(ĐSPL) - Trong nhiều năm qua, có khá nhiều thông tinvề việc smartphone có thể bốc cháy liên quan đến sự kém an toàn của các bộ sạc Apple nhái tràn lan trên thị trường. Thực tế, bộ sạc nháinày đã gây những hiểm họa tiềm tàng gì?
Tiềm tàng những nguy hiểm
Ngoài trường hợp với Galaxy Note 7 đã bị thu hồi do vấn đề bốc cháy xảy ra có thể xuất phát từ thiết kế, thông thường các sự cố còn lại được cho là do sử dụng bộ sạc nhái giá rẻ đến từ các công ty bên thứ ba.
Vấn đề là làm thế nào để hiểu được mối nguy hiểm từ bộ sạc nhái? Nó có thể là rất nhiều hoặc cũng có thể một vài sản phẩm gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với “sức khỏe” của thiết bị và kể cả sự an toàn của riêng bạn. Một nghiên cứu của nhóm bảo vệ người tiêu dùng từ Anh quốc có tên Chartered Trading Standards Institute (CTSI) cho thấy một bộ sạc nhái sẽ gây ra rất nhiều mối nguy hiểm.
Các nhà điều tra đã tiến hành mua 400 bộ sạc dành cho sản phẩm Apple khác nhau, tất cả được mua trực tuyến và từ các nhà bán lẻ khác nhau trên thế giới. Những bộ sạc này sau đó được các chuyên gia thử nghiệm sốc điện cơ bản, bằng cách sử dụng điện áp cao hơn so với thông thường. Toàn bộ quá trình được giám sát bởi các chuyên gia an toàn của UL. Kết quả cho thấy, chỉ có 3 trong số 400 củ sạc vượt qua được bài kiểm tra, đồng nghĩa với 99% sản phẩm được thử nghiệm mất an toàn. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra một số mặt hàng thu được từ tổ chức từ thiện hoặc cửa hàng second hand (hàng cũ). Trong số này, có từ 15% đến 27% (tùy thuộc vào khu vực) cũng được cho là có khả năng gây mất an toàn.
Còn theo trang công nghệ hàng đầu thế giới PhoneArena, nguyên nhân còn nằm ở chỗ hệ thống dây điện bị lỗi dẫn đến ngọn lửa phát ra khi đang sạc pin, hoặc vấn đề khác có thể làm suy giảm chất lượng pin thiết bị, có thể dẫn đến những hiện tượng như iPhone hoặc iPad bỗng dưng bốc cháy trong túi quần, trên xe hoặc trên đầu giường.
Lời khuyên “vàng” từ các chuyên gia
Giám đốc điều hành viện Kiểm định Chất lượng Thương mại Anh Quốc - Leon Livermore đã đưa ra cảnh báo về việc khách hàng nên cân nhắc kỹ lưỡng khi tính đến chuyện mua những phụ kiện tràn lan ngoài thị trường cho smartphone hoặc các thiết bị công nghệ khác của mình: “Người dùng không nên mua các sản phẩm không an toàn để tránh hậu quả về sau. Dù hàng chính hãng có giá cao hơn nhưng chất lượng cũng tốt hơn bởi chúng được kiểm tra kỹ, phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn trước khi xuất xưởng”.
Livermore nhấn mạnh: "Nếu ham rẻ mà mua bộ sạc trôi nổi trên mạng, không chỉ thiết bị đang dùng bị hỏng hóc mà cuộc sống của bạn cũng có thể bị đe dọa. Những tai nạn cháy nổ gây thương vong gần đây do dùng sạc giả đã cho thấy điều đó".
Trước đó, Apple cũng mạnh tay với vấn nạn sạc giả tồn tại trên thị trường, khi tuyên bố khởi kiện Mobile Star LLC và hơn 50 bị đơn khác vì cố tình bán các phụ kiện giả mạo, trong đó có adapter, cáp... trên các kênh bán lẻ ở Mỹ. Dù cho nó là gì đi chăng nữa, đó là một lời nhắc nhở khá tốt đối với người dùng đã, đang và có ý định sử dụng các sản phẩm giá rẻ (bộ sạc nhái hoặc dây cáp nhái) khi sạc pin thiết bị trong thời gian dài. CTSI cũng khuyến cáo người dùng, nếu mua một thiết bị cũ người dùng cần kiểm tra chân cắm và dây dẫn của nó xem có tình trạng bất thường gì không, hoặc bề ngoài của nó có dấu hiệu va đập gì không. Và quan trọng hơn, cần xem kỹ dấu hiệu nhà sản xuất bộ sạc cụ thể. Đừng trao sự an toàn của mình vào vài trăm ngàn đồng tiết kiệm được khi mua bộ sạc nhái.