+Aa-
    Zalo

    Nỗi khổ không nói nên lời khi lấy phải vợ/chồng "ít nhời"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ông nào than phiền vợ lắm mồm, lải nhải thì hãy nghe tâm sự của những ông lấy phải vợ kiệm lời để thấy mình đang trong "ổ phúc" mà không biết.

    Ông nào than phiền vợ lắm mồm, lải nhải thì hãy nghe tâm sự của những ông lấy phải vợ kiệm lời để thấy mình đang trong "ổ phúc" mà không biết.

    Trong một gia đình, có thể nói không ngoa rằng người phụ nữ chính là linh hồn. Thế nhưng nếu "phần hồn" đó yên tĩnh quá mức, sẽ khiến bầu không khí gia đình tẻ nhạt, nặng nề. Chồng con sẽ ít muốn ở nhà. Khoảng cách giữa vợ chồng, con cái ngày một nới rộng. Sự ràng buộc lỏng lẻo của hôn nhân nếu không được khắc phục sẽ rất dễ dẫn đến những hậu quả nặng nề.

    Sợ về nhà vì vợ quá kiệm lời

    Gia đình anh Nguyễn Hữu Lộc (Cẩm Giàng, Hải Dương) nhiều năm nay được công nhận gia đình văn hóa. Làng trên đến xóm dưới, ai cũng phải tấm tắc khen vợ chồng anh hòa thuận, con cái ngoan ngoãn. Ít ai biết rằng, đã có khoảng thời gian, anh Lộc thích ở công ty hơn... về nhà vì chị Liên vợ anh... “cầm tinh con hến”.

    Cuộc sống gia đình anh Lộc bắt đầu có những “vết rạn nứt” khi vợ quá kiệm lời. (Ảnh minh họa).

    “Lúc tìm hiểu và yêu, vợ tôi đã ít nói. Cả buổi đi chơi, nếu tôi không gợi chuyện thì cô ấy chỉ ngồi im. Khi ấy tôi nghĩ đơn giản rằng, có thể cô ấy ngại hoặc do cô ấy chưa đủ lòng tin ở tôi nên chưa thể mở lòng. Sau 8 tháng yêu nhau, chúng tôi quyết định tiến tới hôn nhân. Tôi nghĩ, thôi lấy người ít nói giống mình cho khỏe, lấy người nói nhiều sẽ nghe nhức đầu. Khi về sống với nhau, những tưởng vợ sẽ cởi mở hơn, ai ngờ mấy năm rồi mà tính cô ấy vẫn như hồi mới yêu. Cả ngày, nếu chồng con không bắt chuyện thì có “cạy miệng gẫy cả xà beng” vợ tôi cũng chả nói câu nào”, anh Lộc cho biết.

    Theo lời anh Lộc, chị Liên là người biết thu vén công việc gia đình, “mát tay” trong việc chăm chồng con, đặc biệt chị nấu ăn rất ngon. Dọn dẹp nhà cửa, chăm lo con cái,... một mình chị Liên lo hết. Thế nhưng, do thuộc tuýp người hướng nội ít nói, thẳng tính, có gì nói nấy, không khéo giao tiếp đối ngoại nên không được lòng mọi người trong gia đình chồng.

    “Bố mẹ tôi hay kêu ca việc con dâu không cởi mở, lúc nào cũng “lù lù như xe lu”. Nhiều khi nhà có việc, cô ấy cứ lặng lẽ như người câm, chào hỏi cũng nhỏ nhẹ khiến nhiều bậc cao tuổi trong họ tưởng vợ tôi không chào, thế là đâm ra ác cảm, có người than phiền với bố mẹ tôi, ông bà lại về kêu tôi “dạy lại vợ đi chứ không có ngày mất hết họ hàng”.

    Tôi đã giải thích với ông bà rằng, tính vợ tôi vậy nhưng cô ấy không phải người vô lễ, và cũng góp ý với vợ chuyện lần sau chào hỏi mọi người cần “vặn volume” to lên. Vợ tôi cũng tự nhận ra khuyết điểm của mình nên cố gắng thay đổi. Mà có lẽ, cái gì đã thuộc về tính cách thì muốn đổi thay là điều không dễ dàng..”, anh Lộc bộc bạch.

    Trong cuộc sống riêng của gia đình anh Lộc, do bản tính anh Lộc cũng là người hiền lành ít nói nên nếu những lúc anh mệt mỏi thì khoảng thời gian riêng tư của hai vợ chồng anh là sự im lặng một cách đáng sợ. Dần dần, không khí gia đình cứ lặng lẽ, mọi việc ngày ngày đi theo trình tự, việc ai nấy làm. Nếu anh Lộc đưa ra ý kiến thì chỉ mình anh nói, chị Liên hầu như 10 lần như một chỉ im lặng lắng nghe.

    Hai vợ chồng cùng đi làm, đến bữa tối, anh Lộc rất muốn trò chuyện, tâm sự với vợ nên gợi ý, hỏi thăm chị Liên về công việc, đồng nghiệp, bạn bè... Song, chị luôn tỏ vẻ như đang mải ăn, thờ ơ: “Bình thường!”, “Không có gì!”, “ngày nào chả thế",... khiến những câu chuyện, câu hỏi của anh Lộc cứ rơi tõm vào im lặng một cách vô duyên.

    Ngày qua ngày, anh Lộc đâm ra buồn chán, ít tâm sự với vợ, cứ ăn tối xong là ra đầu ngõ chém gió với hàng xóm. Tình cảm vợ chồng không có sự trao đổi, giao thoa nên sự khăng khít cũng vơi dần...

    “Nhiều khi cuối tuần hai vợ chồng “trốn” con đi chơi, đi cà phê để “hâm nóng” tình cảm, thế nhưng dù đi đến đâu không khí vẫn thế, cứ nhạt nhạt. Tôi cũng muốn bỏ tiền ra để đi du lịch cùng nhau nhưng mấy lần đi thấy không có gì thú vị. Dần dần thời gian “hâm nóng tính cảm” cứ vơi dần và biến mất. Tôi nhận ra rằng nhiều cặp vợ chồng khác hạnh phúc là do vợ chồng trái ngược tính nhau: Chồng ít nói, ôn hòa, vợ lại sôi nổi, năng động hay ngược lại. Bản thân tôi nghiệm ra cũng đúng. Nhiều khi, kết thúc một ngày làm việc, bước chân tôi ngập ngừng chẳng muốn về nhà, bởi tôi sợ cái không khí lặng im một cách đáng sợ trong gia đình mình”, anh Lộc mở lòng.

    Cùng chung hoàn cảnh với anh Lộc, chị Phan Thanh (Thụy Khuê, Hà Nội) cũng khóc dở mếu dở vì anh chồng... “hột thị” của mình. Anh Lệ chồng chị kiệm lời đến khó hiểu, dù vợ có nổi cơn tam bành mà đá thúng đụng nia thì anh cũng chỉ cười trừ và... im lặng. Vì ít nói ít cười nên nhiều người bảo anh Lệ khó tính, họ bảo đàn ông gì mà cạy miệng không được một lời, gặp người khác ít khi mở lời chào hỏi.

    Chị Thanh luôn phải giải thích cho chồng rằng: “Nhà cháu chào bé chắc bác không để ý thôi...”.

    “Bố mẹ chồng có giải thích với tôi rằng, chồng tôi từ bé đã hiền lành, ít nói, sống nội tâm. Hơn 2 năm chung sống, tôi cũng nhận ra chồng cái gì cũng tốt, chỉ có mỗi điểm kiệm lời quá. Tôi cảm giác như anh ấy không có nhu cầu chia sẻ bất cứ chuyện gì với vợ, không có quan điểm cá nhân.

    Anh ấy đi làm về là ngồi im xem ti vi hoặc đọc báo. Tôi đành phải bắt chuyện, tôi kể chuyện ở cơ quan tôi thì anh ấy miễn cưỡng nghe nhưng không nói một lời, càng không hé răng về công việc của anh ấy, cứ như bí mật quân sự không bằng. Có khi cả buổi tối, anh ấy chẳng mở miệng lần nào.

    Rồi những lần về ngoại chơi, khi cả nhà đông vui, hồ hởi chuyện trò, ai cũng vui vẻ, nói nhiều, chỉ có chồng tôi “lù lù một cục”. Thái độ thờ ơ của anh khiến các anh chị em và cả bố mẹ tôi phát bực, lâu dần chuyển sang ác cảm. Nhiều khi tôi giận quá hét lên với chồng: “Anh bị câm à”, thì anh ấy thủng thẳng: “Anh không thích cãi nhau”.

    Khi cơn giận qua đi, tôi chờ mong những chia sẻ, góp ý từ chồng, nhưng chả bao giờ anh ấy nó gì. Tôi chuyển công tác hay muốn mua sắm cái gì nhiều tiền đem ra bàn bạc với chồng thì câu trả lời trực sẵn trên môi chồng tôi luôn là “tùy vợ, vợ thấy ổn là được”. Dần dần người hoạt ngôn như tôi cũng lười chia sẻ với chồng”, chị Thanh tâm sự.

    Sức mạnh của sự sẻ chia

    Với người Việt từ xưa đến nay lời chào luôn cao hơn mâm cỗ, để trở thành một người con dâu tốt, đòi hỏi người phụ nữ không chỉ khéo léo trong cách cư xử với gia đình mà còn với cả họ hàng, làng xóm nhà chồng. Chính vì “ngậm vỏ hến” mà chị Liên phải chịu nhiều tiếng xấu. Chị trở thành “người vô hình” trong con mắt của những người trong gia đình nhà chồng. Anh Lộc lâu lâu cũng lười giải thích thay vợ.

