+Aa-
    Zalo

    Nỗi bất hạnh của cụ ông trở về từ “cõi chết” ở nhà tù Phú Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sống sót trở về sau những ngày tháng bị tra tấn giam cầm ở nhà tù Phú Quốc, người Anh hùng Lực lượng vũ trang năm nào vẫn đang phải chịu sự bất hạnh của số phận.

    Sau cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, cụ Nguyễn Đình Ân (80 tuổi), trú tại khối 1, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An may mắn sống sót trở về từ “cõi chết” ở nhà tù Phú Quốc. Tuy nhiên, cay đắng thay không những con mà cháu của ông cũng bị nhiễm chất độc màu da cam.

    [presscloud]8612[/presscloud]

    Chúng tôi đến thăm nhà cụ Ân vào một ngày mưa rơi rả rích. Ngôi nhà cụ không có gì giá trị ngoài bộ bàn ghế đặt ở gian chính. Chúng tôi không tin vào mắt, ở giữa thị trấn sầm uất vẫn tồn tại một ngôi nhà không thể nát hơn thế. Tường nhà đã bị đổ tạo thành một lỗ hổng lớn. Nhìn nó như chỉ cần một cú đẩy nhẹ có thể đổ sập toàn bộ ngôi nhà lúc nào không biết. Hễ có mưa xuống là những chiếc xô, chậu,… trong nhà lại được “huy động” hết công suất. Ngày rét, gió luồn vào nhà cắt da, cắt thịt. Ấy vậy mà ngôi nhà đó chính là nơi trú ngụ hàng chục năm nay của đại gia đình ông Ân. 

    Trong buồng, cụ Ân vẫn nằm co quắp không thể đi lại được vì đôi chân bị khớp. Thấy chúng tôi đến, cụ Ân cố gắng ngồi dậy thều thào ít câu: “May mắn trở về từ địa ngục ấy, tôi cứ nghĩ đã có thể sống cùng gia đình. Ông trời không cho tôi được một cuộc sống hạnh phúc. Sinh ra 4 đứa con trớ trêu thay 2 đứa bị nhiễm chất độc do chiến tranh để lại, vợ tôi cũng bị bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Không lâu sau, một đứa con tật nguyền cũng bỏ tôi mà ra đi. Giờ tôi còn lại 3 đứa con. Đứa con tật nguyền còn lại của tôi vẫn lấy vợ nhưng không ngờ thứ chất độc tai ác đó đến đời cháu tôi vẫn phải gánh chịu”.

    Mấy thế hệ nhà cụ Ân sống trong ngôi nhà dột nát. 

    Cụ Nguyễn Đình Ân nhớ lại thời đi kháng chiến bị giặc bắt vào tù ở Phú Quốc, tra tấn hết sức dã man. Không những đánh đập, chúng còn bấm hết răng của cụ. Đó là khoảng thời gian đau đớn về thể xác nhất cuộc đời. Cho đến nay, bây giờ vẫn còn những viên đạn găm trong người chiến sĩ già ấy.

    “Chúng tra tấn rất dã man. Nó không nhổ hết răng của tôi đi cùng lúc mà bấm sâu dần vào thịt để răng tự thối và rụng dần. Giờ trên hai chân tôi còn đạn nằm trong đó nhưng không thể mổ lấy đi được. Bác sĩ bảo nếu lấy ra thì phải mất hẳn đôi chân này. Vì khoảng thời gian tra tấn đó, cộng với bị nhiễm chất độc da cam nên giờ sức khỏe tôi yếu hẳn. Chân không cử động được, lại thêm bệnh tim và phổi nên chỉ biết nằm ở giường”, cụ nói với hơi thở khó nhọc.

    Bức tường đã bị sập một tảng lớn. 

    Sinh ra với thân hình còi cọc, trí não chậm phát triển, anh Nguyễn Đình Thành (42 tuổi), con trai cụ Ân tưởng rằng sẽ không có được mái ấm hạnh phúc cho riêng mình. Thế nhưng may mắn vẫn có một người phụ nữ tình nguyện kết hôn với anh. Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn vẹn thì con trai đầu lòng của anh là Nguyễn Đình Hoan sức khỏe yếu từ nhỏ. Đến nay đã 16 tuổi nhưng trông Hoan cũng chỉ bé bằng những em học lớp 6, lớp 7.

    Khi vợ anh mang bầu đứa thứ hai là Nguyễn Thị Hằng (12 tuổi) cả gia đình đều nuôi hy vọng cháu sẽ bình thường như bao đứa trẻ khác. Trớ trêu thay, bác sĩ lại chẩn đoán cô bé bị nhiễm chất độc màu da cam nên trí não chậm phát triển. Đã bước sang tuổi 12, Hằng vẫn chưa biết nói, chỉ biết cười và ú ớ, ngây ngô. Đã vậy, vợ anh lại sức khỏe yếu không làm được công việc nặng. Cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy đồng tiền trợ cấp ít ỏi của anh Thành và bé Hằng.

