Tiếng gió gào rú, tiếng mưa át tiếng người, xe chúng tôi xé màn đêm chạy suốt 1.000km không nghỉ để nhanh chóng tiếp cận được hiện trường vụ vỡ đập thủy điện chưa từng có xảy ra tại tỉnh Attapeu (Lào). Tiếng những đứa trẻ gào khóc gọi mẹ, dòng sữa nóng căng tức trong bầu ngực của những bà mẹ mãi mãi không còn được cho con bú... Những hình ảnh đau thương trong thảm họa ở Lào ám ảnh chúng tôi trong suốt những ngày tác nghiệp tại đây.
Toàn cảnh hàng nghìn ngôi nhà của người dân Attapeu ngập trong lũ sau sự cố vỡ đập thủy điện. |
Attapeu - Những ký ức không quên
Trong cơn mưa phùn của những ngày cuối năm, gió len lỏi vào từng thớ áo. Cái lạnh này gợi cho tôi cảm giác giống cái lạnh tháng 7 ở Attapeu. Đó là những ngày khủng khiếp nhất mà chúng tôi đã từng trải qua khi đến với bà con các bộ tộc Lào sau thảm họa vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy tại tỉnh Attapeu.
Quần thể đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy, một dự án có trị giá 1 tỷ USD đang trong quá trình xây dựng đã xảy ra sự cố bị vỡ thân đập vào 20h ngày 23/7 theo giờ địa phương, nhiều ngôi làng của các bộ tộc Lào đã bị nhấn chìm trong biển nước, hàng nghìn người mắc kẹt và mất tích. Chúng tôi nhận “lệnh” từ tòa soạn phải lên đường sang Attapeu ngay để kịp truyền tải thông tin, hình ảnh chân thực nhất đến với độc giả về thảm họa khủng khiếp này.
Nhóm Phóng viên ĐS7PL cùng hỗ trợ lực lượng chức năng nước bạn Lào cứu hộ các nạn nhân. |
Sáng 25/7, bốc vội mấy thùng mỳ tôm cùng với một ít nước lọc và lương khô, chúng tôi nhanh chóng khởi hành. Người dẫn đường cho chúng tôi biết, quãng đường từ cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo Hà Tĩnh đến tỉnh Attapeu là 1.000km với nhiều đoạn đường rất khó đi, hiểm trở. Nỗi lo lắng ập đến trong lòng tôi và người bạn đồng hành – Phóng viên Hồ Thắng. Biết rằng rất nhiều khó khăn thậm chí là nguy hiểm đang chờ phía trước nhưng cả hai đều nóng lòng muốn tiếp cận thật nhanh hiện trường vụ vỡ đập để chuyển thông tin sớm nhất về tòa soạn.
Để có thể tiếp cận được hiện trường vỡ đập thủy điện chúng tôi phải đi qua 7 tỉnh: Lạc Xao, Bolikhamxay, Khammuane, Savannakhet, Champasak, Salavan rồi mới đến được Attapeu (nước Lào có 18 tỉnh - PV). Từ thủ phủ Attapeu sẽ phải đi tiếp 40km đường đất rất xấu mới có thể tiếp cận được vùng "rốn lũ". Nóng lòng đến nơi sớm nhất có thể, chúng tôi quyết định không dừng lại ăn cơm mà lót dạ bằng lương khô và bánh mỳ có sẵn trên xe. Trời bắt đầu tối cũng là lúc mưa bắt đầu nặng hạt, lượng mưa dày đặc khiến QL13 – tuyến đường huyết mạch nối liền các tỉnh Bắc – Nam đoạn qua địa phận tỉnh Savannakhet của nước bạn Lào rất trơn.
Điều chúng tôi nhớ nhất có lẽ là những con đường đèo gấp khúc, uốn lượn, một bên là núi cao, 1 bên là suối sâu trong khi 2 bên đường không hề có cột mốc hay bất cứ biển báo giao thông nào, nhiều đoạn bị nước lũ đánh sạt lở khiến xe cộ muốn di chuyển qua đây phải đánh cược với mạng sống. Và cảm giác bất an đó lên đến đỉnh điểm khi xe chúng tôi mắc kẹt tại cầu Hội Hò (nằm trên huyết mạch QL13) thuộc địa phận tỉnh Attapeu (Lào).