    Cuộc sống hôn nhân vừa tẻ nhạt vừa bí bách của gia đình anh Lộc chỉ được hóa giải khi trong nhà anh chị xảy ra biến cố lớn. Đó là chuyện bé Gia Hân, con gái anh chị đã hơn 2 tuổi nhưng chỉ bập bẹ được như một bé con 1 tuổi. Đưa con đi khám, anh chị tá hỏa khi bác sĩ nói bé có dấu hiệu bị tự kỷ thể nhẹ. Anh chị như chết đứng.

    “Để con thành ra như vậy là do vợ chồng tôi, chính sự kiệm lời của cả hai đã làm hại đến con. Bác sĩ nói, nếu không có sự chia sẻ, bố mẹ không thường xuyên nói chuyện với bé, bệnh của bé sẽ ngày càng nặng hơn. Thế là bệnh của con nhưng bố mẹ cũng đồng thời phải chữa bệnh của mình. Vợ tôi hay nói hơn, đặc biệt là với con.

    Ngoài sự tư vấn từ bác sĩ, cô ấy tự lên mạng tìm hiểu rồi về chia sẻ với tôi để hai vợ chồng cùng chung tay nuôi dạy con. Người ta nói “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, tình trạng con gái cải thiện dần cũng là lúc hai vợ chồng tôi tìm lại được sự đồng điệu trong tâm hồn, gia đình tìm lại được những tiếng cười đùa vui vẻ. Gia đình họ hàng cũng dần bị vợ thôi “cảm hóa”, giờ ai cũng yêu quý cô ấy”, anh Lộc vui vẻ chia sẻ.

    Còn gia đình chị Thanh, tính cách anh Lệ như vậy nên gia đình chị chưa bao giờ xảy ra cãi vã, xô xát vợ chồng nhưng chị không lấy đó làm hạnh phúc. Chị thèm được sẻ chia, thèm không khí rôm rả mỗi khi đi làm về, thèm có một người biết lắng nghe những cũng biết góp ý khi chị than vãn về công việc, những buồn bực trong cuộc sống. Chị thèm cả những tranh luận nảy lửa với chồng nhưng xem ra đó chỉ là niềm mong ước vì không có cách nào để thay đổi được tính nết của anh Lệ.

    “Cuộc hôn nhân dần trở thành một gánh nặng với tôi. Dù có gặp muộn phiền hay mệt mỏi gì cũng chẳng muốn dựa vào vai chồng, chẳng muốn chia sẻ cùng chồng. Rồi tôi có người đàn ông khác như một phần tất yếu để khỏa lấp sự thiếu thốn. Nhiều khi biết mình đang phản bội chồng, nhưng tôi không thể dừng lại, bởi với người đàn ông đó, tôi được sẻ chia, được trở về đúng với bản tính hoạt ngôn của mình, được có những cuộc trò chuyện cả ngày không biết chán”, chị Thanh tâm sự.

    Chuyện chị Thanh có người đàn ông khác cũng đến một ngày anh Lệ phát hiện ra. Những tưởng anh sẽ vì giận vì ghen mà mắng chửi vợ, thậm chí là ra tay đánh vợ. Thế nhưng, trái ngược với lẽ dĩ nhiên đó, anh chỉ trân trối nhìn vợ rồi im lặng vào phòng đóng cửa. Từ đó anh chị sống chung một mái nhà nhưng chẳng khác nào đang ly thân. Dấu hiệu của sự rạn nứt trong cuộc sống hôn nhân cả hai đều nhận ra nhưng chị Thanh đã mất hết nhiệt tình để hàn gắn.

    Vậy mới thấy, trong hôn nhân, nếu một trong hai là người kiệm lời “mãn tính” thì quan hệ vợ chồng sẽ gây ra sự nhạt nhẽo, lâu dần thành nỗi khó chịu, ám ảnh. Cũng giống như khi ăn một món luộc, ban đầu đó là sự thanh đạm, dễ chịu, nhưng nếu ngày nào cũng món đó thì lâu dần sẽ khiến người thưởng thức muốn... bỏ chạy. Thế nên với nhiều người, lấy phải người lắm lời có khi còn dễ chịu hơn gặp phải đối tượng ít nói.

    Phong Linh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-kho-khong-noi-nen-loi-khi-lay-phai-vochong-it-nhoi-a203733.html
    Làm gì khi lấy phải cô vợ keo kiệt?

    Làm gì khi lấy phải cô vợ keo kiệt?

    Vợ chồng tôi đã sống với nhau được 4 năm. Thế nhưng có một vấn đề khiến quan hệ giữa tôi và vợ thường xuyên bất hòa, đó là chuyện vợ tôi có tính keo kiệt.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Làm gì khi lấy phải cô vợ keo kiệt?

    Làm gì khi lấy phải cô vợ keo kiệt?

    Vợ chồng tôi đã sống với nhau được 4 năm. Thế nhưng có một vấn đề khiến quan hệ giữa tôi và vợ thường xuyên bất hòa, đó là chuyện vợ tôi có tính keo kiệt.