+Aa-
    Zalo

    Nỗi ân hận của người soát vé để những kẻ khủng bố lên máy bay ngày 11/9

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cựu nhân viên sân bay đã kiểm tra 2 trong số những không tặc lên máy bay tấn công vào Lầu Năm Góc ngày 11/9 đã chia sẻ về cảm giác tội lỗi trong hơn 10 năm qua.

    Cựu nhân viên sân bay đã kiểm tra 2 trong số những không tặc lên máy bay tấn công vào Lầu Năm Góc ngày 11/9 đã chia sẻ về cảm giác tội lỗi trong hơn 10 năm qua.

    Ông Vaughn Allex, cựu nhân viên soát vé tại sân bay Dulles. Ảnh: ABC7 News

    Vào ngày 11/9/2001, ông Vaughn Allex là nhân viên soát vé làm việc tại sân bay Dulles, bang Virginia. Trong kí ức của ông, đó là ngày ông đã để 2 hành khách đến muộn lên chuyến bay số hiệu 77 của hãng American Airlines. Chỉ vài giờ sau đó, chiếc máy bay này đã bị cướp và lao vào Lầu Năm Góc khiến 184 người thiệt mạng.

    Đó là một quyết định ám ảnh ông cho đến ngày nay. "Không một ngày nào trôi qua mà tôi không có cảm giác tội lỗi, ân hận”, ông Allex nói với KCBY.

    Một ngày sau khi thảm kịch xảy ra, đến ngày 12/9, các đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã đến nhà ông Allex. Trong danh sách nghi phạm FBI đưa cho ông, Allex đã nhận ra 2 cái tên Salem và Nawaf Alhazmi chính là 2 hành khách đến muộn mà ông đã cho lên máy bay. Sau đó, chúng cùng 3 tên khác đã cướp máy bay và gây ra vụ tấn công chết người.

    “Tôi nhìn vào các đặc vụ FBI và họ nhìn vào tôi, dường như họ đã biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi nói rằng: Tôi đã làm vậy phải không? Họ trả lời: Ông làm gì cơ? Tôi nói: Tôi đã để chúng lên máy bay", Allex nhớ lại.

    Những kẻ khủng bố cướp máy bay lao vào Lầu Năm Góc khiến 184 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters

    Cả FBI và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đều kết luận rằng ông Allex không làm gì sai. Nhưng điều đó chẳng không giúp ông dịu đi cảm giác tội lỗi của chính mình cũng như sự tức giận từ các đồng nghiệp. Mỗi ngày đi làm ông đều đối mặt với sự cô đơn và biệt lập. Không một ai muốn nói chuyện với ông.

    Ngay cả trong những nhóm hỗ trợ (nhóm những người có chung một mối quan tâm, tới gặp nhau trò chuyện để giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn), ông cũng không thể giãi bày lòng mình với những người cùng tham gia.

    “Tôi biết làm như thế nào khi ngồi trong một căn phòng nhìn mọi người đang khóc lóc và hỏi mình rằng: Ông có liên quan gì tới thảm kịch này? Tôi biết trả lời họ ra sao? Tôi khó có thể thừa nhận rằng, vâng, tôi đã làm thủ tục cho những kẻ không tặc và cho chúng lên được máy bay”.

    Và ông Allex lại càng dằn vặt, đau khổ khi một khách hàng kể lại rằng chồng của cô là một trong những nạn nhân thiệt mạng trong vụ 11/9. Ông thậm chí còn nghe nhầm thành: “Chính ông đã giết chồng tôi vào ngày 11/9”.

    Ông Allex may mắn khi vẫn còn gia đình và những người bạn thân ở bên cạnh giúp đỡ ông vượt qua nỗi ân hận. “Mọi việc đều tệ, giống như là một cái hố không đáy”, ông Allex chia sẻ về những cảm xúc tiêu cực của mình. Vào năm 2008, ông đã nghỉ việc ở hãng hàng không và chuyển sang công tác tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ.

    Mỗi năm ông đều đến thăm Đài tưởng niệm Quốc gia vào ngày 11/9. Hiện tại, ông cảm thấy nỗi ám ảnh đã vơi bớt. “Tôi thực sự đã đi ra khỏi cái bóng tội lỗi trong vòng 15 năm qua", ông nói với NPR.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Daily Mail)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-an-han-cua-nguoi-soat-ve-de-nhung-ke-khung-bo-len-may-bay-ngay-119-a243610.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan