+Aa-
    Zalo

    Nỗi đau xé lòng của người mẹ có 3 con bị di chứng chất độc da cam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhìn gương mặt nhợt nhạt, ngây dại với ánh mắt vô hồn của những người con bị di chứng chất độc da cam của vợ chồng bà Năm, chúng tôi không sao cầm được nước mắt.

    (ĐSPL) - Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng hậu quả của nó để lại khiến cho bao gia đình phải chịu đau thương. Trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị Năm (SN 1957), trú tại khối 5, thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) cũng chịu nhiều đớn đau khi cả 3 đứa con sinh ra đều bị di chứng của chất độc da cam.

    Hỏi thăm gia đình bà Năm, những người trú tại khối 5, thị trấn Anh Sơn ai cũng thương cảm cho số phận và hoàn cảnh éo le khi ba người con sinh ra đều không lành lặn và khỏe mạnh. Được sự hướng dẫn nhiệt tình của người dân, chúng tôi đã tìm đến được nhà của bà Nguyễn Thị Năm, căn nhà nằm trong con ngõ nhỏ. Thấy có khách đến chơi, bà Năm gấp vội mấy bộ quần áo nhàu nát và những đồ dùng thường ngày mà các con vứt lộn xộn giữa nền nhà rồi mời chúng tôi vào nhà uống nước.

    Gặp chúng tôi, bà như được gặp người bạn tâm giao sau nhiều năm xa cách, uống xong cốc nước, bà "thao thao bất tuyệt" về quãng thời gian xông pha trên chiến trường thực hiện việc chữa trị vết thương cho các chiến sỹ. Kể về khoảng thời gian này, ánh mắt bà đầy niềm vui xen lẫn tự hào bao nhiêu thì khi trở về nỗi đau trong cuộc sống gia đình, nó lại khiến ánh mắt bà đờ đẫn, thất vọng bấy nhiêu.

    Qua cuộc trò chuyện với bà, chúng tôi hiểu được phần nào khó khăn, vất vả và nỗi đau mà bà cùng những người con phải gánh chịu trong bao nhiêu năm qua.

    Theo lời kể của bà Năm, bà và ông Nguyễn Văn Đề (SN 1951) có duyên gặp gỡ trong một lần ông Đề được chuyển tới điều trị tại Bệnh viện Quân y vào năm 1979.

    Ông Đề vốn sinh ra và lớn lên ở xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn. Năm 19 tuổi, ông xung phong vào bộ đội, tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường ác liệt. Trong suốt quá trình đó, ông bị thương 7 lần nên phải thường xuyên vào viện điều trị.

    Ngày đó, bà Năm là y tá của Bệnh viện Quân y 4, là người trực tiếp chăm sóc cho ông Đề. Theo thời gian, với sự dịu dàng, ân cần của nữ y tá Năm và lòng cảm phục sự dũng cảm, mạnh mẽ của ông Đề, hai người dần dần cảm mến nhau. "Sau khi ông ấy được xuất viện và điều về Trung đoàn 284 đóng quân ở Quảng Ninh, chúng tôi vẫn tiếp tục giữ liên lạc qua những lá thư", bà Năm chia sẻ.

    Tới năm 1984, tình yêu ấy đã chín, niềm khao khát một mái ấm hạnh phúc cũng đã lớn hơn, cả hai ông bà quyết định cùng kết duyên vợ chồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần mang thai, ước mong được làm cha, làm mẹ của ông Đề, bà Năm vẫn chưa được toại nguyện. 

    Sau bao năm cố gắng, đến năm 1987, ông trời không phụ lòng người, hai ông bà mới có được cô con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Dung. Niềm vui sướng và hạnh phúc vỡ òa chưa được bao lâu thì cặp vợ chồng phát hiện con mình phát triển không được bình thường như những đứa trẻ khác. Đến tuổi biết nói, biết đi, chị Dung không thể nói tròn vành rõ từng chữ, chân không thể đi đứng được. Việc ăn uống, vệ sinh cá nhân và chăm sóc sinh hoạt cho con vì thế đều trông cậy vào một tay bà Năm. Thương con, người làm mẹ ấy đã vất vả chắt chiu từng đồng với hy vọng có thể chữa trị, để con có thể mạnh khỏe như người thường. Nhưng đổi lại những giọt mồ hôi, nước mắt của tình mẫu tử chỉ là sự thất vọng trong đôi mắt đượm buồn của bà Năm.

    Vượt qua khó khăn, ông bà lại an ủi lẫn nhau sinh thêm hai người con nữa. Thế nhưng nỗi đau đó càng thêm chồng chất khi cả 2 người con trai lần lượt sinh ra sau này là Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Văn Thọ cũng không lành lặn giống như chị gái.