Những đứa trẻ lấm lem bùn vừa được lực lượng cứu hộ cứu sống. |
Lúc ấy, chúng tôi chỉ còn cách tâm lũ khoảng 70km. Cây cầu Hội Hò vừa bị nước lũ đánh đứt khoảng 15m, mưa lớn liên tục nhiều giờ liền nên đoạn đường được đắp tạm để các xe cứu hộ đi qua trở nên rất lầy lội. Trời tối đen như mực, không một bóng người, cái lạnh của mưa đêm như buốt từng thớ thịt. 2h sáng 26/7, trong ánh sáng yếu ớt từ chiếc điện thoại, chúng tôi ngập trong bùn đất để cùng hợp sức đẩy chiếc xe ra khỏi vũng lầy nhưng không thể. 30 phút trôi qua, chúng tôi dường như bất lực trước sự cố. Bỗng từ xa ánh đèn xe ô tô pha tới. Đó là đoàn xe cứu trợ của lực lượng an ninh Lào cũng đang di chuyển qua con đường này. Với sự hỗ trợ của đoàn, xe của chúng tôi đã được kéo ra khỏi bùn lầy để thẳng tiến về rốn lũ. Đập vào mắt PV là những ngôi nhà ngập trong biển nước, vật dụng, xác lợn, gà... nổi lềnh bềnh. Khung cảnh hoang tàn, nhuộm một màu bùn đỏ. Lúc này đã là 6h00 ngày 26/7/2018.
Ám ảnh những ánh mắt
Để ghi lại được những hình ảnh thiệt hại đầu tiên do sự cố vỡ đập gây ra, chúng tôi và nhiều đồng nghiệp báo chí, truyền hình quốc tế đã xắn quần lội bùn để tiến sâu vào phía trong, tiếp cận bản Khổ Coong – đây là bản đầu tiên trong số 7 bản bị thiệt hại nặng nề nhất. Lúc bấy giờ, Đại tá Vanh Thoong, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 Quân đội nhân dân Lào đang có mặt trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ tại hiện trường cho chúng tôi biết, đang có khoảng 4.000 người dân đang bị mắc kẹt ở những bản nằm sâu phía Nam tỉnh Attapeu. Một số thi thể của các nạn nhân cũng đã được tìm thấy trục vớt đưa về điểm tập kết. Tuy nhiên, tuyến đường độc đạo vào vùng tâm lũ đã bị nước lũ chia cắt, lực lượng chức năng chỉ có thể di chuyển bằng thuyền hoặc trực thăng trong khi nước sông Namsê đang chảy rất xiết, công tác cứu hộ lúc này gần như rơi vào bế tắc. Bì bõm trong nước lũ, trong chiếc áo mưa bị gió quất liên hồi, những hình ảnh đầu tiên đã được chúng tôi nhanh chóng chuyển về tòa soạn.
Ánh mất thất thần, hoảng loạn sau khi chạy lũ của một gia đình ở bản Khổ Coong. |
Trưa 26/7, từng tốp người tại bản Khổ Coong đã được lực lượng giải cứu đưa ra ngoài. Những cụ già, em bé ướt sũng, lấm lem bùn đất run lên từng hồi. Họ đều đói và lạnh. Bà Thechan vừa bốc nắm xôi cứu hộ bỏ vào miệng vừa nghẹn ngào nói rằng, bà đã bị thất lạc đứa cháu trai 5 tuổi đến giờ vẫn chưa thấy, không biết còn sống hay đã chết? Cạnh đó, một đám trẻ con khoảng độ 4 – 8 tuổi bốc từng nắm thức ăn được tiếp tế bỏ vào miệng nhai nhấu nghiến. 3 ngày rồi, trốn ở trên núi, các em cũng như những người dân chạy lũ chỉ biết bứt lá rừng ăn để cầm cự. Trước nỗi đau quá lớn của nước bạn Lào, chúng tôi đã hỗ trợ cùng lực lượng cứu hộ đưa các nạn nhân về điểm trú. Nhóm chúng tôi chia nhau từng người một cõng từng em bé, người già đến điểm tiếp ứng quần áo. Giây phút đó, giữa chúng tôi với người dân bộ tộc Lào chẳng còn khoảng cách về địa lý, dân tộc, ngôn ngữ.
Ngày 29/7, nước đã rút bớt so với những ngày đầu nhưng vẫn ngập trắng bản làng. Đã có hàng chục thi thể các nạn nhân xấu số được tìm thấy, trục vớt đưa về tập hợp tại lán trại sau trụ sở UBND huyện Sanamxay. Vì số lượng người mất tích quá nhiều nên chính quyền địa phương đã chuẩn bị sẵn hàng trăm chiếc quan tài để khi tìm thấy thi thể nạn nhân nào, họ sẽ được lau rửa, nhập quan và chờ người nhà đến nhận dạng đưa về mai táng. Chưa bao giờ chúng tôi phải chứng kiến cảnh tượng nào đau thương đến vậy.
