(ĐSPL) – Chị chưa kịp phản ứng gì em chồng chị bảo “Thôi rơi rồi thì để cho chó nó ăn cũng được chị dâu ạ”.
Đó là tâm sự đầy nước mắt của chị N.T.H (Vĩnh Phúc), từ nhỏ chị đã sớm sống trong cuộc sống cực khổ. Mẹ đổ bệnh, cha lấy vợ hai và chị có một tuổi thơ bất hạnh. Khi lấy chồng, những tưởng sẽ được sống đời ấm no nhưng rồi đời chị lại bước sang chuỗi ngày đau khổ khác.
Clip Nỗi nhục người phụ nữ bị em chồng hất đổ bát cơm trên miệng:
Mẹ đẻ 3 tháng liệt giường 13 năm trời
Chị H sinh ra trong một vùng quê nghèo khó ở một huyện nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc. Khi sinh chị được 3 tháng, mẹ chị đã đổ bệnh và nằm liệt giường suốt 13 năm trời. Còn bố chị, sau khi mẹ nằm một chỗ được 6 tháng, ông chán nản ra ngoài cặp kè với người đàn bà khác.
Mấy tháng sau, ông dẫn nhân tình về nhà sống dù vợ vẫn đang bệnh nằm đó. Được một thời gian ông tuyên bố “Từ nay chúng mày phải gọi cô M là mẹ. Đứa nào không gọi tao đánh chết”.
Người chị cả thấy vậy khóc òa lên “Mẹ con chưa chết sao cha lại làm thế được. Cha bắt con gọi, nhưng còn mẹ con thì sao. Chị em con chỉ có một người mẹ đang nằm trên chiếc giường kia mà thôi”. Khi chị cả vừa dứt lời đã bị ông bố cầm roi đánh ngang mặt.
“Lúc đó tôi nào đâu biết gì, tôi chỉ nghe anh chị kể lại thế thôi. Anh chị tôi khổ lắm, họ suốt ngày phải hầu hạ mụ dì ghẻ và cả người cha nhẫn tâm. Còn ít thời gian thì chăm sóc cho người mẹ đang đổ bệnh nằm kia. Bố tôi quá đáng lắm, mẹ tôi bệnh, ông không chăm sóc mà đưa bà vào phòng của chị em tôi. Còn ông ta và vợ mới thì ngủ nơi mẹ tôi vẫn từng ngủ”- chị H ngậm ngủi.
Sống cùng người bố nhẫn tâm và dì ghẻ, chị em H có cuộc đời cay đắng khổ cực. Anh chị của H không được đến trường như bao bạn bè khác. Ngày ngày phải bươn chải lam lũ bắt ốc, mò cua trên những cánh đồng lúa. Hôm nào không kiếm được cái gì ăn, bố và dì ghẻ lại đánh mấy chửi mấy chị em H lên bờ xuống ruộng.
Người mẹ liệt giường, nhưng vẫn cảm nhận được những tiếng xỉ và của chồng và nhân tình với con mình. Bà chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Bà hận người chồng đã bỏ rơi mình khi bệnh tật, chỉ sau mấy tháng ông ta đã “rước” người đàn bà khác về “chung chạ”.
Khi lên 9 tuổi, H dần cảm nhận được nỗi khổ của mẹ và bắt đầu giúp anh chị tắm rửa giặt giũ cho mẹ mỗi ngày. Đôi lần H bắt gặp dì ghẻ chửi mắng mẹ mình là đồ ăn hại, đồ bất lực mà cô rớt nước mắt.
Chị H ngậm ngùi kể lại câu chuyện cuộc đời đầy cay đắng của mình. |
Mẹ chị cứ thế gắng gượng được 13 năm rồi qua đời. Ngày mẹ chị H mất, trời đổ một trận mưa rất to. Lúc đó, mấy chị em H biết rằng mình chẳng còn mẹ nữa.
Em chồng hất đổ bát cơm trên miệng
Tròn 20 tuổi, chị H gặp và quen một anh chàng người Hà Nội. Những tưởng lấy chồng sẽ thoát được cuộc sống khổ cực. Nhưng rồi khi về làm dâu nhà chồng H mới thấm thía cái cảnh “làm dâu xứ người”. Mẹ chồng không đến nỗi, khi hiểu và thông cảm cho con dâu có hoàn cảnh éo le, đáng thương. Nhưng bố chồng thì ki bo, kiệt sỉ hết mức.
Ông coi thường con dâu quê mùa “ăn không nên đọi, nói không nên lời” và đặc biệt ông luôn chì chiết chị “không có nghề ngỗng gì, mới tí tuổi đầu đã theo trai”. Đến bữa cơm ông để ý chị từng tí một, chị gắp miếng thịt, miếng rau ông đều nhìn. Thậm chí, chị ăn bao nhiêu bát cơm ông đếm hết. Có hôm ông còn đánh giọng “Không đi làm thì ăn ít thôi, ăn gì mà nhiều thế. Từ nãy tới giờ là 3 bát rồi đấy”.
Chị kể đến đây nước mắt nghẹn ngào: “Lúc nghe bố chồng nói thế, nước mắt tôi rơm rớm vì nhục nhã. Miếng cơm trong miệng rơi ra ngoài. Nghĩ cuộc đời mình sao nên nỗi thế. Chồng tôi thương vợ, nhưng sợ bố một phép nên cũng im lặng. Còn cô em chồng nhìn tôi cười nhếch mép, nó bảo đáng đời tôi”.
Không chỉ bố chồng, em chồng chị cũng không kém phần ghê gớm. Vì quá tuổi chưa có người yêu, cũng không có ai để ý, nên cô em chồng suốt ngày đổ bực tức lên chị dâu. Bao nhiêu năm làm dâu, dù chị nín nhịn để đỡ va chạm, nhưng chị càng nín nhịn em chồng chị càng ngứa mắt và quá đáng.
Chị nhớ lại, có những hôm chị ốm không ra đồng, em chồng chị vào tận nơi kéo dậy. Tay vừa kéo miệng chửi rủa chị lười biếng, trốn việc. Chỉ khi mẹ chồng vào nói đỡ em chồng mới hậm hực bỏ đi. Nhưng rồi đến bữa chị bưng bát cơm mẹ chồng đưa ăn trước để uống thuốc, em chồng chị đi qua cố tình hất đổ bát cơm. Chị chưa kịp phản ứng gì em chồng chị bảo “Thôi rơi rồi thì để cho chó nó ăn cũng được chị dâu ạ, nó ăn còn có ích hơn loại dâu lười nhác như chị".
Chị uất nghẹn không nói nên lời, khi em chồng đi rồi chị ôm con chó ngồi khóc. Bát cơm rơi ra chó ăn gần hết nửa, chị nhặt lại mang lên miệng ăn tiếp.
Màn kịch của em chồng chưa kết thúc, mà hôm đó khi chồng chị đi làm về cô ta bù lu bù loa lên rằng chị trốn việc ở nhà gây sự với nó. Cô ta còn bảo chị hất đổ bát cơm nó ăn, chửi rủa nó là đồ “gái già”, “bà cô nhà chồng ghê gớm. Chồng chị chưa hiểu chuyện gì nên cũng đánh vợ, chửi chị là “ngu”, là “lắm chuyện”. Đã thế anh còn tuyên bố “mai cứ đi làm, ốm thì ra đồng nằm, đừng ở nhà với nó rồi lại lắm chuyện”.
Chị cứ thế, sống chịu cảnh bị em chồng hành hạ, bố chồng xỉ vả mỗi ngày. Cho tới khi mẹ chồng tìm cách giải thoát cho cô con dâu ra ở riêng. Bà cũng hết lời xin lỗi chị về hành động của chồng và con gái. Bà cả đời cũng cạn khô nước mắt vì sống cảnh sống tủi nhục làm dâu nên phần nào hiểu được cho chị.
Thầm cảm ơn mẹ chồng, chị nghĩ rằng ít ra còn có người tốt với chị nên chị sẽ cố gắng đến mức nào còn có thể. Những đứa con của chị dần khôn lớn, chúng đã hiểu được nỗi khổ của mẹ mà cố gắng trong cuộc sống. Còn chồng chị cũng dần thấm thía được những điều mà vợ mình phải chịu đựng bao năm qua.