Những trận đòn thừa sống thiếu chết từ người cha say rượu khiến tình phụ tử mà anh em Nguyễn Văn Long dành cho người cha vũ phu vốn đã ít càng thêm nhạt dần. Họ đã nảy sinh ý định hại chết cha đẻ của mình và phải trả giá bằng những năm tháng chôn vùi tuổi xuân trong chốn lao tù. Mỗi khi nghĩ đến mẹ già ở ngoài phải chịu tai tiếng, Long lại không thôi ân hận.
Em rủ anh hại cha
Nhắc lại chuyện tày trời gây ra cách đây 10 năm, Nguyễn Văn Long (SN 1989, hộ khẩu thường trú tại khu 4, xã Tạ Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ) không giấu nổi nỗi buồn bã: “Lúc nóng giận thì vậy đấy nhưng sau đó nghĩ lại thì thấy mình sai rồi. Từ ngày bị bắt, lương tâm tôi lúc nào cũng cảm thấy nặng trĩu”. Đôi mắt nhìn xa xăm, Long bảo, không chỉ bản thân tự đánh mất tuổi xuân của mình mà còn khiến cả anh trai cũng vướng vòng lao lý. Long hiện đang khoác áo phạm nhân, cải tạo bản án 20 năm tù về tội Giết người.
Theo tài liệu, do thường xuyên bị bố là ông Nguyễn Văn Chung đánh đập, ngược đãi nên Long bàn với anh trai là Nguyễn Văn Sản xuống tay với bố cho hả giận. Theo kế hoạch, cả hai sẽ chọn ngày cưới của chị gái để thực hiện việc làm bất hiếu của mình. Sản đồng ý với kế hoạch của em trai.
Ngày 25/7/2007, gia đình ông Chung tổ chức đám cưới cho con gái nên một số người họ hàng có đến giúp việc quét dọn, kê bàn ghế và nấu cỗ. Chiều cùng ngày, Long xuống khu nấu ăn, lén cầm con dao làm bếp của một người họ hàng rồi đem cất xuống gầm giường Long và Sản nằm ngủ.
Khoảng 22h cùng ngày, bàn thờ nhà ông Chung đổ, gây tiếng động lớn khiến bà Vệ là vợ ông Chung, lúc đó đang ngủ trong buồng tỉnh giấc. Nghĩ là có trộm nên bà Vệ chạy ra ngoài sân quan sát. Long kéo tay anh trai rồi thì thầm vào tai Sản: “Anh ra ngoài giữ mẹ để em vào giết bố”. Sản nghe lời em trai, chạy ra ngoài sân giữ bà Vệ còn Long lấy con dao bầu giấu dưới gầm giường đi vào buồng. Lúc này ông Chung do say rượu nên ngủ mê mệt không biết gì, bị Long cầm dao đâm liên tiếp vào người, chỉ cất tiếng kêu ú ớ.
Nghe tiếng bùm bụp trong nhà, bà Vệ tưởng trộm vào trong nhà đang đánh nhau với chồng con mình liền cất tiếng kêu thì bị Sản bịt mồm, giữ tay không cho chạy. Đến khi thấy Long đi ra nói “xong rồi”, Sản mới buông tay mẹ rồi cả hai anh em dắt xe đạp đèo nhau đi trốn. Tuy nhiên, khi mới ra tới đầu ngõ, nghe tiếng mẹ kêu cứu thì cả hai biết không giấu được việc làm tội lỗi của mình nên đã cùng nhau tới nhà Trưởng công an xã đầu thú.
Các phạm nhân lao động. Ảnh minh họa |
Tại phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Văn Long bị kết án chung thân do hành vi man rợ, quyết tâm thực hiện đến cùng. Còn Nguyễn Văn Sản, với vai trò giúp sức tích cực nên bị kết án 15 năm tù. Tuy nhiên, do có đơn kháng cáo và đơn xin giảm nhẹ hình phạt của bà Vệ, vừa là vợ nạn nhân và cũng là mẹ của Long và Sản nên tại phiên tòa phúc thẩm, Long bị kết án 20 năm tù còn Sản bị tuyên phạt 12 năm tù giam. Cả hai anh em cùng về trại giam Quyết Tiến cải tạo.
“Khi xuống tay với bố, tôi chỉ có một suy nghĩ rằng đó là cách duy nhất để giải thoát cho tôi, mẹ và anh trai khỏi những trận đòn thừa sống thiếu chết của bố. Nhưng khi bị bắt, tôi hiểu việc làm của mình là sai rồi. Tới khi gặp mẹ ở tòa, nhìn nét mặt đau khổ của mẹ, tôi nhận ra rằng tôi không giải thoát được cho ai cả mà còn làm mọi người khổ thêm”- phạm nhân Nguyễn Văn Long bộc bạch.