Trước hành lang bệnh viện tỉnh Attapeu, người nằm la liệt. Họ là những nạn nhân bị thương trong sự cố vỡ đập được lực lượng cứu hộ tìm thấy, giải cứu đưa về đây điều trị. Ngồi cạnh vợ trên giường bệnh, anh Anneng, chồng của Nanguông (31 tuổi), trú tại bản Thaxengchan đau đớn kể lại rằng, đó là buổi chiều định mệnh. Nước lũ cuồn cuộn tràn về, Anneng đã cố gắng để vợ con lên thuyền rồi một mình bơi kéo con thuyền về phía ngọn núi trước mặt. Nhưng chiếc thuyền đã bị nước cuộn lên đánh lật, 3 người con trên thuyền bị dòng nước nhấn chìm, Anneng chỉ kịp dang tay giữ được 1 đứa. Chỉ trong vòng vài giây, 2 đứa trẻ tội nghiệp đã biến mất hoàn toàn trong dòng nước hung tợn trắng xóa. Vợ chồng Anneng và Nanguông vĩnh viễn mất đi 2 cô con gái, 1 đứa 4 tuổi, 1 đứa vừa còn đang bú mẹ. Các con bị nước lũ cuốn ngay trước mắt Anneng và Nanguong nhưng họ lại bất lực không thể làm gì. Điều đó khiến Anneng đau đớn còn Nanguong hóa điên. “Tôi đặt con gái lên thuyền. Chúng tôi cố gắng giữ thuyền thật chặt nhưng nước chảy rất mạnh. Tôi không thể giữ nó lâu hơn nữa, thuyền lật ngược và con gái tôi rơi xuống nước. Chúng tôi cố gắng tìm con nhưng không thể. Tất cả xảy ra ngay trước mắt tôi. Tôi không biết phải đổ lỗi cho ai, tôi chỉ rất nhớ con của mình", Anneng đau đớn nấc lên. Tại điểm tạm trú phía sau trụ sở UBND huyện Sanamsay, cô bé Tuc Ta (8 tuổi), trú bản Hilat chưa hết run rẩy trong bộ đồ vừa được lực lượng tiếp ứng mặc cho sau khi em được giải cứu. Cô bé kể rằng, nước lũ lên quá nhanh, mẹ cô bé vội bồng em rồi kéo cô bé chạy ra ngoài gửi cho người bà con rồi tất cả chạy thục mạng về phía chân núi. Nhưng nước đổ về cuồn cuộn, Tuc Ta chạy không kịp, cô bé chỉ kịp bám được vào một cành cây. Cứ như vậy, Tuc Ta trờn lên, bám trụ trên cây 3 ngày giữa mênh mông biển nước trong cái đói, rét để chờ được lực lượng cứu hộ giải cứu với một suy nghĩ duy nhất “phải sống để gặp lại bố mẹ và em”.
Theo thống kê của cơ quan chức năng nước bạn Lào, sự cố vỡ đập thủy điện Xepian - Xe Nam Noy đã gần như xóa sổ 7 bản gồm: Bản Khocoong, Mày, Thẹ, Hilat, Thahín, Thahíntay và Thaxengchan. Đây là 7/13 bản bị ngập sâu nhất tại huyện Sanamxay, thuộc phía Nam của tỉnh Attapeu. Sự cố này cũng đã khiến gần 1300 người dân các bộ tộc Lào chết và mất tích, hơn 2000 ngôi nhà bị cuốn trôi, hơn 7000 người rơi vào cảnh trắng tay. Huyện Sanamxay được coi là vựa lúa của Lào, ngập úng trên diện rộng đã khiến hàng nghìn diện tích lúa và hoa màu của người dân tại đây bị hư hại. Do lượng bùn lớn đặc quánh nên sau khi nước rút hoàn toàn, người dân phải mất rất nhiều thời gian để tái sản xuất, chăn nuôi chưa kể đến dịch bệnh hậu sự cố.
Thế nhưng, trong nỗi đau thì tình bạn bè, đồng chí lại thắm thiết, keo sơn hơn bao giờ hết. Hàng nghìn chuyến xe cứu trợ chở nhu yếu phẩm của các đoàn từ thiện của các nước láng giềng: Thái Lan, Campuchia, Việt Nam lần lượt đổ về Attapeu. Hàng trăm y bác sỹ, lực lượng cứu hộ, thợ lặn, ca nô, thuyền... đều được các nước láng giềng huy động sang nước bạn Lào để phục vụ công tác giải cứu các nạn nhân mắc kẹt và tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Chúng tôi rời Attapeu khi nước ở vùng tâm lũ vẫn chưa rút hết. Trên con đường trở về Việt Nam, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng bên tay tiếng những đứa trẻ khóc gọi mẹ. Hình ảnh của Nanguông với đôi mắt đờ đẫn trong bệnh viện hay những chiếc quan tài sắp thành hàng dài phía sau trụ sở UBND huyện Sanamxay đầy ám ảnh... Mùa xuân mới về với đất trời, khi chồi non đua nở chúng tôi tin tưởng màu xanh hy vọng sẽ đến với miền đất bị thiên tai tàn phá. Một ngày không xa chúng tôi sẽ trở lại ghi nhận sự hồi sinh để tay trong tay với người dân múa Nam – vông.