    Cụ Ân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

    Không có tiền, anh Thành phải vay ngân hàng để dựng căn phòng ở tạm cho vợ con có chỗ chui ra chui vào vì ngôi nhà cụ Ân quá nhỏ, hơn nữa có thể sụp bất cứ lúc nào. Nguồn kinh phí có hạn, vợ chồng anh chỉ có thể dựng tạm căn phòng để ở chứ không có tiền mua giường. Bốn cha con mẹ con phải nằm giữa đất, mùa mưa thì ẩm thấp, mùa rét thì lạnh thấu xương. Cả nhà chỉ biết ôm lấy nhau để sưởi ấm.

    Trong cuộc sống nghiệt ngã với gia đình cụ như thế, may mắn thay ở tuổi gần đất xa trời, cụ vẫn có người chấp nhận về làm bầu bạn, chăm sóc khi tuổi cao sức yếu. “Tuổi chúng tôi giờ đến với nhau chỉ vì lòng thương cảm và muốn cùng nhau nương tựa tuổi già. Tôi ngưỡng mộ ông ấy với tinh thần thép của mình có thể đối đầu với kẻ thủ. Khi thấy hoàn cảnh gia đình như vậy, tôi lại thấy thương ông hơn và có ý nghĩ rằng muốn về làm người bạn già để tiện bề chăm sóc”, bà Lê Thị Nguyệt (60 tuổi), vợ cụ Ân xúc động nói.

    Trong ngôi nhà bé nhỏ ấy, giờ đây người được coi khỏe mạnh nhất là bà Nguyệt. Bà thương chồng, thương con và cháu như máu mủ ruột thịt của mình. Mọi việc từ bé đến lớn trong nhà đều một tay bà lo hết, từ dọn dẹp, nấu ăn. Bà chăm sóc ân cần cho chồng và mấy đứa con của ông Ân. 

    Cụ Ân năm nay đã gần 55 tuổi Đảng với biết bao huân huy chương kháng chiến. Lúc trở về quê nhà, chính cụ là một trong những người đi tập kết mộ liệt sĩ tại nghĩa trang của huyện và trông coi nghĩa trang tận 12 năm. “Thằng Thành tàn tật, vợ nó cũng yếu nên chẳng làm được gì nặng nhọc. Đã vậy, hai đứa con còn lại của tôi gia đình chúng nó làm ăn cũng chẳng khấm khá gì. Nhìn các con khổ mà phận làm cha như tôi không giúp được gì cho chúng cả. Ước nguyện xây căn nhà mới cho đứa con tội nghiệp mà nay vẫn chưa thực hiện được. Chắc tôi chết mà không nhắm mắt được”, cụ Ân nghẹn ngào nói.

    Cụ Nguyễn Đình Mão, bạn kháng chiến đồng thời là hàng xóm nhà cụ Ân chia sẻ: “Ông Ân với tôi đều từ địa ngục tù Phú Quốc trở về quê hương. Hiện giờ tôi đã được nhận hỗ trợ làm nhà mới. Thế nhưng ông ấy với ngôi nhà xuống cấp ở mức báo động đỏ như thế lại chỉ được nhận hỗ trợ sửa nhà và số tiền đó chỉ được bàn giao khi gia đình tiến hành tu sửa”.

    Ông Nguyễn Công Thắng, công chức chính sách Văn hóa – Xã hội thị trấn Dùng cho biết: “Gia đình ông Ân là trường hợp đặc biệt khó khăn của thị trấn. Cả ba đời liên tiếp bị nhiễm chất độc màu da cam. Tuy nhiên vì ông là chiến sĩ cách mạng được hưởng chế độ nên cả gia đình không được hưởng chế độ hộ nghèo. Chỉ có anh Thành - con ông Ân được thuộc đối tượng hộ cận nghèo. Khi thấy nhà ông có nguy cơ sập đến nơi như vậy tôi cũng rất muốn giúp đỡ ông làm thủ tục hỗ trợ xây nhà mới nhưng đó là điều không thể”.

    Theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ làm nhà cho người có công năm 2015, gia đình ông chỉ được nhận tiền hỗ trợ sửa nhà chứ không được hỗ trợ xây nhà mới. “Năm 2014, gia đình ông làm đơn lên thì nhà ông lúc đó chưa đến mức hư hỏng nặng như bây giờ. Bây giờ lại phải làm lại đơn và chờ đợi được phê duyệt. Tôi rất mong các nhà hảo tâm gần xa có thể giúp gia đình ông ít nhiều để xây được ngôi nhà tránh mưa tránh gió”, ông Thắng chia sẻ thêm.

    Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

    - Ông Nguyễn Đình Ân, khối 1, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Số điện thoại:0981575478, chị Năm, con dâu ông Ân. 

    - Hoặc, Báo điện tử Người Đưa Tin, tầng 4, toà nhà Star Tower, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Số tài khoản: 19129185908996, ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, chi nhánh Hoàn Kiếm, phòng giao dịch Lĩnh Nam; chủ tài khoản: Báo điện tử Người Đưa Tin.

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-bat-hanh-cua-cu-ong-tro-ve-tu-coi-chet-o-nha-tu-phu-quoc-a267788.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan