+Aa-
    Zalo

    Nỗi đau của cháu gái bị ông “hại đời”, sinh em bé

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mang thai rồi sinh con ở cái tuổi 14, khiến cuộc sống em K.N (SN 2000) bị đảo lộn mọi thứ. Em phải bỏ ước mơ cắp sách đến trường, tâm lý hoang mang...

    (ĐSPL) - Trên dãy ghế dành cho người bị hại, một bên là cha một bên là mẹ buồn rầu, cô con gái 14 tuổi bị thiểu năng trí tuệ ngồi giữa cha mẹ mình im lặng không nói gì, khuôn mặt em thẫn thờ, dòng nước mắt cứ chảy dài trên gò má. Đôi mắt vô tư, hồn nhiên ngày nào của em giờ chỉ đọng lại phảng phất nỗi buồn. Mang thai rồi sinh con ở cái tuổi 14, khiến cuộc sống em K.N (SN 2000) bị đảo lộn mọi thứ. Em phải bỏ ước mơ cắp sách đến trường, sống thu mình lại và  trở nên sợ sệt mọi thứ…
    Khi bị cáo Trần Mậu Quốc (53 tuổi), xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) từ xe tù bước xuống đi ngang qua, người nhà bị hại đứng dậy vừa căm phẫn vừa xót xa. Nhiều người dự khán tỏ ra ái ngại trước cảnh tượng “ông – cháu” dắt nhau ra tòa.
    Nước mắt muộn màng của “yêu râu xanh”
    Giữa nhà bị hại và bị cáo vốn là họ hàng thân thích với nhau. Cha bị hại gọi vợ bị cáo Trần Mậu Quốc là cô họ (hay còn gọi là o) nên tin tưởng, để con thường xuyên qua nhà Quốc chơi. Không ngờ, vào một ngày tháng 5/2013, khi K.N tới chơi, ông Quốc đã dụ dỗ, chơi trò “người lớn” với cháu ngay tại nhà của mình. Lúc đó, K.N mới 13 tuổi và bị bệnh thiểu năng trí tuệ. Chưa thỏa mãn dục vọng của mình, 10 ngày sau, khi K.N dẫn em trai của mình tới chơi với cháu ngoại của Quốc thì Quốc tiếp tục hành vi đồi bại với cháu. Đến khi cha mẹ của cháu K.N. thấy cháu có biểu hiện bất thường, bụng to dần, liền đưa K.N. tới bệnh viện khám. Các bác sĩ cho biết, cháu K.N đã mang thai tuần thứ 17. Hành vi đồi bại của Quốc bị phát hiện. Quá căm phẫn, ba mẹ cháu K.N. đã làm đơn tố cáo Quốc.
    Đến tháng 2/2014, cháu K.N. sinh một bé trai. Kết quả giám định AND khẳng định Trần Mậu Quốc (53 tuổi) chính là cha của đứa bé. Bị cáo bị đưa ra  TAND tỉnh Quảng Trị xét xử về tội “Hiếp dâm trẻ em”.
    Nỗi đau của cháu gái bị ông “hại đời”, sinh em bé
    Cha bé K.N đại diện nạn nhân, trả lời trước tòa (đứng phía sau lưng bị cáo Quốc)
    Tại phiên tòa phúc thẩm, hầu hết là họ hàng và người trong làng tham dự. Không khí phiên tòa rất yên ắng và lặng lẽ, nhiều người đều tỏ ra ái ngại, thở dài  trước sự việc không thể cứu vãn. Còn bị cáo Quốc chỉ biết cúi gằm mặt che đi nỗi xấu hổ ê chề. Dáng người gầy guộc, khuôn mặt khắc khổ với bản tính hiền lành khiến nhiều người không thể ngờ người đàn ông ấy lại gây ra chuyện tày đình, trái với luân thường đạo lý đến thế. Ở cái tuổi ngũ tuần, đáng lẽ ông Quốc nên làm những việc có ích hơn, lo cho vợ con… đằng này chỉ vì sự “ham hố” đã đẩy ông vào vòng lao lý, gây đau thương cho biết bao người.