    26 tuổi, chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, chị Nguyễn Thị Dung chỉ biết ngồi một chỗ

    Tâm sự về hoàn cảnh của mình, bà Năm không khỏi nghẹn ngào: “Mãi sau này hai vợ chồng mới biết, con cái mình sinh ra đều bị di chứng chất độc da cam. Dung thì suốt đời không thể chăm sóc được cho bản thân, Sơn tuy sinh ra tuy lành lặn hơn chị nhưng lại khiếm khuyết về trí nhớ. Đến đứa thứ 3 là thằng Thọ cũng không lanh lợi như người khác”.

    Cuộc đời của bà Năm khi sinh ra 3 người con đều bị di chứng da cam tưởng chừng như đã là nỗi đau thắt ruột thắt gan, thế nhưng số phận của người đàn bà ấy lại thêm phần bất hạnh khi vào năm 2012 ông Đề đột ngột ra đi, để lại một mình bà vất vả với 3 đứa con bị di chứng chất độc da cam.

    Chồng mất chưa được bao lâu thì năm 2014, đứa con trai Nguyễn Văn Sơn cũng đột ngột qua đời do bị tai nạn giao thông. Chỉ trong thời gian ngắn, một mái ấm gia đình mà bà Năm vẫn luôn khao khát vun đắp đã mất đi 2 thành viên. Dù rằng trước đây ngày ngày phải chăm sóc 3 người con bị di chứng da cam nhưng dẫu sao đó là một gia đình đầy đủ, nhưng giờ chỉ còn lại một mình bà với hai đứa con tật nguyền.

    Từ ngày chồng mất, mọi gánh nặng gia đình chất lên đôi vai gầy của bà Năm. Tất cả mọi sinh hoạt cá nhân của hai người con còn lại cũng đều phải nhờ vào đôi bàn tay thô ráp, yếu ớt của người mẹ ấy. “Bản thân tôi nay đau, mai ốm, trong nhà kinh tế càng thêm khó khăn. Hàng tháng để có đủ chi phí thuốc men cho 3 mẹ con, ngoài những đồng tiền phụ cấp, tôi phải vay mượn khắp nơi. Thời gian đó, vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống của các con tôi cố xoay xở đi mượn tiền của họ hàng, làng xóm chứ sau này, nợ trước chưa trả thì sao tôi dám đi mượn thêm của họ nữa", nói đoạn, bà lại nấc lên, đờ đẫn, nước mắt chực trào... 

    Mọi sinh hoạt của 2 con tật nguyền đều do một tay bà Năm lo liệu

    Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Phòng Lao động thương binh và Xã hội cho hay: "Từ ngày nghỉ hưu theo chế độ, gia đình bà Năm vẫn được hưởng chế độ thương binh liệt sĩ (ông Đề tham gia kháng chiến và là thương binh 81\%, đến khi mất thì hưởng chể độ liệt sĩ - PV). Con cái ốm yếu, sinh ra kém may mắn nên một mình bà Năm phải quán xuyến mọi việc, dù có chế độ hỗ trợ nhưng cũng chỉ được phần nào. Trong nhà cũng không có nguồn thu nhập chính nên gia cảnh rất khó khăn. Chúng tôi vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên bà Năm cố gắng vượt qua những mất mát, đau thương trong cuộc sống. Bà con hàng xóm ở đây cũng không khá giả mấy nên cũng chỉ giúp được cho gia đình bà Năm một phần nào. Chúng tôi rất mong cộng đồng xã hội nối rộng vòng tay quan tâm, hỗ trợ cho hoàn cảnh của gia đình bà ấy để bà cùng các con sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn".

    Đất nước im tiếng súng đã gần 40 năm, người lính Nguyễn Văn Đề sau khi hoàn thành nghĩa vụ, trở về quê hương những mong có một tổ ấm, vun vén hạnh phúc nhỏ nhoi nơi làng quê, xóm bản của mình. Thế nhưng cái chất độc da cam chết người ấy vẫn bám riết cuộc đời ông, cướp đi của ông tất cả. Để đến khi ông ra đi, nỗi đau ấy vẫn dai dẳng, bám riết lấy người vợ và hai đứa con tật nguyền của ông.

    Nhìn gương mặt nhợt nhạt, nụ cười ngây dại với ánh mắt vô hồn của chị Dung và anh Thọ bên người mẹ già, chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Buồn thương cho anh chị bao nhiêu càng đau với nỗi đau mà bà Năm và người thân của anh chị phải chịu đựng bấy nhiêu. Những mảnh đời bất hạnh ấy đang cần lắm sự quan tâm, chia sẻ của các nhà hảo tâm để xoa dịu đi phần nào nỗi đau da cam đang hằn sâu ngàn đời này...

    Mọi sự đóng góp, giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về:

    - Bà Nguyễn Thị Năm (SN 1957)

    trú tại khối 5, thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An

    - Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung

    Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.

    ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010;

    Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung.


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-dau-xe-long-cua-nguoi-me-co-3-con-bi-di-chung-chat-doc-da-cam-a106512.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.