ thông tin của một hồ sơ oan sai, ông Nhàn trực tiếp lên VKSND TP.HCM cùng một số cơ quan ban ngành liên quan để kêu oan. Tuy nhiên, suốt mấy năm trời, hồ sơ của ông Nhàn vẫn không được chú ý tới”, luật sư Hiếu cho biết thêm.
“Cuối cùng, tôi cùng các luật sư trong văn phòng luật sư Người nghèo quyết định, hồ sơ của ông Nhàn không được chú ý tới thì phải tìm cách để gây chú ý. Thế là chúng tôi gây chú ý bằng cách tuần nào cũng gửi hồ sơ lên, gửi liên tiếp. Ngoài gửi cho cơ quan ban ngành liên quan đến Viện Kiểm sát, chúng tôi còn gửi hồ sơ kêu oan lên nhiều cơ quan có thẩm quyền. Bây giờ, để liệt kê, nhớ lại cũng không sao đếm xuể đã gửi đi bao nhiêu bộ hồ sơ. Thật may, mọi oan sai của ông Nhàn đã được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, nó lại quá lâu so với dự định. Chỉ thương ông Nhàn thời trai trẻ phải chạy theo vòng lao lý, giờ đã mất hết tất cả”, luật sư Hiếu nói.
Sáng 13/8, một đại diện cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết, đối với vụ án liên quan đến oan sai của ông Trương Bá Nhàn, đến nay vẫn chưa tìm ra hung thủ. Phía cơ quan CSĐT sẽ phục hồi công tác điều tra nếu xuất hiện manh mối vụ án. Trong khi đó, đại diện Viện KSND TP.HCM từ chối trả lời khi PV đặt vấn đề về hung thủ thật sự trong vụ án oan của ông Nhàn. |
QUỲNH THY – DƯƠNG HẠNH
[mecloud]zhZTxAVHta[/mecloud]