    Thỉnh thoảng, chúng tôi thấy, đôi mắt của Quốc ngấn lệ biểu hiện sự ăn năn, hối cải về hành vi sai trái của mình. Bị cáo không dám lần nào quay đầu tìm người thân. Đôi mắt của Quốc chỉ biết cúi xuống không thì dán mắt lên bức tường phía trước.
    Khi tòa hỏi bị cáo nghĩ gì mà nhẫm tâm làm hại cuộc đời của một đứa bé, lại là bà con, gọi mình bằng ông? Bị cáo chỉ biết cúi gằm mặt xuống vành móng ngựa, im lặng không trả lời được. Một lúc sau, Quốc mới dám cất tiếng bị cáo biết sai rồi, bị cáo ân hận lắm.
    Còn về phía cháu K.N, suốt buổi em chỉ ngồi im lặng không nói gì, khuôn mặt em thờ thẫn, dòng nước mắt cứ chảy dài trên gò má. Những câu hỏi của tòa, đều được bố của em K.N đại diện trả lời hộ.
    Sau khi vụ việc đau lòng trên xảy ra, việc bồi thường được hai gia đình thỏa thuận. Theo đó, bị cáo Quốc phải bồi thường 40 triệu đồng cho em K.N. Tuy nhiên, Quốc chỉ mới bồi thường được 30 triệu đồng.
    Mặc dù rất căm phẫn trước hành vi đồi bại của Quốc nhưng gia đình người bị hại đã làm đơn xin giảm án cho Quốc. Mẹ của bị hại cho biết: “Vì ông ấy (Quốc) đã ăn năn, hối cải, phía gia đình ông ấy cũng đã có bồi thường thiệt hại, một phần cũng vì là họ hàng nên mới xin giảm án chứ lúc đầu cũng uất ức, căm phẫm lắm không muốn giảm án, để cho tòa xử cho đúng pháp luật”.
    Khi được tòa cho nói lời sau cùng, Quốc khóc và ận hận về hành vi sai trái của mình và xin HĐXX khoan hồng, giảm án nhẹ để sớm với gia đình và hòa nhập cùng cộng đồng.
    Trong quá trình phúc thẩm, HĐXX nhận thấy bị cáo Quốc có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: gia đình có công với cách mạng, bị cáo đã bồi thường thiệt hại, cùng với lời yêu cầu xin giảm án của gia đình bị hại nên đã xem xét giảm án phạt cho Trần Mậu Quốc từ 20 năm tù xuống còn 19 năm tù.
    Nỗi đau in hằn
    Gạt dòng nước mắt mặn đắng, bà Dương Thị Diến (75 tuổi – bà ngoại cháu K.N) nghẹn ngào: “Tội nghiệp con bé. Nó còn quá nhỏ để chịu đựng nỗi đau này. Không biết rồi đây, con bé có vượt qua được cú sốc để tiếp tục sống không nữa. Từ khi sinh con đến giờ, sức khỏe nó giảm sút trầm trọng. Không những vậy tính cách cũng thay đổi rất nhiều, nó trở nên lầm lì, ít nói và không dám tiếp xúc với người ngoài. Nhiều đêm cháu ngủ bỗng tỉnh dậy hoảng hốt giật mình do bị ám ảnh cảnh ông Quốc làm hại. Tôi thật không hiểu tại sao Quốc lại có thể làm cái việc đồi bại với cháu tôi như thế”.
    Từ khi phát hiện ra mình có thai, cháu K.N cũng không thể đến trường được nữa vì ái ngại với bạn bè. Đồng thời, em cũng thu mình hơn bởi đi đâu, người ta cũng nhìn em với ánh mắt thương hại khiến em càng cảm thấy khốn khổ hơn.