Day dứt cả đời bản án lương tâm
Theo lời Long kể thì anh ta là con trai út trong nhà. Mặc dù là con út nhưng Long lại là đứa con thiệt thòi nhất nhà bởi ngay từ lúc lọt lòng, Long đã thiếu đi tình cảm của người bố. Người cha sau khi vợ ôm bụng bầu đi đẻ đã lặng lẽ bỏ nhà đi theo một bóng hồng khác. Long lớn lên nhờ vào tình yêu thương của mẹ và sự đùm bọc của các anh chị.
Nhưng gia cảnh quá nghèo, mẹ Long lại chỉ có nghề làm ruộng, một mình nuôi 5 đứa con thơ thì việc lo ăn cho mấy miệng ăn cũng là gian khó lắm rồi, thành thử Long chưa một ngày được cắp sách tới trường. Cậu cứ như cây cỏ dại lớn lên từ những củ khoai, củ sắn do mẹ trồng cấy. Đến khi Long đã có thể cùng anh trai đi làm thuê kiếm tiền về phụ với mẹ thì người bố đột ngột trở về.
Sự xuất hiện của người cha sau hơn chục năm vắng bóng, không được bọn trẻ hào hứng đón nhận. Đáng ra phải cảm nhận hố sâu ngăn cách giữa cha và con do chính mình gây ra để tìm cách lấp đầy, chuộc lỗi thì ông Chung lại có cách hành xử tiêu cực, gia trưởng. Ông lấy quyền làm cha để ép buộc các con phải đáp ứng những yêu cầu của mình, nếu không hài lòng sẽ dùng vũ lực để uy hiếp. “Từ ngày bố tôi trở về, cuộc sống của mấy mẹ con tôi không còn được bình yên như trước. Bố ngày nào cũng uống rượu đến say rồi kiếm cớ đánh mẹ, hành hạ chúng tôi” - Long kể.
Ngay cả hai cô con gái, ông Chung cũng đánh không thương tiếc. Theo bản án thì ông Chung đã có lần đánh con gái lớn gãy 2 răng cửa, nhiều lần say rượu đập phá tài sản, đốt nhà rồi đuổi đánh mẹ con bà Vệ, không cho vào nhà ngủ. Thậm chí anh em Long đi làm phụ hồ, ông Chung còn tìm đến lĩnh tiền công của con đem đi uống rượu. Chính việc đối xử một cách hà khắc đến tai quái của người cha tàn bạo đã khiến đứa con không một ngày được cắp sách tới trường như Long có suy nghĩ tiêu cực là xuống tay với bố để giải thoát cho mình và cả gia đình. “Vào đây, nghe cán bộ phân tích, giảng giải, tôi mới nhận ra sự nông cạn, ấu trĩ của mình. Trước đó, tôi chỉ thấy thương mẹ chứ chưa hiểu được sâu xa như bây giờ”, Long tâm sự.
Hai anh em ở cùng một trại cải tạo nên việc thăm gặp của người mẹ cũng thuận tiện hơn rất nhiều. Long bảo mỗi khi mẹ hay các chị lên, lãnh đạo trại lại tạo điều kiện để anh em Long mỗi người được gặp một lúc. Những khi ấy, nhìn tóc mẹ ngày càng bạc trắng, nét mặt khắc khổ buồn đau, Long càng thấy lòng day dứt.
“Anh trai em ra trại rồi, mẹ cũng có người sớm tối đỡ đần nên lương tâm em cũng cảm thấy đỡ áy náy hơn. Trong này em sẽ cố gắng cải tạo để sớm được ra trại. Em đã được giảm án vài lần rồi, thời gian trở về cũng không còn bao xa nữa. Chỉ mong mẹ ở nhà mạnh khỏe, chờ em về” - Long giãi bày.
Lần đầu tiên trong suốt buổi nói chuyện, Long xưng em với chúng tôi. Có thể Long đang nghĩ tới ngày về, nghĩ tới những dự định sẽ làm cho người mẹ bất hạnh nên tâm tư bớt nặng nề hơn chăng. Không chắc lắm, song chúng tôi có niềm tin rằng lòng thương mẹ của thanh niên này là có thực và đó chính là động lực để anh ta chuộc những lỗi lầm đã gây ra.
Đức Hùng
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 5