Nhật Bản bị cho là một quốc gia đắt đỏ, nhưng giá bán iPhone 6 tại Tokyo đang rẻ nhất thế giới. Đây không phải là trò thiên vị của Apple, mà do chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe.
Hiện tại, nếu làm một cuộc khảo giá iPhone 6 phiên bản 16 GB tại một số quốc gia, người mua có thể nhận thất một bất ngờ thú vị. Tại Mỹ, model này có giá 649 USD không kèm hợp đồng. Trong khi đó ở Hong Kong, thiết bị này được rao mức 720 USD, tại Singapore là 790 USD, ở Đức 870 USD và lên đến 900 USD tại Ý.
Nhưng tại Nhật Bản, iPhone 6 có giá chỉ từ 640 USD, tương đương 13,6 triệu đồng. Những ai từng cho rằng Nhật Bản là một điểm đến đắt đỏ có thể sẽ phải thay đổi lại cách suy nghĩ.
Nhờ ông Abe, người Nhật có thể mua iPhone 6 tại chính đất nước của mình với giá rẻ nhất thế giới. |
Việc iPhone 6 bỗng nhiên tụt giá tại Nhật Bản còn phản ánh một khía cạnh của nền kinh tế vĩ mô thay vì dừng lại ở một quyết định mua sắm. Giá bán của iPhone 6 tại Nhật đang cho thấy sự đi xuống của đồng Yen so với USD, và iPhone 6 trong trường hợp này đóng vai trò như chiếc hamburger của McDonald's trong chỉ số Big Mac nhằm đánh giá sức mạnh đồng Yen Nhật.
Video tham khảo:
Mở hộp iPhone 6 phiên bản Nhật
Trong một tháng qua, giá trị đồng Yen Nhật giảm gần 10\% so với đồng USD, vì Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng định lượng để kích thích nền kinh tế. Trong khi đó, về phía Mỹ, Cục dự trữ liên bang hiện đã ngừng việc thả lỏng tiền tệ. Một USD mua được 118 Yen Nhật, tăng gần 50\% so với hai năm trước đây - thời điểm mà chính sách "Abenomics" của Thủ tướng Nhật đang trong giai đoạn manh nha.
So sánh giá iPhone giữa các quốc gia. Nhật Bản là nơi bán iPhone rẻ nhất thế giới hiện nay. Ảnh: Websosanh.vn. |
Đây không phải là lần đầu tiên người ta dùng giá một món hàng phổ biến để nói đến tương quan giữa đồng tiền của hai quốc gia. iPhone 6 cũng như lon Coca-Cola trước đây, được mang ra để làm ví dụ thay vì hình ảnh chiếc Big Mac(*) vốn đã quá nhàm chán với độc giả và cả những nhà kinh tế.
Nếu không muốn mang iPhone 6 ra làm thước đo, các nhà kinh tế cũng dễ dàng nhận thấy vấn đề tương tự với những công ty công nghệ ở Nhật Bản. Sony, hãng điện tử lớn mạnh nhất xứ sở hoa anh đào, cũng loay hoay với giá bán sản phẩm của mình tại Nhật và các thị trường bên ngoài. Tại Mỹ, Sony bán mực kỹ thuật số e-ink và giấy điện tử với giá 1.100 USD. Nhưng ở quê hương, Sony chỉ bán được với giá tương đương 850 USD.
(*) Chỉ số Big Mac được đưa ra vào 9/1986 như một phương thức đơn giản nhất để đánh giá đồng tiền của một quốc gia. Sở dĩ chiếc Big Mac của McDonald's được chọn để làm vật so sánh bởi nó phổ biến trên toàn thế giới. Những món hàng như Coca-Cola hay iPhone 6 cũng có thể được thay thế cho chiếc Big Mac để đánh giá sức mạnh đồng tiền giữa hai quốc gia. |