    Chị Liên (mẹ cháu K.N) cho biết thêm: “Gia đình không khá giả gì, kinh tế chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, để có thêm thu nhập vợ chồng tôi kiếm thêm việc khác nên chúng tôi đi làm quần quật suốt ngày. Nhà có 3 đứa con mà chỉ có bé K.N là bị thiểu năng trí tuệ. Cũng do bận bịu công việc không chăm lo cho cháu được nên hay đem cháu gửi hộ nhờ bà con trông nom. Cứ tưởng gửi bà con giữ là yên tâm… Vậy mà không ngờ một đứa trẻ bị thiểu năng lại là cháu chắt mà ông Quốc nỡ làm bậy bạ như rứa với cháu. Khi đầu tôi cũng không nghĩ chồng của cô có thể nhẫn tâm làm chuyện tầy đình đó với cháu, tôi còn nhớ lúc chồng tôi đem thằng anh nó đi thi đại học, chồng tôi bảo cháu nó ở nhà ngoan về ba mua quà cho. Vậy mà K.N nói với hai chúng tôi là mua cho con khẩu súng để con bắn chết ông Quốc. Khi gia đình hỏi vì sao mà mua súng bắn ông Quốc thì K.N nói là do ông Quốc hay đụng chạm người con, con ghét ông lắm. Hai vợ chồng tôi cứ tưởng con gái nói đùa, nên bảo nó ông Quốc chỉ chọc con đó chứ ông tốt tính, hiền lành lắm. Ai ngờ, ông Quốc lại làm vậy với con tôi. Thật là phẫn uất, vừa giận vừa xót xa. Thấy chồng của cô đi tù 19 năm như vậy chúng tôi cũng xót xa cho cô lắm, giá mà ông ấy (Quốc) biết kiềm chế những ham muốn dục vọng đê hèn như vậy thì sẽ không có chuyện đau lòng xảy ra đối với con gái tôi, và cũng không phải chịu cảnh tù tội”.
    Còn về cháu K.N khi bị Quốc dở trò đồi bại, cháu sợ quá không dám nói cho gia đình biết. Bản thân bị thiểu năng trí tuệ nên cháu cũng không thể nhận thức được hậu quả việc làm đê hèn của ông Quốc, cháu chỉ im lặng. Vì thế, Quốc mới có cơ hội lần thứ 2 làm chuyện “đồi bại” với cháu. Để đến khi ba mẹ cháu mới để ý phát hiện bụng ngày to ra, người phổng phao thì gặng hỏi cháu mãi, cháu mới nói ra sự thật. Khi này cái thai trong bụng cháu quá to nên gia đình phải giữ lại.
    Vì gia đình kinh tế khó khăn không thể chăm lo nuôi dưỡng được đứa con mà cháu K.N sinh ra nên gia đình chị Liên đã đem cho người khác nuôi dưỡng.
    Về phía bị cáo Quốc được người làng nhận xét là một người hiền lành, chất phác, biết chịu thương chịu khó chăm lo cho gia đình. Khi mà chuyện vỡ lở bà con trong làng biết được ai cũng rất bất ngờ, họ không ngờ một người bản tính hiền lành như Quốc có thể làm việc đê hèn với cháu chắt của mình như vậy.
    Từ ngày cháu K.N bị ông Quốc làm cho mang thai, gia đình chị Liên cũng ít qua lại với nhà cô của mình. Chị Liên nói: “Gia đình cô cũng khó khăn lắm, có 4 đứa con cũng đang độ tuổi ăn học. Khó khăn vậy mà cô đã bồi thường cho cháu K.N 30 triệu đồng. Chắc giờ nhà cô đang nợ nần, chồng chất. Cô không có tội, nhưng cứ nhìn cô là gợi cho chúng tôi nhớ lại nỗi đau của con gái”…
    Cháu ngoại của tôi đã chào đời gần 7 tháng (con của K.N) nhưng chúng tôi không thể giữ đứa cháu này để nuôi được nên cho một người khác nuôi. Phần gia đình tôi kinh tế cũng khó khăn, sâu xa hơn chúng tôi lo cho tương lai sau này của K.N nên chúng tôi quyết định không để cho mẹ con nó gặp nhau lần nào. Nhiều lúc nhớ cháu nó lắm nhưng biết làm sao được…”, chị Liên tâm sự.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-dau-cua-chau-gai-bi-ong-hai-doi-sinh-em-be-a50043.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan