Từ ngày ông Thành bị đưa vào trung tâm Bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai, bà Thủy chẳng thiết tha ăn uống. Bà đi bộ hàng chục cây số lên thăm ông, bà chỉ mong ông mau trở về để vợ chồng già lại được sớm tối có nhau.
Chúng tôi tìm đến bãi giữa sông Hồng ngay dưới chân cầu Long Biên để gặp bà Nguyễn Thị Thủy, ông Thành - 2 cụ trong bộ ảnh “tình già” từng được nhiều người biết đến. Vì ngày cưới, ông bà không ảnh cưới, không kèn trống nên đã được một nhiếp ảnh gia chụp tặng bộ ảnh cưới.
Khi hỏi đến ông Thành và bà Thủy thì cả khu bãi giữa ai cũng biết. Bởi, hơn 50 năm trước ông bà gặp nhau trong một lần đi nhặt rác, cứ thế họ thường xuyên nói chuyện và yêu lúc nào không hay. Một thời gian sau họ về chung một nhà tại chân cầu Long Biên, không con cái, cuộc sống nghèo khó nhưng họ vẫn vui vẻ và yêu thương nhau.
Bà Thủy trông ngóng ông Thành |
Con đường vào nhà bà Thủy lầy lội, khó đi hơn trước rất nhiều. Phải nhờ sự trợ giúp của con nuôi bà Thủy chúng tôi mới vào được ngôi nhà đang lênh đênh trên mặt nước.
Biết chúng tôi đến hỏi thăm, con gái nuôi bà Thủy nói “giờ chỉ còn mình mẹ nuôi tôi ở dưới chòi, còn bố tôi vẫn chưa được về”. Nghe con gái nuôi nói vậy, bà Thủy gạt vội giọt nước mắt kể: “Cách đây khoảng 2 tuần, ông Thành đi nhặt ve chai ở gần Hồ Gươm nhưng cả ngày không thấy ông ấy về. Tôi chờ đến 12h đêm cũng chẳng thấy bóng hình ông Thành đâu, đêm đó tôi lo lắng lắm.
Sáng hôm sau, đi hỏi hàng xóm tôi mới biết ông ấy được đưa về một trung tâm Bảo trợ xã hội. Ông Thành đi nhặt ve chai để lấy tiền mua gạo nuôi tôi, nhưng nghe đâu bị công an kiểm tra, ông không có giấy tờ tùy thân, là người lang thang, cơ nhỡ nên đưa vào trung tâm Bảo trợ xã hội. Tôi đã cùng hàng xóm và con nuôi lên thăm ông ấy, tôi thật sự rất lo và sợ phải ở một mình”.
Cũng theo bà Thủy, kể từ ngày ông Thành không ở nhà, đêm nào bà cũng mất ngủ, lo lắng. Thậm chí, bà còn chẳng thiết tha gì đến chuyện ăn uống, kiếm tiền. Bởi, bao nhiêu năm nay, 2 phận già neo đơn này đã nương tựa vào nhau trong căn chòi thiếu thốn trăm bề nhưng vẫn đủ ấm bởi tình yêu thương mà họ dành cho nhau.
“Tôi đã đi lên thăm ông ấy được 2 lần. Lần thì con nuôi đưa đi, nhưng có khi tôi đi bộ để được gặp, được biết ông ấy sống có ổn không, bao giờ thì được về để vợ chồng có thể nương tựa vào nhau. Từ ngày ông ấy không ở nhà, căn bếp bị đổ, đồ đạc trong nhà rơi hết xuống sông vì nước dâng cao, nhà chòi bị đẩy nước lên bãi. Đường vào nhà thì lầy lội, tôi già cả chẳng thể đi lại được. May có cô con gái nuôi thường xuyên lui đến chăm sóc, động viên và mang đồ ăn cho tôi”, bà Thủy chia sẻ.
Ông Thành không ở nhà, bà Thủy một mình buồn rầu, hằng ngày làm bạn với chiếc điếu cày, với những ký ức mà ông bà đã từng có. Hàng xóm có ai hỏi ông Thành đi đâu, bà Thủy thường né tránh không nói. Nếu ai gặng hỏi, bà chỉ bảo “ông Thành đi làm xa rồi, vài hôm nữa ông ấy sẽ về”.
Anh Dũng, con nuôi bà Thủy cho biết, từ ngày bố Thành không về nhà, mẹ Thủy ngày nào cũng ngồi ra trước cửa nhà để chờ. Cũng giống như mấy chục năm qua, mỗi lần bố Thành đi nhặt ve chai, kiếm cân gạo về 2 vợ chồng già ăn chung, mẹ Thủy luôn chờ về mới ăn cơm, đi ngủ.
“Chúng tôi cũng ở gần đây, thấy bố mẹ Thành Thủy không có con, nên đã nhận làm con nuôi để qua lại an ủi, động viên và có việc gì giúp đỡ. Hằng ngày, tôi cùng vợ ra thăm mẹ Thủy xem mẹ có cần giúp đỡ gì không. Lúc nào trong miệng mẹ cũng lẩm bẩm “không biết ông có gì ăn không, có thuốc lào để hút không…”. Chúng tôi cũng rất lo lắng, nhưng giờ muốn đưa bố Thành ra thì cần rất nhiều giấy tờ để xác nhận, trong khi cả 2 bố mẹ đâu có giấy tờ tùy thân gì, quê quán bao năm cũng chẳng về. Mẹ Thủy vì lo cho bố Thành quá nên mấy hôm nay còn bỏ ăn, nếu vợ tôi không mang cơm, cháo ra thì chắc sẽ nhịn. Chúng tôi đang chờ nước rút để sửa sang lại bè cho bố mẹ. Giờ chúng tôi mong bố Thành sớm được về đoàn tụ để mẹ Thủy đỡ buồn, đỡ tủi và không phải khóc”, anh Dũng tâm sự.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Được (Trưởng thôn bãi giữa sông Hồng được người dân bầu ra) cho biết: “Ông Thành trong khi đi nhặt ve chai, vì không có giấy tờ tùy thân nên đã bị đưa vào trung tâm Bảo trợ xã hội. Giờ phải có người bảo lãnh mới được về nhà”.
Nhắc đến ông Thành, bà Thủy liền lục lọi đồ đạc trong chiếc tủ gỗ duy nhất trong nhà. Bà lấy bức ảnh “tình già” được chụp cách đây không lâu cho chúng tôi xem. Bà bảo, hơn chục ngày nay, mỗi khi nhớ ông bà thường lôi ảnh ra xem. Nếu nhớ nữa bà sẽ đi bộ đến trung tâm Bảo trợ xã hội để thăm ông Thành.
Bà Thủy bảo, ngày nào bà cũng đợi ông và sẽ cùng các con nuôi sửa sang nhà cửa chờ đón ông về.
Chiều muộn, con đường nhỏ dẫn vào nhà bà Thủy vắng hơn rất nhiều. Mỗi khi thấy có tiếng ai hỏi, bước chân ai đó bà cứ ngỡ ông Thành về lại vội vàng ra cửa. Khi biết không phải, bà buồn, lủi thủi ngồi một góc.
Chia tay bà Thủy để ra về, chúng tôi vẫn nhớ mãi câu bà nói “Các cháu biếu quà bà lại có tiền để mua thuốc lào cho ông rồi”.
Mai Thu - Thanh Lam/Nguoiduatin - Doisong&Phapluat