Đi làm để kiếm tiền là mục đích chính của những người lao động. Nhưng hiện nay, đi làm để có cơ hội… lấy chồng lại đang là mục đích hàng đầu của nhiều nữ công nhân.
Trong nghìn người, kiểu gì cũng tìm được một
Hoan (SN 1991), ở Mai Đình, Sóc Sơn (Hà Nội), hiện đang làm ở công ty Asahi Denso tại KCN Nội Bài. So với bạn cùng trang lứa trong thôn, Hoan được đánh giá là xinh xắn nhất. Học hết lớp 12, bạn trai Hoan dẫn Hoan về ra mắt nhà mẹ. Trong buổi gặp mặt, khi biết Hoan chưa có công ăn việc làm ổn định, mẹ người yêu Hoan không ngần ngại mà nói thẳng: “Xinh có mài được ra mà ăn không? Giờ cưới nhau về để ăn bám chồng à? Bao giờ hai đứa có việc làm ổn định thì cưới”.
Từ lúc đó, Hoan làm hồ sơ đi làm, nhưng không có bằng cấp 3 vì thi trượt tốt nghiệp nên công việc Hoan khá vất vả. Hoan nói: “Kệ chứ, dù sao cũng có việc làm ổn định. Như vậy, mới đủ điều kiện để được cưới”.
Chị Nụ và cháu gái |
Cùng làm Cty với Hoan, chị Nụ (SN 1985), ở Quang Tiến, Sóc Sơn (Hà Nội) kể: 28 tuổi, chị chưa có một mảnh tình vắt vai, trong khi bạn bè chị đã có con bồng, con bế. Bố mẹ chị lo chị ế, nên nhờ mai mối khắp nơi mà không mối nào thành. Ngán ngẩm trước mai mối của mọi người, chị nộp đơn đi làm Cty. Chị chia sẻ: “Có công việc rồi, thể nào chẳng tìm được chồng. Hơn nữa, ở KCN có hàng nghìn người như thế, tìm một người cho mình dễ hơn là ngồi ở nhà chờ mai mối”.
Chị Hiền, quê ở Bắc Giang, nhân viên Cty Goko. Do ngưỡng mộ cô bạn lấy được chồng làm cùng Cty, suốt ngày được đưa đi, đón về nên chị cũng làm hồ sơ xin việc khi thấy có thông báo tuyển nhân viên ở KCN Nội Bài. Nhưng khi trúng tuyển, đi làm chị mới biết cả Cty hơn 200 người thì hầu như là nữ. Công việc lại kéo dài 12 tiếng/ngày, khi nào làm thêm thì lên tới 15 tiếng. Vì chị Hiền chỉ được ký hợp đồng thời vụ nên phải làm cả thứ bảy và chủ nhật, gần như không có cơ hội tiếp xúc với các bạn trai.
Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa
Mục đích đi làm là để nhanh lấy chồng, nên nhiều nữ công nhân đã thờ ơ trong việc tìm hiểu trước khi kết hôn. Không hiểu nhau, cộng với việc thiếu kiến thức về giới, về hôn nhân khiến cuộc sống gia đình của nhiều nữ công nhân không được như mong muốn. Nhiều nữ công nhân âm thầm chịu đựng cuộc sống như vậy, nhưng cũng nhiều người đành ly hôn và nuôi con một mình khi còn rất trẻ, như trường hợp của chị Thương (SN 1987, Tuyên Quang) nhân viên công ty Nittori ở KCN Quang Minh.
Quen nhau một thời gian ngắn rồi kết hôn. Hạnh phúc chẳng kéo dài được bao lâu thì tan vỡ, chị Thương cay đắng kể, chị và chồng chị làm cùng một công ty, khi biết chị cùng quê, chồng chị chủ động làm quen và đưa ra lời đề nghị kết hôn sau 3 tháng biết nhau.
Một tháng sau, chị có bầu nên xin nghỉ về quê dưỡng thai và chăm sóc mẹ chồng. Trong thời gian chị ở quê, chồng chị cặp bồ với chính bạn thân của chị. Sau khi chị biết sự thật, người tình của chồng chị không những không thấy có lỗi mà còn yêu cầu chồng chị ly hôn. Chưa thấy kết quả của cuộc hôn nhân, chi đã phải cầm bút ký vào đơn ly hôn.
Theo Liên đoàn lao động huyện Sóc Sơn, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 1.700 lao đồng đang thuê trọ, trong đó trên 55\% là lao động nữ. Trao đổi về đời sống tinh thần của nữ công nhân lao động tại đây, ông Ngô Văn Minh - Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Sóc Sơn - cho biết: “Liên đoàn lao đồng huyện với xã, thôn nơi có nhiều công nhân ở trọ thành lập các tổ tự quản, các nhóm sinh hoạt, tổ chức nhiều buổi giao lưu, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giới để nâng cao sự hiểu biết cho công nhân nữ”.
Tuy nhiên, ông Minh cũng chia sẻ do công nhân ở không tập trung, nên ở một số thôn, vài tháng mới có một buổi sinh hoạt nhóm hay chương trình văn nghệ. Chỉ có thôn Xuân Bách, Quang Tiến, Sóc Sơn (Hà Nội), nơi có đông công nhân nhất là hoạt động sinh hoạt nhóm diễn ra tốt và thường xuyên.
Linh Chi (theo LĐO)