(ĐSPL) - Hơn 60 năm trôi qua nhưng những tàn dư của thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc trừ sâu trong chiến tranh vẫn còn sót lại gây ra những hệ luỵ đau thương.
Thời gian gần đây, thông tin từ các cơ sở y tế cho thấy có rất nhiều những vùng quê nằm trải dài trên địa bàn của các tỉnh Hà Tĩnh, có nhiều người cùng mắc bệnh, rồi qua đời. Thậm chí, có những người chết khi tuổi đời còn rất trẻ. Đặc biệt, tỷ lệ người tử vong và mặc bệnh ung thư rất cao khiến dư luận trong nhân dân hết sức hoang mang, lo lắng.
“Sống chung” với thuốc bảo vệ thực vật
Vùng đất Khánh Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), nơi đây còn được nhiều người gọi với một cái tên khác: “Làng ung thư”. Bởi, từ năm 2010 tại các làng như Quần Ngọc, Lương Hội, Kiều Ấp…xã Khánh Lộc tỷ lệ người dân mắc bệnh ung thư và đã chết vì ung thư lên gần một nửa trên tổng số dân sống trong làng. Đến năm 2015, số lượng này đã tăng lên đến hàng trăm người, những người còn lại sống trong làng sức khỏe cũng rất yếu, hầu như mắc các chứng bệnh lạ khác.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ những năm 1954 đến 1978, khu vực Chợ Nhe thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc bị đế quốc Mỹ ném bom ác liệt. Lúc này, kho thuốc BVTV đang được cất giữ tại đây đã được di chuyển về thôn Thái Kiều (Kiều Ấp cũ - PV), thôn Cồn Ngọc và một địa điểm nữa nay thuộc trường Tiểu học Khánh Lộc.
Khu vực này là kho thuốc trừ sâu nằm sâu dưới lòng đất tại thôn Kiều Ấp, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) |
Ẩn họa từ những kho thuốc BVTV chưa được xử lý khiến trong thời gian qua, người dân tại xã Khánh Lộc phải gánh chịu cảnh đau thương khi gia đình mất đi những người thân yêu nhất....
Bà Nguyễn Thị N. (SN 1957), sống gần thôn Cồn Ngọc là một trong những gia đình có 2 người thân đã ra đi vì căn bệnh ung thư. “Gia đình tôi có 4 người nhưng, người chồng trụ cột và đứa con trai đều đã mất vì căn bệnh ung thư quái ác”, bà N. đau buồn cho biết.
Cũng chung nỗi đau, chị Nguyễn Thái Lan (SN 1954) một hộ dân sống trong thôn Kiều Ấp chia sẻ: “Tôi sinh ra một đứa con mà suốt 14 năm nó được sống trên đời không có một ngày khỏe mạnh. Đến lúc qua đời, nó cũng chết trong đau đớn của chứng bệnh lạ”.
Không chỉ vậy, các hộ dân sống trong vùng này cho biết, những hôm trời mưa mùi thuốc sâu từ lòng đất bốc lên nồng nặc. Nước giếng nhà còn bị đục ngầu, đóng váng và có mùi thuốc trừ sâu, khi muốn sử dụng buộc phải lọc qua lọc lại vài ba lần, nhưng cũng không yên tâm.
Giếng nước của người dân đục ngầu, đóng váng và có mùi thuốc sâu tại thôn Quần Ngọc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) |
Trao đổi về vấn đề trên, ông Trần Anh Sơn, cán bộ địa chính xã Khánh Lộc cho biết: "Ba vùng đất kể trên là ba vùng có nguồn nước bị nhiễm độc từ khối lượng thuốc trừ sâu dưới lòng đất nặng nề nhất. Bởi vậy, hiện nay tại ba địa điểm kể trên tỷ lệ mắc bệnh ung thư chiếm phần lớn trong xã Khánh Lộc. Ước tính đến tháng 10/2015 tại thôn Quần Ngọc có trên 100 người đã chết vì ung thư và đang phải đau đớn với căn bệnh quái ác này".
Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên địa bàn xã Hương Long, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Nỗi lo lắng luôn thường trực trên khuôn mặt mỗi người dân nơi đây. Bởi, hàng chục năm nay dù chiến tranh đã rời xa nhưng một số hộ dân vẫn không an tâm sinh hoạt khi mà một lượng thuốc BVTV DDT từ thời kháng chiến chống Mỹ còn tồn lưu trong lòng đất. Loại thuốc này không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của họ.
Qua tìm hiểu được biết, những năm 1964 – 1968, huyện Hương Khê bị đế quốc Mỹ ném bom đánh phá ác liệt. Đứng trước tình hình trên, toàn bộ cơ sở vật chất cũng như cán bộ nhân viên Bệnh viện huyện Hương Khê cũ được sơ tán về đóng tại địa bàn xã Hương Long. Tại đây, để diệt muỗi, chống mối mọt phòng tránh dịch sốt rét cũng như bảo vệ kho tàng, tài sản và vũ khí, bệnh viện đã sử dụng một lượng lớn thuốc BVTV DDT.
Năm 1965, trước sự đánh phá ác liệt của địch, kho chứa thuốc DDT bị thiêu cháy, khiến cho một lượng lớn thuốc độc nói trên bị phát tán ra xung quanh. Từ đó đến nay số thuốc này vẫn nằm lẫn trong lòng đất, thậm chí có một số chỗ nó vón thành từng cục, nằm lộ thiên trên mặt đất, chưa được thu gom xử lý đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân trong vùng.
Thuốc DDT còn nguyên chất màu trắng, vón cục không phân huỷ tại thôn Hương Long, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). |
Cụ Nguyễn Thị Chắt (96 tuổi) một hộ dân sống tại thôn Hương Long cho biết: “Sau khi kho chứa hàng tấn thuốc DDT bị cháy thì nó ngấm sâu vào đất. Hàng chục năm rồi nhưng cứ hôm nào mưa, nắng là mùi bốc lên nồng nặc rất khó chịu".
"Giờ ở cái tuổi gần đất xa trời rồi không mong chi (gì -PV) hơn chỉ mong mần năng (làm sao - PV) được sống mà không phải ngửi những mùi thuốc BVTV", cụ Chắt chia sẽ.
Được biết, chồng cụ vừa qua đời vì căn bệnh ung thư gan, còn bản thân cụ cũng bị rối loạn tiêu hóa, phải thường xuyên uống thuốc và đi bệnh viện.
Cần hướng xử lý kịp thời, triệt để
Ông Mai Khắc Tám, Chủ tịch xã Khánh Lộc cho biết: “Năm 2010 xã đã lập báo cáo gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hà Tĩnh về tình hình bệnh ung thư trên địa bàn. Sau đó, từ năm 2013- 2014 Sở cùng Bộ TN&MT đã về khảo sát thực địa cho xử lý xúc phần đất ở kho thuốc BVTV thuộc trường Tiểu học Khánh Lộc.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại ở xã Khánh Lộc còn có hai trọng điểm kho thuốc BVTV nằm trong khu dân Cồn Ngọc. Tất cả phương án xử lý đều có nhưng vượt ngoài tầm xử lý của địa phương nên xã đang chờ nguồn từ Bộ TN&MT".
Báo cáo của xã Khánh Lộc về thực trạng ung thư tại địa phương năm 2010 |
Về vấn đề tại xã Hương Long, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với ông Phan Quốc Lập, Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê, ông Lập cho biết: "Sự việc tồn dư thuốc BVTV trong khu vực dân cư ở xã Hương Long là có thật. Phòng đã nhiều lần cử cán bộ trực tiếp xuống hiện trường khảo sát và có văn bản gửi Sở TN&MT xem xét để có hướng xử lý, khắc phục tồn dư. Tuy nhiên, đến nay, sau 2 năm phòng vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía Sở".
Chúng tôi bước chân ra về mà lòng nặng trĩu, ở những vùng quê của dải đất miền Trung một thời khói bom ác liệt này, những nỗi đau của quá khứ vẫn đang kéo dài đến cuộc sống hiện tại và tương lai của người dân nghèo nơi đây.
Ngân Hà
[mecloud]jtqTCQDll2[/mecloud]